
Toàn cảnh buổi họp nghiệm thu nhiệm vụ
Nhiệm vụ được thực hiện với hai mục tiêu chính: 1. Đánh giá được hiện trạng ô nhiễm dicumyl peroxide (DCP) ở các cơ sở sản xuất nhựa; 2. Đánh giá rủi ro sức khỏe nghề nghiệp do phơi nhiễm DCP ở các cơ sở sản xuất nhựa.
Qua đó, nhóm nghiên cứu đưa ra bốn nội dung nghiên cứu chính sau: 1. Tổng quan tình hình sản xuất nhựa tại Việt Nam; 2. Quan trắc DCP, toluen, xylen ở các cơ sở sản xuất nhựa; 3. Khám sức khỏe người lao động; 4. Phân tích, xử lý số liệu thu thập được.
Qua nghiên cứu, nhiệm vụ kết luận rằng:
- Mối liên quan đến sức khỏe: người lao động tiếp xúc với DCP có khả năng xuất hiện các triệu chứng lâm sàng có liên quan cao gấp 4,1 lần so với người không tiếp xúc (P<0,01)
- Kết quả nghiên cứu của đề tài phù hợp với những nghiên cứu DCP trước đây về sự có mặt của DCP trong môi trường làm việc và những ảnh hưởng của nó tới sức khỏe người lao động.
- Kết quả nghiên cứu đóng góp thêm những bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của DCP trong môi trường lao động và ở Việt Nam.
Nhiệm vụ đưa ra kiến nghị:
- Cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra chất chuyển hóa DCP trong cơ thể người;
- Cung cấp thông tin kết quả đánh giá rủi ro cho người sử dụng lao động và người lao động. Cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe;
- Chuyển người lao động lâu năm ở khu vực phối trộn nguyên liệu, định hình sản phẩm sang khu vực làm việc khác;
- Ban hành quy chuẩn quy định giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép của DCP trong không khí khu vực làm việc ở Việt Nam.
- Đưa thông số của DCP vào chương trình quy chuẩn môi trường lao động.
Sau khi nghe ThS. Nguyễn Thành Trung thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt tổng kết nhiệm vụ, Hội đồng nghiệm thu đã đưa ra những nhận xét góp ý, trao đổi với chủ nhiệm đề tài: Về cơ bản đề tài đã hoàn thành được mục tiêu nghiên cứu với đầy đủ số lượng cũng như khối lượng các nội dung và kết quả, sản phẩm nghiên cứu đã đề ra. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong nhiệm vụ có tính hiện đại, phù hợp với các nội dung nghiên cứu; bản báo cáo được trình bày hợp lý giữa các phần; nội dung nghiên cứu được trình bày rõ ràng; kết quả của nhiệm vụ đã đánh giá được hiện trạng ô nhiễm dicumyl peroxide (DCP) tại một số khu vực làm việc của ba công ty sản xuất nhựa và cho thấy nồng độ DCP tại khu vực định hình sản phẩm cao hơn so với các khu vực khác; nghiên cứu cũng cho thấy người lao động làm việc ở một số vị trí trong các cơ sở khảo sát đã bị phơi nhiễm với DCP, phương pháp đánh giá rủi ro sức khỏe VNIOSH 2018 đã xác định được mức độ rủi ro nghề nghiệp với mức độ rủi ro nhỏ .
Tuy nhiên báo cáo tổng kết của nhiệm vụ còn nhiều thiết sót và cần được chỉnh sửa bổ sung: Cần đưa toàn bộ chương 2 vào phần đặt vấn đề, phần phương pháp và kỹ thuật nghiên cứu cần viết ngắn gọn lại; chương 1 tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước yêu cầu bổ sung các nghiên cứu trong nước; chương 2 cơ sở khoa học cần phân tích rõ ràng hơn; chương 3 đánh giá thực trạng môi trường và sức khỏe của các cơ sở sản xuất nhựa cần đưa thêm kết quả khám bệnh; thêm phần bàn luận để nêu bật được các kết quả nghiên cứu; cuối cùng là phần kết luận và khuyến nghị. Ngoài ra, cần xem lại các công thức, các nguồn trích dẫn, đặc biệt là ghi rõ tên các tiêu chuẩn; bổ sung thời gian lấy mẫu...
Hội đồng đã nhất trí thông qua nhiệm vụ trên cơ sở bổ sung và chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng.
NKT
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)