Họp Hội đồng KH&CN đánh giá, nghiệm thu kết quả nhiệm vụ KH&CN cấp TLĐ: “Nghiên cứu đánh giá phân loại điều kiện lao động cho các cơ sở sản xuất ngành dệt may”

22/12/2022
Sáng ngày 21/12/2022 Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã tổ chức Họp Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu chính thức nhiệm vụ KH&CN cấp TLĐ mã số: CTTĐ-221/01/TLĐ: “Nghiên cứu đánh giá phân loại điều kiện lao động cho các cơ sở sản xuất ngành dệt may” do PGS.TS. Lê Minh Đức – Phân Viện An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Tổng Liên Đoàn gồm có 7 thành viên do GS.TS Lê Vân Trình – Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam làm Chủ tịch.

PGS.TS. Lê Minh Đức thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên môi trường làm việc của người lao động tại các cơ sở Dệt May ở miền Trung vẫn còn tồn tại những yếu tố có hại như bụi, hóa chất, tiếng ồn, ánh sáng, tư thế đơn điệu... làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động hoặc những yếu tố nguy hiểm về điện, cháy nổ, vật sắc nhọn... có thể gây tai nạn cho người lao động trong quá trình làm việc. Dệt may là một trong những ngành nghề sử dụng nhiều lao động nữ, tỷ lệ lao động nữ thường chiếm hơn 70% tổng số lao động của cơ sở và đa số chưa qua đào tạo. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra người lao động trong ngành Dệt May thường mắc các bệnh: rối loạn cơ xương khớp, mắt, đau vùng thắt lưng, viêm da dị ứng, hội chứng tắc nghẽn chức năng hô hấp, mức độ cao của căng thẳng, tâm sinh lý…Từ đây có thể thấy điều kiện lao động (ĐKLĐ) đã trở thành một thành tố vô cùng quan trọng, tác động trực tiếp đến sức khoẻ người lao động. Lựa chọn một phương pháp phù hợp để đánh giá, xếp loại ĐKLĐ là cần thiết, là  cơ sở khoa học chắc chắn trong bảo vệ an toàn và sức khoẻ người lao động nói chung, người lao động ngành Dệt May nói riêng.

Phương pháp VNNIOSH-2017 (do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động nghiên cứu, phát triển từ năm 2017) được áp dụng để đánh giá, phân loại ĐKLĐ tại một số vị trí công việc trong cơ sở dệt may. Phương pháp sử dụng đánh giá ĐKLĐ trên cơ sở xem xét ảnh hưởng một cách tổng hợp các yếu tố trong môi trường lao động.

Nhiệm vụ KH&CN cấp TLĐ “Nghiên cứu đánh giá phân loại điều kiện lao động cho các cơ sở sản xuất ngành dệt may”  được thực hiện với 2 mục tiêu chính: 1).Xây dựng cơ sở dữ liệu điều kiện lao động nghề, công việc của ngành dệt, may; 2). Xây dựng danh mục xếp loại lao động cho nghề, công việc của ngành dệt may.

Để đạt được 2 mục tiêu đã đặt ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung: 1). Tổng quan quy trình công nghệ, phân loại và mô tả các công việc chính trong các cơ sở sản xuất ngành dệt may ; 2). Điều tra khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu về điều kiện lao động; 3). Đánh giá ĐKLĐ theo phương pháp VNNIOSH-2017; 4). Xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn đánh giá ĐKLĐ theo phương pháp VNNIOSH-2017;

Nhiệm vụ đã tiến hành nghiên cứu tại 10 cơ sở dệt may ở miền Trung (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng) với 7 vị trí công việc cho cơ sở may và 14 vị trí công việc cho cơ sở dệt.

Phương pháp VNNIOSH-2017 được thực hiện qua hai bước:

- Bước 1: đánh giá, phân loại điều kiện lao động theo các yếu tố riêng lẻ. Trong nghiên cứu này, các yếu tố xem xét là: vi khí hậu, bụi, hơi khí độc, độ nặng nhọc, cường độ lao động. Các giá trị quan trắc được sẽ là cơ sở để phân loại ĐKLĐ.

- Bước 2: Phân loại ĐKLĐ theo cách tổ hợp các yếu tố đã được nghiên cứu ở bước 1, trên cơ sở đảm bảo nguyên lý an toàn sinh học trong đánh giá tổng hợp nhiều yếu tố của ĐKLĐ lên sức khoẻ. ĐKLĐ được phân loại theo 7 mức: Mức 1: rất tốt; Mức 2: tốt; Mức 3: độc hại nhẹ; Mức 4: độc hại trung bình; Mức 5: độc hại nặng; Mức 6: độc hại rất nặng; Mức 7: nguy hiểm

Sản phẩm đã hoàn thành của nhiệm vụ:

1. Báo cáo quy trình công nghệ phân loại và mô tả các công việc chính trong các cơ sở sản xuất ngành dệt may.

2. Báo cáo cơ sở dữ liệu ĐKLĐ của nghề, công việc  theo phân loại  trong các cơ sở sản xuât dệt may.

3. Đề xuất danh mục phân loại lao động cho nghề , công việc của ngành dệt may

4. Bộ tài liệu hướng dẫn đánh giá ĐKLĐ theo phương pháp VNNIOSH-2017.

5. 02 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành

6. Hướng dẫn 01 Thạc sỹ hoàn thành luận án.

Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Vân Trình đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận như sau: Mặc dù được thực hiện trong thời gian ngắn và có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nhưng nhiệm vụ đã hoàn thành đầy đủ nội dung,  khối lượng và đưa ra được sản phẩm tương ứng đáp ứng được mục tiêu theo như đề cương đã được phê duyệt theo đúng tiến độ. Tuy nhiên báo cáo tổng kết của nhiệm vụ còn một số thiếu sót và cần được chỉnh sửa bổ sung:

- Phần Tổng quan: Chỉnh sửa, thống nhất các số liệu thu thập được ở báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt và các báo cáo sản phẩm của nhiệm vụ; Lược bỏ một số dữ liệu không liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ.

- Thống nhất và sử dụng đúng các thuật ngữ, đơn vị đo… chuyên ngành Ecgonomi và sinh lý lao động.

- Chỉnh sửa lại các lỗi đánh máy, chính tả, các thứ tự công thức bảng biểu…

- Kết quả đánh giá điều kiện lao đông cần trình bày lại dựa theo các nhóm chỉ tiêu như nhóm môi trường, nhóm gánh nặng, nhóm căng thẳng… trên cơ sở đó rà soát lại các chỉ tiêu và sau đó đánh giá tổng hợp.

- Trên cơ sở  bám sát theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBX rà soát lại các danh mục phân loại điều kiện lao động để tránh trùng lặp với nội dung thông tư đã ban hành.

- Tài liệu hướng dẫn đánh giá ĐKLĐ cần chỉnh sửa lại ngắn ngọn, dễ hiểu và dễ áp dụng.

Hội đồng nhất trí đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ chính thức cấp Tổng Liên đoàn trên cơ sở chỉnh sửa theo những góp ý của Hội đồng.

HT


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)