Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Tổng Liên Đoàn gồm có 7 thành viên do GS.TS Lê Vân Trình – Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam làm Chủ tịch.

Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ
TS.Nguyễn Thu Thủy đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) cho người lao động trong ngành xây dựng”được thực hiện với 2 mục tiêu chính: 1). Đánh giá được thực trạng quản lý và sử dụng PTBVCN cho người lao động trong ngành xây dựng; 2). Đề xuất được giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN cho người lao động trong ngành xây dựng.

TS. Nguyễn Thị Thu Thủy trình bày báo cáo tóm tắt kết quản thực hiện nhiệm vụ
Để đạt được 2 mục tiêu chính đã đề ra, nhóm nghiên cứu đã thực hiện những nội dung sau:
- Nghiên cứu tổng quan chung về thực trạng của ngành xây dựng và PTBVCN.
- Nghiên cứu, điều tra khảo sát hiện trạng về ATVSLĐ và PTBVCN trong ngành xây dựng.
- Nghiên cứu xây dựng phương pháp đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN cho người lao động trong ngành xây dựng.
- Đánh giá hiệu quả quản lý sử dụng PTBVCN cho người lao động trong ngành xây dựng theo phương pháp đã xây dựng.
- Nghiên cứu xây dựng giải pháp cơ bản nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN cho người lao động trong ngành xây dựng.
Những phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ: Phương pháp tra cứu: thu thập số liệu thống kê, phân tích các tài liệu, tiêu chuẩn hiện hành, các phương pháp kỹ thuật đã công bố và kinh nghiệm áp dụng; Phương pháp điều tra, khảo sát, phỏng vấn trực tiếp thu thập số liệu tại hiện trường; Phương pháp thử nghiệm PTBVCN tại phòng thí nghiệm; Phương pháp phân tích xử lý số liệu, phương pháp thống kê; Phương pháp nhận diện mối nguy (Checklist...)
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu tại 05 công trình xây dựng: 03 công trình của Công ty Cổ phần CDC Hà Nội, 02 công trình của Công ty Cổ phần xây dựng đô thị Hòa Phú.
Kết quả nghiên cứu:
- Khảo sát thực trạng ATVSLĐ và thực trạng quản lý, sử dụng PTBVCN tại các công trường xây dựng cho thấy: doanh nghiệp bước đầu đã thực hiện việc quản lý, cấp phát và sử dụng PTBVCN nhưng hiệu quả còn chưa cao.
- Nghiên cứu và chỉ ra được những yếu tố ảnh hưởng tới sự tuân thủ PTBVCN: Những yếu tố liên quan đến người lao động: độ tuổi, sự hiểu biết/trình độ, thâm niên công tác và trình trạng hôn nhân; Những yếu tố liên quan đến chính sách quản lý của công ty (chính sách quản lý PTBVCN, khen thưởng và xử phạt khi sử dụng hoặc không sử dụng PTBVCN).
- Xây dựng phương pháp đánh giá hiệu quả Quản lý và sử dụng PTBVCN tại cơ sở: Đánh giá hiệu quả quản lý PTBVCN theo 14 chỉ tiêu tuân thủ trong các văn bản pháp lý về PTBVCN; Đánh giá hiệu quả sử dụng PTBVCN theo 9 chỉ tiêu, trong đó 4 chỉ tiêu về lựa chọn và 5 chỉ tiêu về áp dụng PTBVCN.
- Đánh giá được hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN của 5 công trình đã khảo sát.
- Đề xuất được 3 giải pháp nâng cao sự quản lý và sử dụng PTBVCN là những giải pháp tổ chức quản lý của doanh nghiệp.
Sản phẩm đã đạt được của nhiệm vụ: 1). Báo cáo tổng quan về PTBVCN phổ biến sử dụng trong ngành xây dựng; 2). Báo cáo thực trạng môi trường, điều kiện lao động và thực trạng sử dụng PTBVCN trong ngành xây dựng; 3). Báo cáo phương pháp đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN; 4). Báo cáo kết quả đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN cho người lao động trong ngành xây dựng; 5) Báo cáo giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng PTBVCN cho người lao động trong ngành xây dựng; 6) 02 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Vân Trình đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận như sau: Nhiệm vụ đã hoàn thành đầy đủ nội dung, khối lượng và đưa ra được sản phẩm tương ứng đáp ứng được mục tiêu theo như đề cương đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, thời gian yêu cầu. Kết quả của nhiệm vụ ngoài việc phục vụ cho công tác An toàn vệ sinh lao động tại công trường xây dựng còn có ý nghĩa mang tính định hướng, gợi mở cho những nghiên cứu tiếp theo sau này về việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác. Để báo cáo tổng kết của nhiệm vụ được hoàn thiện, nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa, bổ sung một số điểm sau:
- Trích dẫn Tài liệu tham khảo cần tuân thủ yêu cầu khoa học của việc đánh số, nguồn gốc năm phát hành...; Biên dịch tên tài liệu, tên tác giả sang phiên âm La tinh theo quy ước Quốc tế; Trong phần Tổng quan khi trích dẫn tài liệu tham khảo của các nước đi trước trên Thế giới cần phân tích nhưng ưu điểm , những khó khăn vướng mắc và hướng giải quyết khi áp dụng cho tình hình Việt Nam.
- Bổ sung thống kê về trình độ đối tượng (công nhân) tham gia khảo sát để làm căn cứ giải thích rõ ràng và logic về việc thay đổi cỡ mẫu khi thực hiện khảo sát so với số liệu khi thuyết minh đề cương (cỡ mẫu tăng từ 100 lên 168).
- Phần Giải pháp cung ứng PTBVCN cho 2 đơn vị thi công cần trích dẫn, căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn do Nhà nước ban hành.
Hội đồng nhất trí cho nghiệm thu nhiệm vụ chính thức cấp Tổng Liên đoàn trên cơ sở chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng.
HT
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)