Nhiệm vụ được thực hiện nhằm Đưa ra được cơ sở khoa học để đề xuất cơ chế bảo hiểm bắt buộc tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp phù hợp đối với điều kiện Việt Nam đến năm 2035; Xây dựng được phương pháp xác định mức đóng bảo hiểm bắt buộc của doanh nghiệp vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp quốc gia.
Với nội dung nghiên cứu chính là Tổng quan phân tích kinh nghiệm thế giới, khu vực và ở Việt Nam về bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; Nghiên cứu cơ sở khoa học đánh giá, dự báo rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và căn cứ kinh tế, pháp luật quản lý tại cơ sở; Nghiên cứu đề xuất cơ sở đền bù thiệt hại cho người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong điều kiện Việt Nam; Nghiên cứu đề xuất phương hướng hoàn thiện hệ thống bảo hiểm bắt buộc tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và phương pháp xác định mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Toàn cảnh buổi họp nghiệm thu
Qua quá trình nghiên cứu, nhiệm vụ đã Tổng quan phân tích kinh nghiệm và các mô hình bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp của các nước công nghiệp phát triển và các nước trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, các cơ sở khoa học được áp dụng phổ biến trong vấn đề xây dựng quỹ, chi quyền lợi cho người lao động được bảo hiểm; Đã nghiên cứu cơ sở khoa học đánh giá, dự báo rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và các căn cứ kinh tế, pháp luật quản lý tại cơ sở, hoàn chỉnh và đề xuất phương pháp tính toán thiệt hại trực tiếp do tai nạn lao động gây tử vong cho người lao động nhằm làm căn cứ xác định thiệt hại quy đổi các mức thương tật do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp - vốn là căn cứ để đền bù, chi bảo hiểm trong các trường hợp được quy định; Đã đề xuất phương hướng hoàn thiện hệ thống bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở nước ta đến 2035; Ngoài ra, đã xây dựng được cách tiếp cận và bộ công cụ đánh giá thiệt hại gián tiếp đối với người lao động, với xã hội và thân nhân người lao động bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Làm cơ sở để xác định đúng và đủ thiệt hại để xây dựng chính sách đền bù, trợ cấp cho các đối tượng người phụ thuộc được nhận bảo hiểm theo quy định; Nhiệm vụ đã nghiên cứu xây dựng được công cụ tính toán và thang mức bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp theo nguyên lý cân bằng thu - chi. Thang mức và công cụ xác định mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đề xuất ở đây căn cứ mức độ rủi ro sức khỏe nghề nghiệp và đảm bảo các nguyên tắc của bảo hiểm nói chung, tạo được động lực kinh tế cho người sử dụng lao động thực hiện chủ động việc phòng ngừa, kiểm soát rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp một cách hiệu quả.
Sau khi nghe TS. Đỗ Trần Hải thay mặt nhóm thực hiện nhiệm vụ trình bày những nội dung nghiên cứu chính, các phương pháp nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu đã đạt được. Hội đồng nghiệm thu đã có những trao đổi, nhận xét góp ý với nhóm thực hiện: Hội đồng đánh giá cao tính thực tiễn của nhiệm vụ, việc thực hiện nhiệm vụ là cần thiết, đóng góp cho việc phấn đấu giảm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở sản xuất. Báo cáo tổng hợp rõ ràng, logic, đầy đủ các nội dung cần thiết theo mục tiêu đề ra. Phần báo cáo tóm tắt ngắn gọn và đầy đủ. Chủng loại và chất lượng sản phẩm đầy đủ và có chất lượng. Tuy nhiên, nhiệm vụ cần rút gọn hơn nữa phần mở đầu, giải thích rõ hơn hạn chế phương thức bảo hiểm tai nạn lao động về bệnh nghề nghiệp ở nước ta hiện nay, nên đưa vào kiến nghị đề xuất ngắn gọn về mức đóng bảo hiểm, cần thống nhất thuật ngữ theo công ước của ILO, cần phân tích thêm sự phù hợp về chính sách nước ngoài so với Việt Nam hiện nay, sửa lỗi chính tả, bổ sung các nguồn trong một số bảng biểu, bổ sung thêm đề xuất công cụ đánh giá chi trả cho các bồi thường thiệt hại...
Hội đồng kết luận nhiệm vụ đạt yêu cầu trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung báo cáo theo góp ý của 2 ủy viên phản biện và các thành viên Hội đồng bằng văn bản.
NKT
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)