Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Tổng Liên Đoàn gồm có 7 thành viên do GS.TS Lê Vân Trình – Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam làm Chủ tịch.
KS. Đinh Mạnh Cường đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu công nghệ khử chọn lọc xúc tác NOx trong khí thải công nghiệp” được thực hiện với 2 mục tiêu chính: 1). Lựa chọn được xúc tác phù hợp khử chọn lọc NOx trong khí thải công nghiệp; 2). Thiết kế chế tạo hệ thiết bị công nghệ khử chọn lọc xúc tác NOx trong khí thải công nghiệp có công suất 1000m3/h.
Cách tiếp cận nghiên cứu:
- Nghiên cứu tổng hợp chất xúc tác phù hợp.
- Nghiên cứu lựa chọn vật liệu ceramic phù hợp để xử lý khí thải công nghiệp và phủ chất xúc tác lên bề mặt và quy trình công nghệ phủ chất xúc tác này lên vật liệu mang ceramic.
- Nghiên cứu đánh giá chất lượng của vật liệu xúc tác và hiệu quả xử lý NOx của vật liệu trong phòng thí nghiệm.
- Gia công chế tạo, lắp dựng pilot thí nghiệm với quy mô 1000m3/h và quy trình thí nghiệm trên pilot
Thực hiện nghiên cứu thực nghiệm trên pilot. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý NOx ở nhiệt độ thấp trong khí thải công nghiệp của pilot thực nghiệm, từ đó tìm ra chế độ tối ưu xử lý NOx đối với vật liệu nghiên cứu.
Các phương pháp nghiên cứu đã được sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ: Hồi cứu tài liệu; Đánh giá chất lượng của vật liệu xúc tác và hiệu quả xử lý NOx của vật liệu chế tạo trên sơ đồ vi dòng trong phòng thí nghiệm; Nghiên cứu thực nghiệm trên pilot.
Sau khi thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận:
1. Nghiên cứu, đánh giá lựa chọn được loại xúc tác phù hợp với công nghệ khử chọn lọc xúc tác xử lý NOx là xúc tác gốc V2O5 có bổ sung thành phần Fe2O3. Cụ thể là 10% mol Fe2O3/V2O5 được tẩm phủ lên gốm.
2. Đã lập hồ sơ thiết kế thiết bị xử lý NOx và hệ thống pilot để xử lý khí thải có các thông số lựa chọn ban đầu gồm: Nồng độ đầu vào N: 1500-2000 mg/Nm3; Lưu lượng khí thải 1000m3/h; Vận tốc dòng khí: 1-4m/s; Nhiệt độ khí thải trước xử lý: 250-350 oC; Tỉ lệ mol NH3 và NOx: 1-1,1; Chiều cao lớp vật liệu: 0,35-1m. Bộ hồ sơ thiết kế bao gồm đầy đủ các nội dung: Thuyết minh tính toán thiết kế thiết bị xử lý và hệ thống các thiết bị sử dụng trong pilot; Sơ đồ thí nghiệm; Bản vẽ thiế kế hệ thống pilot.
3.Thực hiện thí nghiệm trên hệ thống pilot, nghiên cứu đã chỉ ra được điểm tối ưu trong vùng thí nghiệm hay nói một cách khác là nồng độ khí NOx sau thiết bị nhỏ nhất tại t = 2700C; vd=1 m/s; Cv = 1500 mg/m3; h=1,05m; Tại điểm tối ưu này nồng độ NOx khí ra sau thiết bị là 341 mg/m3, hiệu suất xử lý NOx đạt 77%, như vậy nồng độ NOx đầu ra đảm bảo đạt QCVN 19:2009/BTNMT với hệ số vùng Kv=0,6; Hệ số lưu lượng thải 0,8.
4. Mặc dù phương pháp xử lý NOx trong khí thải công nghiệp sử dụng tổ hợp xúc tác 10% mol Fe/V2O5 trên là một phương pháp có hiệu quả khá cao ở nhiệt độ thấp, tuy nhiên vẫn còn phải đánh giá tiếp theo qua việc ứng dụng trong thực tế.
Sản phẩm đã đạt được của đề tài: 1). Báo cáo vật liệu xúc tác đã được lựa chọn của đề tài; 2). Bộ hồ sơ thiết kế thiết bị Pilot cùng hệ thống gá thí nghiệm; 3). Thiết bị xử lý khí thải; 4). 02 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Kiến nghị của nhóm nghiên cứu:
1. Để có thể xử lý được NOx trong khí thải công nghiệp thì cần nghiên cứu tiếp ảnh hưởng của các yếu tố khác nữa như sự có mặt của các thành phần khác có trong khí thải thực tế như khói bụi, hơi khí độc…; yếu tố độ ẩm; yếu tố tối ưu của tháp lọc…mà trong khuôn khổ đề tài này chưa có điều kiện để thực hiện nghiên cứu được hết.
2. Tiếp tục nghiên cứu đánh giá về độ bền và độ ổn định của vật liệu xúc tác để điều chỉnh hoàn thiện công nghệ và đưa xúc tác ứng dụng rộng rãi trong các hệ thống xử lý ô nhiễm khí thải thực tế.
Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Vân Trình đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận như sau: Nhiệm vụ đã hoàn thành đầy đủ nội dung, khối lượng và đưa ra được sản phẩm tương ứng đáp ứng được mục tiêu theo như đề cương đã được phê duyệt theo đúng tiến độ, thời gian yêu cầu. Nhóm nghiên cứu đã tiếp thu và sửa chữa, bổ sung đầy đủ theo những ý kiến của hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, báo cáo tổng hợp đã ngắn gọn, xúc tích, chứa đựng đầy đủ nội dung của đề tài. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm cần yêu cầu sửa chữa, bổ sung:
- Báo cáo tóm tắt còn dài cần rút ngắn hơn nữa.
- Bổ sung giải thích rõ hơn về chất xúc tác: độ lắng đọng, bám dính, khả năng xử lý theo thời gian…
- Bổ sung rõ ràng các căn cứ để xây dựng biểu đồ, giải thích rõ vì sao chỉ chọn 2 chế độ vận tốc và bước nhảy lớn, tại sao chỉ chọn 1m/s trở lên mà không có những giới hạn nhỏ hơn…
- Giải thích, chú thích rõ hơn về các bảng, biểu đồ…
- Chỉnh sửa lại kết luận và kiến nghị bám sát theo những mục tiêu đã đề ra.
Hội đồng nhất trí cho nghiệm thu nhiệm vụ chính thức cấp Tổng Liên đoàn trên cơ sở chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng.
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)