Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ cấp Tổng Liên Đoàn gồm có 7 thành viên do GS.TS. Lê Vân Trình – Hội KHKT An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam làm Chủ tịch.
TSKH. Phạm Quốc Quân đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.

TSKH. Phạm Quốc Quân trình bày báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và xây dựng phương pháp luận kiểm soát rủi ro nghề nghiệp phù hợp với phát triển hội nhập của Việt Nam” được thực hiện với 3 mục tiêu chính: 1). Bổ sung, hoàn thiện được cơ sở khoa học, các phương pháp tính toán, các chuẩn phân tích rủi ro nghề nghiệp (RRNN) tại cơ sở phù hợp với điều kiện Việt Nam; 2). Đưa ra được các cơ sở khoa học phục vụ kiểm soát RRNN tại cơ sở sản xuất công nghiệp; 3). Đưa ra được phương pháp luận kiểm soát RRNN ở Việt Nam trong điều kiện phát triển hội nhập.
Để đạt được 3 mục tiêu đã đặt ra, nhóm nghiên cứu đã thực hiện 6 nội dung chính sau: 1). Nghiên cứu tổng quan các vấn đề liên quan đến; 2). Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định và đánh giá RRNN; 3). Nghiên cứu cơ sở khoa học quan trắc, giám sát và phân tích RRNN; 4). Nghiên cứu cơ sở khoa học cảnh báo, can thiệp giảm thiểu và can thiệp ngăn chặn RRNN tại cơ sở SXCN; 5). Nghiên cứu phương pháp luận đánh giá hiệu quả kiểm soát RRNN của các giải pháp được áp dụng và tối ưu hóa sơ đồ huy động nguồn lực tại cơ sở; 6). Nghiên cứu phương pháp luận kiểm soát RRNN tại cơ sở trong điều kiện phát triển hội nhập.
Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng: Phương pháp hồi cứu, xử lý thống kê số liệu; Phương pháp phân tích xác suất, thống kê; Phương pháp nghiên cứu thực địa; Phương pháp phân tích, tư duy và phát triển.
Nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ nội dung được phê duyệt và thu được các kết quả về mặt học thuật và khoa học như sau:
1. Nhiệm vụ đã thực hiện tổng quan phân tích tình hình nghiên cứu phương pháp luận kiểm soát RRNN và các cơ sở khoa học liên quan, qua đó hình dung được tập hợp các bước kiểm soát RRNN.
2. Nhiệm vụ đã tổng quan, phân tích một số cơ sở khoa học phục vụ kiểm soát RRNN như: nhận diện và phân tích RRNN; tổng quan về một số phương pháp phổ biến xác định RRNN và cơ sở khoa học xây dựng các giải pháp can thiệp RRNN.
3. Nhiệm vụ đã nghiên cứu bổ sung một số cơ sở khoa học và phương pháp phục vụ kiểm soát RRNN tại nơi làm việc, đó là:
- Bổ sung khái niệm đầy đủ về sự kiện RRNN, các đặc trưng của chúng và khái niệm mức RRNN chung của doanh nghiệp;
- Xây dựng được phương pháp chỉ số nguy hiểm độc hại thống nhât xác định rủi ro tai nạn lao động, rủi ro bệnh nghề nghiệp và rủi ro suy giảm sức khỏe nghề nghiệp. Phương pháp này cho phép xác định được RRNN tổng thể khi người lao động chịu cùng lúc nhiều rủi ro – điều mà các doanh nghiệp còn bỏ ngỏ;
- Xây dựng được phương pháp đánh giá hiệu quả can thiệp RRNN của các giải pháp giảm thiểu với các yếu tố độc hại, thông qua giảm thế năng, cường độ và thời gian tiếp xúc của NLĐ;
- Đã nghiên cứu tối ưu hóa sơ đồ huy động nguồn lực cho các giải pháp can thiệp RRNN tại cơ sở sản xuất.
4. Nhiệm vụ đã đưa ra phương pháp luận kiểm soát RRNN gồm 4 công đoạn để áp dụng ở Việt Nam, đó là: 1). Chọn bộ tiêu chuẩn Môi trường lao động và quan trắc lao động đối với phân xưởng và vị trí làm việc cần kiểm soát RRNN. Nhận diện, đo đạc, giám sát các mối nguy hiểm tiềm ẩn gây RRNN và cảnh báo tình huống nguy cơ; 2). Phân tích, đánh giá RRNN tại vị trí làm việc và trong không gian phân xưởng, sắp xếp thứ tự RRNN cần can thiệp và cảnh báo sớm các tình huống nguy cơ; 3). Xây dựng các giải pháp nhằm can thiệp giảm thiểu điều chỉnh, can thiệp giảm thiểu và can thiệp ngăn chặn các RRNN thành phần có thứ tự ưu tiên theo danh sách RRNN cần can thiệp đưa ra ở công đoạn 2; 4). Đánh giá hiệu quả hạ bậc RRNN và hiệu quả kinh tế của các giải pháp can thiệp được áp dụng.
Chủ tịch Hội đồng GS.TS. Lê Vân Trình đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên Hội đồng và đưa ra kết luận như sau: Nhiệm vụ đã bám sát mục tiêu theo đề cương đã được phê duyệt, thực hiện đầy đủ mọi nội dung và đưa ra được sản phẩm có chất lượng theo đúng tiến độ, thời gian yêu cầu, nổi bật nhất là nhiệm vụ đã xây dựng được Phương pháp chỉ số rủi ro thống nhất xác định rủi ro tổng thể khi người lao động cùng một lúc chịu nhiều rủi ro. Hội đồng yêu cầu chỉnh sửa một số điểm như sau:
- Làm rõ nguồn gốc xuất xứ 1 số công thức, chỉ số, thông số trong các bảng biểu (đặc biệt là ở Chương 2). Bổ sung nguồn trích dẫn, thứ tự các bảng, chỉ dẫn đầy đủ cho bảng, Tài liệu tham khảo viết theo đúng quy định (tên tác giả, thứ tự...), thống nhất và giải thích các thuật ngữ, các chữ viết tắt được sử dụng, liệt kê rõ nhóm 28 mối nguy hiểm...
- Sửa chữa các lỗi văn bản, đánh máy...
- Xác định rõ đối tượng trong tài liệu chuyên khảo.
Hội đồng nhất trí cho nghiệm thu nhiệm vụ chính thức cấp Tổng Liên đoàn trên cơ sở chỉnh sửa và bổ sung theo góp ý của Hội đồng.
HT
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)