Hoạt động công đoàn - Kinh nghiệm của Canada

01/03/2017
Ngày 28/2/2017, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Việc làm và Phát triển xã hội Canada và Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức Hội thảo Các Công ước quốc tế về hoạt động công đoàn - Kinh nghiệm của Canada.


Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định Việt Nam đang trong quá trình tham gia vào phân công lao động quốc tế, thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, công bằng xã hội và tuân thủ các luật chơi chung, trong đó có các công ước quốc tế của Liên hợp quốc, các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Với chủ trương tích cực hội nhập quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tiến trình hội nhập, về lĩnh vực lao động, Việt Nam đã có một hệ thống chính sách và pháp luật tương đối đầy đủ cũng như đạt được khá nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Pháp luật lao động đang ngày càng có xu hướng được điều chỉnh và thực hiện tiếp cận với tiêu chuẩn và chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế chính trị xã hội của Việt Nam.

Trong quá trình đó, Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Canada, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về xây dựng, thực thi pháp luật, thực thi các cam kết quốc tế về lao động và xã hội, thông qua các hoạt động trao đổi đoàn tìm hiểu khả năng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghề, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội.


Các đại biểu tham gia hội thảo


Từ khi thành lập đến nay, Công đoàn Việt Nam luôn nỗ lực trong việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ người lao động và các chức năng khác của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động tham gia cơ chế ba bên với những vai trò cơ bản sau: là cầu nối người lao động với người sử dụng lao động và Nhà nước; Cùng đại diện của Nhà nước và người sử dụng lao động quyết định hoặc cùng đại diện của người sử dụng lao động tư vấn cho Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật lao động, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng...; Phối hợp với Nhà nước và người sử dụng lao động tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch...và giải quyết các vấn đề phát sinh từ quá trình tổ chức thực hiện này, bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công; Cùng đại diện người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hai bên lành mạnh, môi trường lao động hài hoà, ổn định.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, để quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ thì phải có những thỏa ước lao động tập thể hội đủ “4 thật”: đối tác thật, thương lượng thật, nội dung thật và thực hiện thật. Tuy nhiên, trong quá trình ký kết thỏa ước lao động tập thể vẫn còn mang tính hình thức, hầu như chưa có sự tham gia của người lao động, nên các nội dung trong thỏa ước lao động không xuất phát từ nguyện vọng, đề xuất của họ.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, trong 5 năm tới, quan hệ lao động Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn hẳn giai đoạn trước, lúc đó, nếu không sớm điều chỉnh chính sách, luật pháp, xây dựng các cơ chế thiết chế và năng lực thực thi thì quan hệ lao động thị trường sẽ bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, vai trò của tổ chức công đoàn ở cơ sở phải là tổ chức thực sự, đại diện cho người lao động và đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong quan hệ với người sử dụng lao động. Vai trò của công đoàn, vai trò của người lao động và vai trò của người sử dụng lao động đều phải điều chỉnh đổi mới cho phù hợp với nguyên tắc của quan hệ lao động trong cơ chế thị trường.


Các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ lao động và công đoàn của Canada

Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ Việc làm và Phát triển xã hội Canada, Ủy ban Quan hệ lao động Canada đã chia sẻ các nguyên tắc cơ bản về quan hệ lao động cũng như tổng quan về hoạt động công đoàn của Canada.

Theo bà Lori Straznicky, Bộ Việc làm và phát triển xã hội Canada, việc quản lý các quy định quan hệ lao động của Bộ luật Lao động được phân chia giữa Bộ trưởng Bộ Việc làm và Phát triển xã hội; Dịch vụ hòa giải và điều đình Liên bang của Chương trình Lao động và Hội đồng Quan hệ lao động Canada. Một số nguyên tắc chủ chốt làm nền tảng cho pháp chế và quan hệ lao động liên bang của Canada: Cung cấp các quyền thương lượng độc quyền cho một hiệp hội được thành lập để có được sự ủng hộ của đa số trong nhóm thương lượng (đi kèm nghĩa vụ đại diện công bằng cho người lao động); yêu cầu người sử dụng lao động và công đoàn được chứng nhận thương lượng một cách thiện chí; bảo đảm công đoàn, ví dụ khấu trừ chi phí công đoàn bắt buộc, quyền kế nhiệm, trọng tài hợp đồng đầu tiên, phục chức cho người lao động sau đình công, hạn chế “thời gian mở” cho bác bỏ xác nhận; định rõ các điều kiện cần phải đáp ứng trước khi đình công hoặc đóng cửa nơi làm việc (hòa giải, thông báo, bỏ phiếu đình công, thoả thuận dịch vụ cần thiết);...

Tuy nhiên, hệ thống quan hệ lao động truyền thống tại Canada vốn dựa trên quan điểm làm việc duy nhất đang gặp thách thức bởi sự thay đổi nhân khẩu học trong lực lượng lao động, áp lực cạnh tranh gia tăng, hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các tiến bộ công nghệ và việc các mối quan hệ và sắp xếp lao động phi tiêu chuẩn đang ngày càng chiếm ưu thế. Tháng 1/2015, Tòa án Tối cao Canada đã đưa ra những quyết định bước ngoặt.

Hiện nay, tại Canada, theo luật Công đoàn mỗi người lao động đều có quyền tham gia công đoàn mà họ lựa chọn và mỗi người sử dụng lao động có quyền tham gia vào một tổ chức sử dụng lao động. Để có quyền đại diện cho người lao động khi thương lượng tập thể, công đoàn phải được đa số ủng hộ từ người lao động. Người lao động phải được tự do thể hiện mong muốn thực sự của mình và không có các mối nguy hại, đe dọa hay cưỡng chế từ người sử dụng lao động hoặc công đoàn. Một khi được công nhận về mặt pháp lý, công đoàn có quyền thương lượng tập thể độc quyền, đảm bảo công đoàn và nghĩa vụ đại diện công bằng.

Đăng Doanh

(Nguồn tin: Tạp chí điện tử Lao động và Xã hội)