Làm thế nào người sử dụng lao động có thể tạo lập văn hóa tôn trọng để người lao động cảm thấy an toàn và được hỗ trợ trong việc giải quyết hành vi không mong muốn? Một chương trình phòng chống mạnh mẽ, được truyền đạt rõ ràng chính là bước đi phù hợp để bắt đầu. Chương trình cần có chính sách bằng văn bản chỉ ra những hành vi được coi là không phù hợp và không thể chấp nhận, phải làm gì khi xảy ra sự cố, người lao động có thể báo cáo sự cố với ai và quy trình phải thực hiện khi sự cố được báo cáo.
Mặc dù nội dung và các chiến lược triển khai cụ thể sẽ khác nhau tùy thuộc vào quyền hạn và tính chất nơi làm việc, nhưng có rất nhiều thành tố chung trong các chương trình phòng ngừa quấy rối và bạo lực.
Định nghĩa rõ ràng
Do bạo lực và quấy rối tồn tại dưới nhiều hình thức, nên quan trọng là cần định nghĩa rõ điều gì cấu thành hành vi không thể chấp nhận. Bất kỳ hành động nào được dự đoán là không được hoan nghênh trên cơ sở hành động đó hạ thấp phẩm giá, làm xấu hổ, làm nhục, làm phiền hoặc làm ai đó sợ hãi thì đều là hành vi quấy rối. Hành vi trở nên hung hăng hoặc liên quan đến thể chất và đến việc tiếp xúc không mong muốn thì được coi là bạo lực. Định nghĩa cần bao gồm ví dụ về các hình thức bạo lực và quấy rối có thể xảy ra.
Đánh giá nguy cơ
Tiến hành đánh giá nơi làm việc để xác định nguy cơ nào đang hiện hữu và rủi ro có thể gặp phải, bắt đầu bằng việc thanh tra nơi làm việc. Tập trung vào nhiệm vụ được thực hiện, thiết kế và bố cục, các thông lệ hành chính và thực hành công việc. Xem xét các yếu tố nội tại như văn hóa, điều kiện, hoạt động và cấu trúc tổ chức. Các yếu tố bên ngoài bao gồm địa điểm, khách hàng và bạo lực gia đình. Đồng thời cần xem xét các sự cố không thường xuyên xảy ra tại nơi làm việc thực tế (ví dụ: tại các hội thảo, khi nghe điện thoại hoặc cuộc gọi video, v.v.)
Duy trì sức khỏe tâm lý và an toàn tốt cũng hết sức quan trọng. Biện pháp nào được áp dụng để hỗ trợ sức khỏe tâm thần của người lao động? Cá nhân có bao nhiêu quyền kiểm soát công việc của họ? Thời hạn và khối lượng công việc có thể quản lý được không?
Nên tiến hành rà soát các sự cố trước đó liên quan đến bạo lực tại nơi làm việc, đồng thời duy trì sự bảo mật của từng cá nhân. Tham vấn các báo cáo sự cố hiện có, báo cáo cấp cứu và các báo cáo của ủy ban an toàn và sức khỏe. Xác định xem nơi làm việc hiện tại có bất kỳ yếu tố rủi ro nào hay không. Cũng có thể yêu cầu thông tin từ tổ chức hoặc hiệp hội ngành nghề bất kỳ có liên quan, công đoàn (nếu có), hoặc từ ban bồi thường dành cho người lao động, và các cơ quan quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp.
Khi đã tiến hành tổ chức và rà soát thông tin được thu thập, tìm kiếm xu hướng và nhận diện công việc, địa điểm được cho là có nguy cơ cao nhất. Ghi chép lại kết quả đánh giá và sử dụng tài liệu này để xây dựng một chương trình phòng ngừa với các bước cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro quấy rối và bạo lực tại nơi làm việc.
Chính sách bằng văn bản
Chính sách bằng văn bản phác thảo các cơ chế báo cáo và phản hồi là nền tảng cho cam kết của tổ chức trong việc phòng ngừa bạo lực và quấy rối. Chương trình này nên do ban lãnh đạo và đại diện người lao động cùng xây dựng bao gồm ủy ban an toàn và sức khỏe, công đoàn (nếu có) và nên triển khai áp dụng cho ban lãnh đạo, người lao động và bất kỳ ai có quan hệ với tổ chức. Bảo đảm mọi người trong tổ chức đều có thể tiếp cận dễ dàng .
Nêu chính xác hậu quả của việc đưa ra những lời nói quấy rối hoặc thực hiện các hành vi bạo lực. Khuyến khích báo cáo tất cả các sự cố đã trải qua hoặc được chứng kiến bằng việc đưa ra một quy trình bảo mật mà người lao động có thể tuân thủ để báo cáo sự cố mà không sợ bị trả thù. Soạn thảo các thủ tục giải quyết hoặc điều tra sự cố. Xác định cách thức thông tin về các rủi ro tiềm ẩn được truyền đạt tới nhân viên trong khi vẫn đảm bảo tính bảo mật cho các bên liên quan.
Một chính sách bằng văn bản chỉ rõ ban quản lý cam kết giải quyết và ngăn chặn các sự cố liên quan đến bạo lực, quấy rối và các hành vi không thể chấp nhận khác. Một cách khác để thể hiện cam kết là tiếp tục hỗ trợ người lao động đã từng bị bạo hành hoặc quấy rối tại nơi làm việc, có thể được thực hiện thông qua Chương trình Hỗ trợ Người lao động (EAP) bí mật hoặc phối hợp với các bên liên quan tại địa phương.
Việc đo lường xem chương trình phòng ngừa của tổ chức có giảm thiểu hiệu quả các trường hợp bạo lực và quấy rối hay không cũng rất quan trọng. Thực hiện cam kết giám sát và rà soát chính sách theo định kỳ.
Đào tạo và giáo dục
Do mọi người đều đóng vai trò trong việc phòng ngừa quấy rối và bạo lực, nên công tác đào tạo và giáo dục cần được tiến hành riêng cho các cấp nhân sự khác nhau trong tổ chức. Đầu ra của việc học tập cần bao gồm hiểu biết gắn liền với hành vi quấy rối và bạo lực tại nơi làm việc, tại sao coi đây là vấn đề quan trọng và rủi ro khi trải qua hành vi quấy rối và bạo lực liên quan đến công việc mà họ làm. Mọi người cần có khả năng nhận diện các vấn đề nảy sinh và biết rõ các bước để áp dụng nếu rơi vào tình huống tương tự hoặc chứng kiến một sự cố nào đó.
Mọi người đều có quyền có được một nơi làm việc không bạo lực và quấy rối. Tạo lập một chính sách phòng ngừa mạnh mẽ là bước khởi đầu tuyệt vời nhưng cần bảo đảm phản hồi một cách chu đáo và kỹ lưỡng mọi báo cáo, duy trì cập nhật chương trình và chính sách khi cần thiết.
Biên dịch: Bích Hà
(Nguồn tin: https://www.ccohs.ca/)