Nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc với silica và beryllium tại nơi làm việc có thể có liên quan tới bệnh u hạt

20/10/2020
Kết quả một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu người Hà Lan cho thấy việc tiếp xúc với silica hay beryllium cũng như các kim loại khác có thể liên quan tới chứng bệnh viêm nhiễm sarcoidosi - bệnh u hạt.

Đối với người mắc bệnh u hạt, tế bào viêm nhiễm sẽ tập hợp và phát triển tại các bộ phận trong cơ thể - thường ở phổi và hạch bạch huyết – và có thể gây tổn hại tới các cơ quan. Viện Mayo (Mayo Clinic) cho biết tuy vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, “nhưng các chuyên gia cho rằng bệnh u hạt có thể bắt nguồn từ phản ứng của hệ miễn dịch của cơ thể trước những vật chất lạ”. Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh, nhưng có thể điều trị căn bệnh này. Trong một số trường hợp nhất định, bệnh nhân nhiễm u hạt sẽ tự khỏi.

Để phục vụ nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp phỏng vấn thông qua bảng câu hỏi về lịch sử làm việc của 256 bệnh nhân u hạt và 73 bệnh nhân đối chứng vốn mắc rối loạn ngưng thở khi ngủ (obstructive sleep apnea) để xem xét khả năng những bệnh nhân này đã từng tiếp xúc với silica, beryllium, aluminum và zirconium. Những bệnh nhân mắc chứng ngưng thở khi ngủ đóng vai trò là bệnh nhân đối chứng bởi “không có mối liên hệ nào giữa các tác nhân trong môi trường với sự hình thành của chứng rối loạn ngưng thở khi ngủ”.

Kết quả cho thấy tỉ lệ tiếp xúc với silica hoặc các kim loại khác ở nhóm bệnh nhân mắc u hạt - 32,4% (hoặc 83/256 người), cao hơn so với nhóm đối chứng - 24,7%.  Sau khi các nhà nghiên cứu kiểm tra phản ứng của hệ miễn dịch đối với silica và các kim loại khác ở 33 bệnh nhân u hạt và 19 bệnh nhân đối chứng, sử dụng phương pháp kiểm tra tế bào tăng sinh bạch cầu lympho (lymphocyte proliferation test), kết quả cho thấy hơn 21% những người trong nhóm mắc bệnh có phản ứng với silica và các kim loại khác, trong khi không có người nào ở nhóm đối chứng có phản ứng.

Biên dịch: Hoàng Phương

(Nguồn tin: Safety Health Magazine)