Sau Đại hội công đoàn tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (tháng 3/2013), Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã tiến hành xây dựng chương trình làm việc toàn khóa, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong cả nhiệm kỳ và cho từng năm. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn là: phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tuyên truyền, vận động CNVCLĐ và NSDLĐ thực hiện các biện pháp về công tác BHLĐ, kiện toàn mạng lưới làm công tác ATVSLĐ trong từng cơ sở để hạn chế thấp nhất các vụ TNLĐ xảy ra, nhằm bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của NLĐ.
Kết quả nổi bật về công tác BHLĐ của tổ chức công đoàn và CNVCLĐ Thanh Hóa đạt được trong năm qua đó là: Phát động rộng rãi phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”…; phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức cho CNVCLĐ tại công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, huyện Bá Thước và các doanh nghiệp có đông CNLĐ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ, PCCN.
LĐLĐ tỉnh đã in và cấp phát cho các công đoàn cơ sở 1.800 tờ rơi, 200 áp phích về BVMT, 10.000 tờ rơi về ATGT, 1.000 quyển giao thông đường bộ, 200 ap phích về ATVSLĐ, 200 cuốn sổ tay ATVSLĐ, vận động cán bộ công đoàn, CNVCLĐ viết tin, bài phản ánh về công tác BHLĐ trên bản tin Lao động và Công đoàn, trên trang Web của LĐLĐ tỉnh; tổ chức 2 lớp tập huấn cho 400 cán bộ CĐCS, cán bộ làm công tác an toàn và các an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp về Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, về các nội dung bảo vệ môi trường, ATVSLĐ…
Trong năm 2013 LĐLĐ tỉnh đã tổ chức kiểm tra 15 CĐCS về thực hiện phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ, PCCN tại 60 doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thực sự quan tâm tới điều kiện làm việc của NLĐ, quan tâm tới công tác ATVSLĐ như: Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, Công ty SaKuRai, Điện lực Thanh Hóa…
Kết quả trong năm, Tổng LĐLĐVN đã tặng Bằng khen cho 1 cá nhân; LĐLĐ tỉnh tặng 1 Cờ thi đua, tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”.
Bên cạnh kết quả và những thành tích đã đạt được, công tác BHLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Thanh Hóa là một tỉnh lớn, địa giới hành chính rộng, đông CNVCLĐ (khoảng 230.000 CNVCLĐ), các doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ (thậm chí cực nhỏ); việc đầu tư máy móc, thiết bị và áp dụng công nghệ cao vào trong SXKD của các doanh nghiệp còn rất khiêm tốn, nhiều lao động đang phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, chưa được NSDLĐ quan tâm trang cấp BHLĐ theo quy định của pháp luật; ý thức của một bộ phận NSDLĐ và CNLĐ chưa cao trong việc chấp hành, tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ, PCCN. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về công tác BHLĐ, PCCN của Nhà nước chưa nghiêm, nên hàng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn xảy ra hàng chục vụ TNLĐ làm chết và bị thương hàng chục NLĐ trong các doanh nghiệp.
Để góp phần thực hiện tốt hơn công tác BHLĐ, nhằm hạn chế các vụ TNLĐ xảy ra, trong thời gian tới Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn trong các doanh nghiệp thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là: Chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho CNVCLĐ và NDSLĐ về công tác ATVSLĐ và PCCN.
Hai là: Tổ chức phát động phong trào thi đua, đi sâu vào phát huy sáng kiến, cải thiện điều kiện làm việc, môi trường làm việc cho NLĐ.
Ba là: Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ trong các loại hình doanh nghiệp; nếu phát hiện sai phạm trong công tác BHLĐ đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật. Đối với các cấp công đoàn gắn việc thực hiện công tác BHLĐ với xét thi đua khen thưởng.
Bốn là: Hướng dẫn công đoàn cơ sở ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về công tác BHLĐ; hướng dẫn NLĐ khi ký HĐLĐ với NSDLĐ cần có điều khoản trang cấp BHLĐ, điều kiện lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Năm là: Chỉ đạo CĐCS trong doanh nghiệp hàng năm phối hợp với NSDLĐ kiện toàn mạng lưới làm công tác ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho đội ngũ ATVSLĐ tại doanh nghiệp.
Qua chỉ đạo hoạt động thực tế, để cho các cấp công đoàn thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn công tác BHLĐ, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa kiến nghị:
Một là: Đề nghị Nhà nước cần ban hành đầy đủ, kịp thời và đồng bộ các chính sách, pháp luật về công tác ATVSLĐ, PCCN; xác định những công việc nặng nhọc, độc hại ở một số ngành nghề mới ở Việt Nam (may mặc, giầy da, điện tử…) để xây dựng định mức phụ cấp cho NLĐ, vì hiện nay nhiều công đoạn mà CNLĐ làm việc rất độc hại nhưng không có trong danh mục được hưởng chế độ độc hại, do đó NLĐ rất thiệt thòi.
Hai là: Nhà nước phải có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm về công tác BHLĐ gây nên các vụ TNLĐ nghiêm trọng.
Ba là: Đề nghị Tổng LĐLĐVN hàng năm tổ chức các cuộc thi về ATVSLĐ nhằm tuyên truyền, khuyến khích CNVCLĐ và NSDLĐ thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 29 - CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Đẩy mạnh công tác ATLĐ, VSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
(Nguồn tin: TCBHLĐ)