
Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu
Tại Hội thảo, các đại biểu là lãnh đạo LĐLĐ của các địa phương đã trình bày những thuận lợi cũng như những tồn tại, khó khăn của tổ chức công đoàn tại Việt Nam; nghe các chuyên gia đến từ Viện Friedrich Ebert chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động công đoàn và quan hệ lao động của Cộng hòa Liên bang Đức.
Cụ thể như: vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích đoàn viên thông qua xây dựng cơ chế pháp lý và ký kết thực hiện thỏa ước tập thể; các thiết chế trong hòa giải, trọng tài trong tranh chấp lao động; những quy định và tiến trình lãnh đạo các cuộc đình công; công tác chăm lo đời sống đoàn viên…
Trưởng đại diện Viện Friedrich Ebert tại Việt Nam Erwin Schweisshelm cho hay, ở Cộng hòa Liên bang Đức hiện đang tồn tại 4 hình thức đại diện quyền lợi cho người lao động đó là: công đoàn, hội đồng xí nghiệp, hội đồng giám sát và đại diện của nhóm người lao động. Trong đó, đạo luật cơ bản nhất của Đức quy định, hình thức quan trọng nhất để đại diện quyền lợi chung cho những người lao động là tổ chức công đoàn. Nhiệm vụ của công đoàn là duy trì các điều kiện làm việc và điều kiện kinh tế của người lao động làm công, nghĩa là ngăn ngừa không để các điều kiện này xấu đi và phải đấu tranh để cải thiện chúng.
Theo ông Erwin Schweisshelm, phương tiện đấu tranh quan trọng nhất của công đoàn là việc ký kết các thỏa ước lao động tập thể với những nội dung chủ yếu liên quan đến các quy định về tiền công, thời giờ làm việc trong tuần và những điều kiện lao động khác. Bên cạnh đó, công đoàn ở Cộng hòa Liên bang Đức còn cố gắng để có những tác động, gây ảnh hưởng trên cả bình diện chính trị cũng như hỗ trợ nhiều hình thức đại diện quyền lợi khác cho người lao động.
Để đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, ông Erwin Schweisshelm cho rằng, tổ chức công đoàn sẽ là người đứng lên ký thỏa ước với chủ doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động, thậm chí có thể đưa ra những yêu sách buộc doanh nghiệp phải tăng lương cho người lao động nếu thấy cần thiết. Các cuộc đàm phán giữa bên sử dụng lao động và cán bộ công đoàn chuyên trách sẽ diễn ra nhiều lần nếu thỏa ước không được thực hiện nghiêm túc. Nếu hai bên không thống nhất được với nhau hoặc doanh nghiệp cố tính kéo dài thời gian đàm phán, người lao động có quyền bắt đầu một cuộc đình công để thể hiện rõ lập trường của mình.
Giáo sư Daeubler (Viện Friedrich Ebert) bổ sung, để bảo vệ người lao động và nâng cao vị thế của công đoàn, tổ chức này phải là người lãnh đạo hợp pháp các cuộc đình công. Hiểu đúng nghĩa, đình công không phải là hoạt động tiêu cực mà là cách để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ lao động.
Ông Erwin Schweisshelm nhấn mạnh, đình công chỉ có giá trị khi xảy ra bất ngờ để chủ doanh nghiệp hiểu được sự mất mát nghiêm trọng khi không thực hiện thỏa ước theo đúng cam kết, từ đó nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. Tuy nhiên, có những ngành nghề cần phải báo trước như hàng không, y tế… để tránh tổn thất liên quan đến nền kinh tế - xã hội của đất nước./.
Minh Châu
(Nguồn tin: http://www.dangcongsan.vn/)