Chất lượng không khí khu vực làm việc và khu vực bếp ăn tại một số cơ sở sản xuất dệt may và giày da Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:26(GMT +7)

Nghiên cứu nhằm đánh giá chất lượng không khí khu vực làm việc và khu vực bếp ăn tại 48 cơ sở dệt may và giày da trong cả nước sử dụng phương pháp đo đạc tại chỗ, lấy mẫu không khí tại chỗ và phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm. Kết quả cho thấy, không khí khu vực làm việc tại 11/35 cơ sở dệt may (chiếm 31,4%) và tại 07/13 cơ sở giày da (chiếm 51,8%) vi phạm tiêu chuẩn quy chuẩn cho phép về vi khí hậu; 4 vị trí tại cơ sở dệt may và 06 vị trí tại cơ sở giày da có mức ồn vượt quy chuẩn cho phép. Phát hiện 18/315 vị trí tại các cơ sở dệt may không đảm bảo tiêu chuẩn về bụi bông. Không khí khu vực bếp ăn tại 6/33 cơ sở dệt may và 11/13 cơ sở giày da vi phạm quy chuẩn cho phép về vi khí hậu; tổng nấm và tổng vi khuẩn hiếu khí ở nhiều vị trí đo lớn hơn tiêu chuẩn ACGIH với tỉ lệ không đạt tương ứng là 28,3% và 49,5% đối với các cơ sở dệt may và 26,5% và 53,8% đối với cơ sở giày da.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Dệt  may và da giầy là những ngành chủ đạo đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước với số lượng lao động lớn, chiếm hơn 19% tổng số lực lượng lao động của cả nước. Nhiều điều tra, khảo sát cho thấy điều kiện làm việc tại hai loại hình công nghiệp này phải đối mặt với một số yếu tố có hại đặc thù như môi trường lao động của ngành dệt may thường bị ô nhiễm do tiếng ồn, bụi, bụi bông, và vi khí hậu nóng; Người lao động ngành da giầy thường xuyên phải làm việc trong môi trường có hơi khí độc hữu cơ…

Chất lượng bữa ăn ca của công nhân đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe lâu dài và năng suất làm việc của người lao động nhất là thực trạng nhiều vụ ngộ độc tập thể xảy ra tại các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn trong cả nước như hiện nay.

Nghiên cứu này là một phần trong đề tài độc lập cấp nhà nước, mã số ĐTĐL.CN-06/15 về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca của người lao động các ngành nghề.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là: i) không khí khu vực làm việc tại các cơ sở sản xuất ngành giày da và dệt may; ii) không khí khu vực nấu ăn tại chỗ và tại các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp;

– Phạm vi nghiên cứu: 48 cơ sở sản xuất giày da và dệt may tại một số khu công nghiệp ở 3 miền và 4 vùng có mức lương tối thiểu khác nhau, trong đó, ngành dệt may 35 và ngành giầy da 13.

2.2. Phương pháp nghiên cứu:

Các thông số, phương pháp xác định như sau:

Bảng 1: Vị trí lấy mẫu, thông số, phương pháp và thiết bị sử dụng

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3. Ngành dệt may

3.1. Kết quả quan trắc không khí khu vực làm việc

Tổng hợp kết quả quan trắc môi trường khu vực làm việc tại các cơ sở dệt may nghiên cứu được tóm tắt trong Bảng 2

Kết quả quan trắc cho thấy:

– Vi khí hậu:

+ Có 11/35 (31,4%) cơ sở vi phạm quy chuẩn QCVN 26:2016 /BYT (miền Bắc: 4/12 cơ sở, miền Trung : 3/12 cơ sở và miền Nam: 04/11 cơ sở) về các thông số độ ẩm và tốc độ gió.

+ Về độ ẩm: có 67/315 vị trí (21,3%) không đạt quy chuẩn, trong đó, miền Bắc có 18/108 vị trí thuộc 04 cơ sở, miền Trung đều có 18/108 vị trí thuộc 02 cơ sở và miền Nam có 31/99 vị trí thuộc 04 cơ sở.

+ Về tốc độ gió, có 01 vị trí quan trắc thuộc miền Bắc và 01/108 vị trí quan trắc thuộc miền Trung không đạt quy chuẩn.

– Tiếng ồn:

Nhìn chung, thông số tiếng ồn tại hầu hết các vị trí quan trắc đều đạt yêu cầu theo QCVN 24:2016/BYT. Tuy nhiên, tại 04/108 vị tríthuộc 2 cơ sở ở miền Trung (mỗi cơ sở 2 vị trí) tiếng ồn vượt quy chuẩn vệ sinh cho phép từ 0,8- 9,8 dBA.

.- Bụi hô hấp, bụi bông và các yếu tố hóa học (CO, SO2, NOx)

Các thông số quan trắc được lựa chọn dựa trên cơ sở dòng thải các chất ô nhiễm trong sơ đồ công nghệ của nhóm ngành dệt nhuộm và may thì thành phần chủ yếu là bụi, SO2, NO2, CO, CO2.  Tại 70 vị trí quan trắc của 35 cơ sở dệt may, nhìn chung các yếu tố hơi khí và bụi hô hấp đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động theo quy định 3733/2002/QĐ-BYT.

Bụi bông đo được tại 18 vị trí có giá trị lớn hơn tiêu chuẩn vệ sinh lao động. Các giá trị đo được tại các vị trí này được thể hiện trong Hình 2.

Tóm lại, kết quả nhận được từ việc đo đạc, quan trắc cho thấy môi trường khu vực làm việc tại các cơ sở dệt may nghiên cứu còn tồn tại những vấn đề như không đảm bảo điều kiện vi khí hậu (31,4% cơ sở); một số đặc thù ngành nghề như vị trí làm việc tại khu vực dệt sợi, kéo sợi… ô nhiễm tiếng ồn hay một số khu vực chuyền may công nhân phải tiếp xúc với bụi bông không đạt tiêu chuẩn vệ sinh lao động.

Những kết quả từ nghiên cứu này hoàn toàn tương tự như những kết quả nghiên cứu từ các nhóm nghiên cứu trong nước và của Trạm Quan trắc và Phân tích Môi trường Lao động thực hiện trước đó.

3.1.2. Kết quả quan trắc không khí khu vực bếp ăn

Các thông số và tổng hợp kết quả đo đạc, quan trắc không khí khu vực bếp ăn tại các cơ sở dệt may được tóm tắt trong Bảng 3.

Bảng 3. Tổng hợp kết quả quan trắc không khí  khu vực bếp ăn

– Vi khí hậu:

Kết quả quan trắc cho thấy có 06/33 (18,2%) cơ sở vi phạm quy chuẩn QCVN 26:2016/BYT, trong đó, miền Bắc 01/12 , miền Trung 09/10 và miền Nam: 06/11.

+ Về nhiệt độ: các vị trí không đạt tập trung ở miền Trung với 11/30 vị tríở 05 cơ sở (chiếm 36,7%) (xem hình 3.3);

+ Về độ ẩm: có tất cả 19/99 vị trí đo không đạt quy chuẩn về độ ẩm, trong đó, miền Bắc có 01/36 vị trí, miền Trung có 09/30 vị trí và miền Nam có 10/33 vị trí.

+ Về tốc độ gió: có 01 vị trí quan trắc tại một cơ sở ở miền Nam không đạt.

– Tổng nấm:

Giá trị tổng nấm xác định được tại các cơ sở có giá trị dao động từ 154 CFU/m3– 722 CFU/m3. So với tiêu chuẩn của ACGIH và WHO thì 05/36 mẫu ở miền Bắc, 09/30 mẫu ở miền Trung và 14/33 mẫu ở miền Nam có giá trị tổng nấm >500 CFU/m3 (chiếm tỉ lệ 28,3%). Hình 3 biểu diễn tổng nấm tại các cơ sở có giá trị lớn hơn giá trị khuyến nghị của ACGIH và WHO.

– Tổng vi khuẩn hiếu khí:

Nếu lấy giá trị khuyến nghị của ACGIH và WHO làm chuẩn, thì tất cả có 49/99 vị trí quan trắc (49,5%) không đạt, trong đó miền Bắc 15/36 vị trí, miền Trung 01/30 vị trí và miền Nam 33/33 vị trí.

Nhìn chung, 18,2% các bếp ăn tập thể tại các cơ sở dệt may vi phạm quy chuẩn vệ sinh về vi khí hậu. Tại một số vị trí tổng nấm và tổng vi khuẩn hiếu khí trong không khí tại các bếp ăn của các cơ sở dệt may thuộc cả 3 miền có giá trị lớn hơn giá trị khuyến nghị của tổ chức ACGIH và WHO (chiếm tương ứng 28,3% và 49,5%). Đặc biệt, tổng vi khuẩn hiếu khí một số vị trí có giá trị cao hơn 2-3 lần giá trị tiêu chuẩn của ACGIH, WHO. Điều này cho thấy cần thiết có những nghiên cứu sâu rộng hơn về chất lượng không khí khu vực bếp ăn tập thể của người lao động.

3.2. Ngành giày da

3.2.1. Kết quả quan trắc môi trường khu vực làm việc

Tổng hợp kết quả quan trắc không khí khu vực làm việc tại các cơ sở da giầy trong Bảng 4

– Vi khí hậu:

+ Có 07/13 cơ sở vi phạm quy chuẩn QCVN 26:2016 /BYT, trong đó, miền Bắc 2/4 , miền Trung  3/4 và miền Nam: 02/5;

+ Về nhiệt độ: 18/117 vị trí không đạt quy chuẩn, tập trung ở 03 cơ sở miền Trung (chiếm 15,4%).

+ Về độ ẩm: có tất cả 11/117 vị trí không đạt quy chuẩn, trong đó, miền Bắc 10 vị trí thuộc 02 cơ sở và miền Nam 01 vị trí.

+ Về tốc độ gió: có 02 vị trí quan trắc tại một cơ sở ở miền Nam không đạt.

– Tiếng ồn:

Quan trắc không khí khu vực làm việc tại 13 công ty giày da cho thấy tiếng ồn chung tại 02 cơ sở ở miền Bắc (04 vị trí quan trắc) và 01 cơ sở ở miền Nam (02 vị trí quan trắc) không đạt QCVN 24:2016/BYT, chủ yếu tập trung ở khu vực mài và mài đế (Hình 5).

– Bụi hô hấp và các yếu tố hóa học (CO, SO2, NOx, NH3, hơi khí hữu cơ n-hexan, benzen, toluen, xylen, MEK, aceton, etylacetat):

Kết quả tại tất cả 26 vị trí của 13 cơ sở da giầy thuộc Bắc, Trung, Nam đều nằm trong giới hạn của tiêu chuẩn vệ sinh lao động 3733/2002/QĐ-BYT.

Nói chung, kết quả quan trắc các cơ sở da giầy cho thấy mặc dù các hơi khí hữu cơ như n-hexan, benzen, toluen… nằm trong giới hạn quy định nhưng môi trường khu vực làm việc vẫn có những yếu tố bất lợi như vi khí hậu không đạt tiêu chuẩn (07/13 cơ sở), tiếng ồn tại một số khu vực làm việc đặc thù (mài, mài đế) vẫn cao. Nghiên cứu này khẳng định hơn nữa những kết quả nghiên cứu trong nước được thực hiện trước đó về hiện trạng môi trường lao động của công nhân ngành giày da.

3.2.2. Kết quả quan trắc môi trường không khí khu vực bếp ăn:

Tổng hợp kết quả quan trắc không khí khu vực bếp ăn tại các cơ sở giày da được trình bày trong Bảng 5

– Vi khí hậu:

Kết quả quan trắc cho thấy 11/13 bếp ăn vi phạm quy chuẩn QCVN 26:2016 /BYT, trong đó, miền Bắc 02/04 , miền Trung 04/04 và miền Nam 05/05) về nhiệt độ hay độ ẩm. 

+ Về nhiệt độ: tất cả có 09/39 vị trí (chiếm 23,1%) không đạt quy chuẩn vệ sinh lao động, tập trung ở 01 cơ sở miền Bắc (01 vị trí) và 04 cơ sở ở miền Trung (08 vị trí).

+ Về độ ẩm: có tất cả 16/39 vị trí (chiếm 40%) không đạt quy chuẩn, trong đó, miền Bắc  06/12 và miền Nam có 10/15.

– Tổng nấm:

Giá trị tổng nấm xác định được tại các cơ sở có giá trị cỡ hàng trăm CFU/m3. So với tiêu chuẩn của ACGIH và WHO, 10/39 vị trí (chiếm 25,6%) có tổng nấm >500 CFU/m3 không đạt, trong đó, miền Bắc 01/12, miền Trung 04/12 và miền Nam 06/15.

– Tổng vi khuẩn hiếu khí:

Tổng vi khuẩn hiếu khí đo được nằm trong khoảng từ hàng trăm CFU/m3 đến hàng nghìn CFU/m3. So với giá trị khuyến nghị của ACGIH và WHO, 21/39 vị trí (chiếm 53,8%) có tổng vi khuẩn hiếu khí >500 CFU/m3  trong đó, miền Bắc 03/12, miền Trung 04/12 và miền Nam 15/15.

Nhìn chung, kết quả quan trắc không khí khu vực bếp ăn tại các cơ sở giày da cho thấy nhiều cơ sở vi phạm quy chuẩn về vi khí hậu (11/13 cơ sở), tổng nấm và tổng vi khuẩn hiếu khí lớn hơn giá trị khuyến nghị của ACGIH, WHO. Tương tự tại bếp ăn của các cơ sở dệt may, nhiều vị trí có tổng vi khuẩn hiếu khí lớn hơn 2-3 lần giá trị khuyến nghị của ACGIH, WHO.

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Nghiên cứu tại 35 cơ sở ngành dệt may cho thấy:

+ Không khí khu vực làm việc: 11/35 cơ sở vi phạm quy chuẩn về vi khí hậu QCVN 26:2016/BYT (chiếm 21,3%); 04/108 vị trí thuộc 2 cơ sở ở miền Trung có mức ồn vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép từ 0,8- 9,8 dBA;18/108 vị trí có nồng độ bụi bông lớn hơn tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo tiêu chuẩn 3733/2002/QĐ-BYT.

+ Không khí khu vực bếp ăn: 06/33 bếp ăn (chiếm 18,2%) vi phạm quy chuẩn về vi khí hậu QCVN 26:2016 /BYT; 28/99 vị trí (chiếm 28,3%) có tổng nấm và 49/99 vị trí (chiếm 49,5%) có tổng vi khuẩn hiếu khí lớn hơn tiêu chuẩn của ACGIH, WHO.

4.2. Nghiên cứu tại 13 cơ sở ngành giày da cho thấy:

+ Không khí khu vực làm việc: 07/13 cơ sở vi phạm quy chuẩn về vi khí hậu; 06/117 vị trí vi phạm tiêu chuẩn về tiếng ồn.

+ Không khí khu vực bếp ăn: 11/13 bếp ăn cơ sở vi phạm tiêu chuẩn về vi khí hậu QCVN 26:2016 /BYT với 23,1% điểm đo nhiệt độ và 40% điểm đo độ ẩm không đạt; 26,5 % vị trí tổng nấm và 53,8% vị trí tổng vi khuẩn hiếu khí không đạt tiêu chuẩn ACGIH, WHO.

Kiến nghị: Môi trường khu vực bếp ăn cần thiết có những nghiên cứu sâu rộng hơn để cung cấp cơ sở dữ liệu trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn của người lao động. Ngoài ra, đề xuất Bộ Y tế xem xét, đưa tiêu chuẩn của hai thông số tổng nấm và tổng vi khuẩn hiếu khí vào tiêu chuẩn đánh giá chất lượng không khí khu vực làm việc.

V. LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được hoàn thành với sự hỗ trợ nguồn kinh phí của đề tài độc lập cấp nhà nước mã số ĐTĐL.CN-06/15 “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động một số ngành nghề”

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Lê Vân Trình (2009),  “Điều tra đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe con người trong một số ngành nghề tập trung nhiều lao động và đề xuất một số giải pháp hạn chế nhằm bảo vệ nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập”. DAMT/2007/01/TLĐ. 2009.

[2]. Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Lê Trường Giang (2010), “Tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các giải pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm”, Y tế công cộng, Vol.14, pp.88-94

[3]. Phạm Công Tuấn, Phan thị Thúy Chinh, Nguyễn Thúy Quỳnh, Trần thị Thu Thủy (2016), “Điều kiện làm việc của công nhân nữ ngành sản xuất da giầy tại một số khu công nghiệp ở Việt Nam”, Y tế công cộng, số 41, pp. 6-11.

[4]. Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Cục An toàn Lao động (2016), Hồ sơ quốc gia về An toàn và Vệ sinh Lao động ở Việt Nam, gia đoạn 2010-2015, Hà Nội 2016.

[5]. Hiệp hội da- giày- túi sách Việt Nam (2017), Báo cáo ngành da- giày- túi sách năm 2016 và kế hoạch 2017, Hà Nội 2017.

[6]. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2017), EVFTA và ngành dệt may, giày dép Việt Nam, Hà Nội 2017.

[7]. Trạm Quan trắc và Phân tích Môi trường Lao động, Viện KH An toàn và Vệ sinh Lao động (2017), Báo cáo Quan trắc và Phân tích môi trường lao động công nghiệp và những tác động liên quan.

Trần Thị Liễu, Thái Hà Vinh, Đặng Thị Thu Hà, Đỗ Trần Hải

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)