Công tác ATVSLĐ đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hội nhập

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp lớn chiếm 1,9% tổng số DN, giảm 2,3% so với năm 2012, trong khi đó, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5%, chiếm 74% tổng số DN.

1. Thực trạng công tác ATVSLĐ ở khu vực DNNVV hiện nay

Tháng 1/2018, trong cuộc họp báo về kết quả sơ bộ Tổng điều tra kinh tế năm 2017, Cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 1/7/2017, cả nước có gần 5,9 triệu đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp, tăng 13,7% so với năm 2012 (706 nghìn đơn vị), mỗi năm tăng bình quân 2,6%, thấp hơn mức tăng 5% của thời kỳ 2007 – 2012.

Trong đó, doanh nghiệp là khu vực dẫn đầu về mức tăng số lượng và thu hút lao động. Tính đến 1/1/2017 cả nước có 518.000 doanh nghiệp thực tế đang tồn tại, tăng 176.000 doanh nghiệp và gấp 1,5 lần so với năm 2012; trong đó có 505.000 doanh nghiệp thực tế hoạt động. Khối DN cũng thu hút 14 triệu lao động, tăng 28,5% so với năm 2012; trong đó 14 triệu lao động thuộc các doanh nghiệp thực tế hoạt động. Thời kỳ 2012-2017, bình quân hàng năm số lượng doanh nghiệp tăng 8,7%, lao động tăng hơn 5%.

Số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 cũng cho thấy, số lượng doanh nghiệp lớn chiếm 1,9% tổng số DN, giảm 2,3% so với năm 2012, trong khi đó, DN vừa tăng 23,6%, DN nhỏ tăng 21,2% và DN siêu nhỏ tăng 65,5%, chiếm 74% tổng số DN.

Xét theo quy mô lao động, tại thời điểm 1/1/2017 cả nước có hơn 10 nghìn DN lớn (tăng 29% so với năm 2012), nhưng quy mô chỉ chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, giảm so với 2,3% của năm 2012. Doanh nghiệp vừa tăng 23,6%, doanh nghiệp nhỏ tăng 21,2% và doanh nghiệp siêu nhỏ tăng tới 65,5% và chiếm 74% tổng số doanh nghiệp.

Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đóng góp khoảng 40% GDP; 30% thu nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút 51 % lao động. Trong những năm tiếp theo doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc về số lượng để đáp ứng cho sự phát triển của đất nước (mục tiêu của Chính phủ là Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả).

Các DNNVV hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải kho bãi, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, sửa chữa chiếm tỷ lệ cao về số lượng và lao động. Đây là các ngành nghề có nguy cơ cao về ATVSLĐ, có khả năng phát sinh các yếu tố gây tai nạn trực tiếp hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ và cộng đồng xã hội.

Từ các số liệu trên cho thấy, số lượng DNNVV chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, xã hội và cũng cho thấy sự khó khăn, yếu thế của DNNVV trong hoạt động kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực ATVSLĐ nói riêng. Những bất cập có thể nhận thấy là, theo thói quen chung của DNNVV Việt Nam, chỉ khi xảy ra các rủi ro thì mới tìm cách xử lý, giải quyết mà không có thói quen chủ động phòng ngừa ngay từ đầu (ngăn ngừa chủ động). Môi trường làm việc an toàn là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đa số các DNNVV ở Việt Nam chưa chú trọng đến vấn đề này. Có thể do nhận thức của NSDLĐ còn hạn chế, chưa quan tâm đến quyền lợi của NLĐ, chưa tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật về lao động, các qui định về công tác ATVSLĐ mà chỉ nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra, thanh tra. Mặt khác, doanh nghiệp hiện nay cũng còn rất nhiều khó khăn (về vốn, công nghệ, bán hàng, tiền lương, thuế…). Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những gì cần ngay trước mắt phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận, mà chưa chú ý đến những việc có thể xảy ra trong tương lai nên đã sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, sử dụng lao động không có hợp đồng, chưa qua đào tạo, lao động mùa vụ…để tiết giảm chi phí.

Việc NSDLĐ chưa quan tâm, thiếu giải pháp, NLĐ thiếu kiến thức, hiểu biết về ATVSLĐ dẫn đến việc không lường trước được các mối nguy hại tiềm ẩn như TNLĐ, BNN, ô nhiễm môi trường… có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà hậu quả là rất lớn, gây thiệt hại không chỉ về con người, kinh tế mà còn vi phạm pháp luật…

Trước tình hình này, các biện pháp hỗ trợ của nhà nước để cho doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được các quy định của pháp luật cũng như đánh giá được các rủi ro và phòng ngừa nó là hết sức cấp thiết. Một trong những biện pháp hành động cần thiết được thực hiện đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Bởi vì, hệ thống quản lý ATVSLĐ là tập hợp các yếu tố có quan hệ trong doanh nghiệp theo một quy luật, chỉnh thể nhằm phục vụ cho mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe cho NLĐ, dễ hiểu, dễ áp dụng.

2. Sự cần thiết áp dụng hệ thống ATVSLĐ và một số yêu cầu của việc xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ ở khu vực DNNVV

2.1 Sự cần thiết áp dụng hệ thống ATVSLĐ ở khu DNNVV

Công tác ATVSLĐ có liên quan mật thiết tới công tác kỹ thuật an toàn. Công tác kỹ thuật an toàn nhằm mục đích, yêu cầu người sử dụng lao động khi thiết kế hoặc xây dựng công trình phải căn cứ vào các quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị. Dựa trên công tác kỹ thuật an toàn, người thiết kế các công trình phải đưa ra các biện pháp an toàn cho từng công việc cụ thể. Tuy nhiên, những tiến bộ về công nghệ, những cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa… đã dẫn đến những thay đổi nhanh về điều kiện lao động, quy trình sản xuất và tổ chức lao động.

Các quy định của pháp luật về ATLĐ là các quy định pháp lý bắt buộc thực hiện trong quá trình sản xuất, tổ chức lao động và kiểm soát môi trường, tuy nhiên, đôi khi pháp luật không theo kịp với những thay đổi trên. Vì vậy, để kịp thời giải quyết được những thách thức về ATVSLĐ và nhằm đảm bảo sức khỏe NLĐ, nhất thiết phải xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ. Vì nó có tính khả thi và linh hoạt cao trong thực hiện góp phần thúc đẩy công tác ATVSLĐ và phát triển văn hóa an toàn tại cơ sở.

Hệ thống quản lý ATVSLĐ có những đặc điểm cơ bản là không bắt buộc phải thực hiện như các quy định pháp lý, không mang tính pháp lý, không thay thế các quy định của luật pháp, không thay thế các quy định của các quy trình, quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia. Với đặc điểm khả thi và linh hoạt như trên, hệ thống quản lý ATVSLĐ đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho NSDLĐ và NLĐ kịp thời đối phó với những thay đổi về ATVSLĐ trong thực tế sản xuất, hay nói cách khác là hệ thống quản lý ATVSLĐ chính là công cụ, biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, NSDLĐ, NLĐ và cơ quan quản lý các cấp không ngừng cải thiện điều kiện lao động và hoàn thiện công tác quản lý ATVSLĐ.

2.2. Một số yêu cầu của việc xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ ở khu vực DNNVV

Để thực hiện công tác ATVSLĐ nói riêng, hệ thống quản lý ATVSLĐ nói chung, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, cần đáp ứng khả năng về tài chính. Hiện nay, phần lớn các DNNVV đang rất khó khăn về tài chính (khoảng 90% doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng), từ đó dẫn đến không có sự đầu tư cho các nguồn lực để thực hiện công tác ATVSLĐ.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng quản lý của chủ doanh nghiệp. Hiện nay, lực lượng lao động làm việc trong các DNNVV, có tới 85,19% là lao động phổ thông, có trình độ phổ thông trung học và thấp hơn; số lao động là công nhân kỹ thuật có tỷ trọng là 7,73%, số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp là 3,17% và số lao động có trình độ cao đẳng, đại học là 3,83% trong tổng số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Số lượng lao động có trình độ cao (trên đại học) chỉ chiếm tỷ trọng là 0,07%. Đây là yếu tố dẫn đến khả năng nhận thức của người sử dụng lao động, NLĐ về ATVSLĐ, tính chủ động, xây dựng các biện pháp để phòng ngừa TNLĐ.

Thứ ba, cần tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, khoảng 80 – 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 – 1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Phần lớn các DNNVV được trang bị máy móc, thiết bị có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau như: Trung Quốc, Liên Xô cũ, Đông Âu, Hàn Quốc, Đài Loan… thuộc các thế hệ khác nhau và lạc hậu so với thế giới 10 – 20 năm. Trình độ công nghệ lạc hậu làm cho năng suất, hiệu quả hoạt động nói chung của doanh nghiệp kém và làm tăng nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Thứ tư, số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các DNNVV chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Điều này làm hạn chế việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nói chung và kỹ thuật ATVSLĐ nói riêng vào doanh nghiệp.

3. Xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNNVV trong giai đoạn hội nhập.

Việc xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNNVV ở nước ta hiện nay có những thuận lợi nhất định nhờ Chương trình hỗ trợ được xây dựng chi tiết, cụ thể dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) kết hợp với thực tiễn của Việt Nam và các tiêu chuẩn ATVSLĐ tiên tiến khác dễ hiểu, dễ áp dụng. Mặt khác, nền kinh tế đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn khiến các doanh nghiệp phải vận động thay đổi linh hoạt trong việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu của hàng hóa dịch vụ, trong đó có tiêu chuẩn lao động và các tiêu chuẩn về ATVSLĐ.

Tuy nhiên, khi xây dựng cũng sẽ có những khó khăn do nguồn lực của các doanh nghiệp dành cho công tác ATVSLĐ còn nhiều hạn chế như: Trình độ nhận thức về hệ thống quản lý ATVSLĐ, con người thực hiện, kinh phí của đơn vị… dành cho công tác ATVSLĐ. Ngoài ra còn do đặc thù đảm bảo bí mật sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp hoặc có những vấn đề doanh nghiệp ngại chia sẻ (như tai nạn, sai phạm về lao động…) nên thông tin có liên quan đến công tác ATVSLĐ của doanh nghiệp còn bị hạn chế, việc cung cấp tài liệu của doanh nghiệp để nghiên cứu, xây dựng là rất khó khăn.

Do đó, để xây dựng thành công hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNNVV, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ duy trì sự hoạt động của hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các doanh nghiệp đã được tư vấn xây dựng, thường xuyên cải tiến hệ thống cho phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Đẩy mạnh công tác truyển thông để tạo được sự lan tỏa kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp khác chưa tham gia tự nguyện xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ, từng bước đưa công tác ATVSLĐ nói chung, hệ thống quản lý ATVSLĐ nói riêng thành văn hóa, chuyên nghiệp và hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp sát với thực tiễn hơn nữa.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thiết lập mạng lưới hệ thống chuyên gia tư vấn ATVSLĐ rộng khắp từ trung ương đến địa phương, có kiến thức chuyên môn, chuyên nghiệp, trình độ chuyên sâu để tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp; Thành lập Trung tâm thông tin Quốc gia về ATVSLĐ để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cũng như các biện pháp, quy trình kỹ thuật ATVSLĐ phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.

Xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ ở khu vực DNNVV là việc làm thiết thực giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn công tác ATVSLĐ, góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng NLĐ, tài sản quý nhất của doanh nghiệp. Nhận thức đó sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập.

Nguyễn Thị Thanh Bình- Học viện Hành chính quốc gia


(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, Số 5/2018)