Điều tra tai nạn, sự cố và bệnh tật liên quan đến công việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:47(GMT +7)

Sự cố có thể được hiểu là một sự kiện không mong muốn, không có trong kế hoạch đồng thời làm ngắt quãng quá trình hoàn thành một hoạt động. Tai nạn có thể hiểu là sự kiện hoặc chuỗi sự kiện không mong muốn xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm trong lao động, gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động, hoặc gây tử vong trong quá trình lao động.

Mọi sự cố, tai nạn lao động dù là chưa gây hoặc có gây hậu quả nhiều hay ít đều phải được thông tin đến người có trách nhiệm của bộ phận làm công tác an toàn và giám đốc doanh nghiệp; đồng thời phải được điều tra xác định nguyên nhân một cách cầu thị, nghiêm túc, đưa ra kịp thời biện pháp hiệu quả để phòng ngừa sự cố, tai nạn tương tự tái diễn. Sở dĩ phải làm như vậy vì sự cố, tai nạn lao động là những cảnh báo rõ nhất về các nguy cơ đe doạ đến an toàn – sức khoẻ người lao động và tài sản của doanh nghiệp. Để đạt được mục đích, yêu cầu của việc điều tra tai nạn, sự cố phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định đang có trong doanh nghiệp.

Khi xem xét nguyên nhân phải quan tâm đến cả nguyên nhân quản lý, tổ chức quản lý tức là những vấn đề mà các cấp lãnh đạo phải tự đánh giá những sơ hở thiếu xsót trong quản lý là nguyên nhân sâu xa đã đưa đến sự cố, tai nạn. Tiếp đó là xem xét đến các biện pháp kỹ thuật, cuối cùng là xem xét đến việc tuân thủ biện pháp làm việc an toàn, quy trình điều tra.

Quan trọng nhất của việc điều tra tai nạn lao động là nhằm tìm ra nguyên nhân và ngăn chặn tai nạn tái diễn. Khi tai nạn đã được điều tra, mấu chốt cần tập trung vào việc tìm tận gốc nguyên nhân gây ra tai nạn thay vì chỉ tuân thủ các thủ tục điều tra thông thường.

Khi tai nạn xảy ra, cần tiến hành các bước sau:

     – Báo cáo về tình hình tai nạn cho người được có trách nhiệm trong doanh nghiệp;

     – Tiến hành sơ cứu và chăm sóc y tế cho những người bị thương;

     – Tiến hành điều tra tai nạn;

     – Xác định các nguyên nhân;

     – Báo cáo những phát hiện;.

     – Xây dựng một kế hoạch nhằm thực hiện việc khắc phục;

     – Thực hiện kế hoạch đã đề ra;

     – Đánh giá sự tác động của hành động khắc phục.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này và quy mô tổ chức, địa bàn hoạt động của doanh nghiệp để xây dựng quy chế trách nhiệm đối với việc điều tra tai nạn, sự cố xảy ra trong các hoạt động của doanh nghiệp. Quy chế đó phải đảm bảo:

   Mọi sự cố, tai nạn dù là chưa gây chấn thương nặng đối với người, chưa gây thiệt hại về tài sản cũng phải được báo cáo để điều tra, xác định nguyên nhân.

Phân cấp trách nhiệm điều tra (nếu địa bàn hoạt động của doanh nghiệp rộng) để đảm bảo việc điều tra được tiến hành kịp thời.

Ra quyết định bổ nhiệm các thành viên thực hiện điều tra. Những người này phải có hiểu biết về kỹ thuật, về tổ chức quản lý, đồng thời cũng phải có đức tính trung thực. Thành phần đoàn điều tra nhất thiết phải có đại diện người lao động, đại diện tổ chức công đoàn.

Để đảm bảo tính trung thực của một biên bản điều tra phải nhận thức được mục đích của điều tra là tìm nguyên nhân xẩy ra tai nạn hoặc sự cố; tức là tìm lỗi về kỹ thuật, lỗi về quản lý để đưa ra biện pháp khắc phục hiệu quả, chứ không phải tìm xem ai có lỗi hoặc lỗi đó là của ai. Vì đi tìm người có lỗi thì sẽ nảy sinh tư tưởng sợ sệt, nể nang và từ đó sẽ dẫn đến không dám đưa nguyên nhân đúng vào biên bản điều tra.

Một khi không đưa ra được nguyên nhân đúng thì sẽ không đưa ra được biện pháp ngăn ngừa đúng và hậu quả là tai nạn hoặc sự cố tương tự sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu có điều kiện. Việc tiếp theo sau khi điều tra là phải thông báo sự cố, tai nạn, nguyên nhân xảy ra sự cố, tai nạn và các biện pháp phòng ngừa đến người lao động, đến các phân xưởng, phòng ban trong doanh nghiệp để rút kinh nghiệm, không phạm phải các sai lầm đó nữa.

Biên bản điều tra tai nạn, sự cố phải được lưu giữ. Tai nạn, sự cố phải được ghi chép vào sổ thống kê để rút kinh nghiệm cho cán bộ quản lý cũng như người lao động các thế hệ sau. Đối với các sự cố, tai nạn nghiêm trọng còn phải khai báo với các cơ quan chức năng địa phương và chấp hành các quy định về điều tra theo quy định hiện hành.

Có thể tóm tắt mục đích của điều tra sự cố, tai nạn lao động là xác định nguyên nhân gây sự cố, tai nạn lao động từ đó đề ra các giải pháp hiệu quả ngăn ngừa sự cố, tai nạn lao động tương tự tái diễn. Việc xử lý người vi phạm là cần thiết để cảnh cáo, răn đe các hành vi vi phạm nội quy, quy trình quy phạm, thiếu trách nhiệm đối với việc bảo đảm an toàn lao động. Tuy nhiên xử lí người vi phạm tuyệt đối không phải mục đích của việc điều tra sự cố, tai nạn lao động.

Lý tưởng nhất, một cuộc điều tra nên do một người có kiến thức đầy đủ về các nguyên nhân gây ra tai nạn, có nhiều kinh nghiệm trong điều tra các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, có kiến thức đầy đủ về các quy trình công nghệ và các mối liên quan cụ thể trong từng trường hợp. Thông thường cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách ATVSLĐ ở doanh nghiệp được NSDLĐ giao nhiệm vụ giúp chủ cơ sở thực hiện các nghiệp vụ chuyên môn về khai báo, điều tra sự cố, tai nạn lao động. Đại diện BCH Công đoàn hoặc người đại diện của người lao động ở cơ sở tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động ở cơ sở cũng phải đáp ứng yêu cầu của người làm nhiệm vụ điều tra sự cố, tai nạn lao động.

——


(Nguồn tin: Trích tài liệu Hướng dẫn xây dựng Hệ thống quản lý ATVSLĐ trong các DNVVN, Cục An toàn lao động, Bộ LĐ – TB&XH, 2012)