Tai nạn lao động, cháy nổ giảm chưa như mong đợi

Thứ Ba, 26/12/2023, 04:08(GMT +7)

Sáng 15/3, Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015 vừa được tổ chức phát động tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ban Chỉ đạo Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động-phòng chống cháy nổ Trung ương cho biết Tuần lễ năm nay sẽ có chủ đề là “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định: Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong sản xuất và đời sống để tránh những tổn thất không đáng có cho doanh nghiệp, xã hội, bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người lao động và nhân dân.

Nhiệm vụ trên đã được cụ thể hóa bằng Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 19/8/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, Thủ tướng phê duyệt chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015.

Ngày 23/1/2014, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định về việc Việt Nam chính thức gia nhập Công ước 187 về “Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động” của Tổ chức Lao động quốc tế.

Luật An toàn, vệ sinh lao động đã được Quốc hội khóa 13 cho ý kiến, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2016, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác an toàn vệ sinh lao động.

Theo Ban Chỉ đạo, năm 2014, cả nước xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động làm 630 người chết, 1.544 người bị thương nặng với tổng số ngày nghỉ do tai nạn là gần 81.000 ngày; xảy ra hơn 2.370 vụ cháy làm chết 90 người, bị thương 143 người, thiệt hại hơn 1.300 tỉ đồng và hơn 1.300 ha rừng.

Bên cạnh đó, qua khám sức khỏe định kỳ hơn 1.100 nghìn người lao động cả nước thì có tới 20% số người được khám có sức khỏe loại 4 và 5 (sức khỏe yếu).

Những con số trên cho thấy những cố gắng, nỗ lực trong giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ chưa đạt được kết quả như mong đợi. Tình trạng trên làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, giảm năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực đất nước và để lại hậu quả lâu dài cho chính người lao động, gia đình và xã hội.

Tại buổi lễ, Ban Chỉ đạo đã đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 và yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người lao động tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện. Theo đó, các đơn vị phải xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nghiêm túc thực hiện đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và kiên quyết xử lý nghiêm nếu có vi phạm…

Theo TTXVN


(Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ)