Mệt mỏi – Một số thông tin cơ bản dành cho các đại diện công đoàn về sức khỏe và an toàn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:28(GMT +7)

Mệt mỏi là gì?
Mệt mỏi thường được định nghĩa như biểu hiện giảm sút về tinh thần và/hoặc thể chất do sự ráng sức kéo dài, mất ngủ hoặc đồng hồ sinh học bị phá vỡ.

“Mệt mỏi” thường được sử dụng để chỉ một trạng thái mãn tính (lâu dài) hơn là chỉ sự mất ngủ hoặc mệt mỏi cấp tính (hay còn gọi là somnolence/ trạng thái lơ mơ) thường do ngủ không đúng cách, không thật sự được nghỉ ngơi hoặc thiếu sự hào hứng.

Người mệt mỏi thường cảm thấy thiếu động lực và năng lượng. Mặc dù trạng thái mệt mỏi và uể oải không giống nhau, nhưng sự uể oải hay cảm giác muốn được đi ngủ thường tác động đến người đang mệt mỏi. Trạng thái lờ đờ cũng hay đi cùng với sự mệt mỏi.

Mệt mỏi, cả mệt mỏi mãn tính lâu dài và mệt mỏi cấp tính hoặc mất ngủ, là một vấn đề không hề nhỏ đối với nhiều người lao động. Trong ngành giao thông vận tải, ước tính 20% tai nạn đường bộ đều bắt nguồn từ sự mệt mỏi, và cũng tương tự như đối với các ngành đường sắt, hàng không và hàng hải. Tuy nhiên, bất kỳ một tổ chức nào đều có thể đối mặt với vấn đề mệt mỏi và đây có thể là vấn đề đối với bất kỳ ngành nghề nào có đặc thù thời gian làm việc kéo dài, yêu cầu cao, công việc đơn điệu, làm việc theo ca hoặc lương trả thấp gây sức ép buộc người lao động phải tìm thêm việc làm ngoài giờ. Từ đó dẫn đến tai nạn, năng xuất thấp và các vấn đề khá nghiêm trọng về sức khỏe.

Do mệt mỏi thường được xác định là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, nên người sử dụng lao động sẽ có chiều hướng đổ lỗi cho người lao động khi họ gặp phải tai nạn do quá mệt mỏi. Trong thực tế hầu hết mệt mỏi đều bắt nguồn từ những yêu cầu do người sử dụng đặt ra và có thể phòng tránh được bằng cách đảm bảo người lao động không bị mệt  hoặc có các cơ chế ngăn người lao động làm việc khi đang trong trạng thái mệt mỏi.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính dẫn đến mệt mỏi là do mất ngủ, hay một việc “cấp thiết” xảy ra đêm trước đó, hoặc “dồn nén” từ những lần thiếu ngủ trước đó và diễn ra trong khoảng thời gian dài. Nguyên nhân có thể do chất lượng giấc ngủ kém hoặc do thay đổi thói quen ngủ.

Cũng có những lý do mang tính y học liên quan đến sự mệt mỏi, hoặc mệt mỏi có thể xuất phát từ những lý do cá nhân như mới sinh con, nhưng hầu hết đều liên quan đến công việc. Thời gian làm việc kéo dài, bố trí ca kíp không phù hợp có thể dẫn đến mệt mỏi và dĩ nhiên stress cũng được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Những lý do gây ra mệt mỏi liên quan đến công việc hoặc môi trường làm việc là:

– Khoảng thời gian của các ca làm việc, các ca phụ, thời gian nghỉ  ngơi giữa các ca và sự thay đổi thời gian của các ca làm việc.

– Khả năng ngủ vào những ngày nghỉ, chất lượng giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ.

– Thời gian biểu và chất lượng của thời gian nghỉ giải lao trong một ca làm việc.

– Những khởi đầu nhàm chán và thời gian phục hồi không phù hợp.

– Thời gian tiếp xúc liên lạc tới và từ nơi làm việc.

– Gánh nặng công việc và trách nhiệm cả thể chất và tâm thần bao gồm sự lặp đi lặp lại, đơn điệu, công việc đòi hỏi yêu cầu cao và phức tạp.

– Ảnh hưởng của công việc thứ hai và của những công việc phức tạp.

– Stress tại nơi làm việc.

– Môi trường làm việc có thể gây kích thích do quá nóng, quá tối hoặc quá yên tĩnh.

– Những áp lực từ “cuộc sống số”, bao gồm cả áp lực trả lời thư điện tử khi không có mặt ở nơi làm việc.

Những nhân tố nhất định có thể làm cho tình trạng mệt mỏi trở nên tồi tệ hơn, như phải làm việc tại một “điểm thấp nhất/low point” trong ngày như vào buổi sáng sớm, trưa hoặc chiều muộn và sau bữa ăn hoặc những khoảng thời gian nghỉ giải lao không phù hợp trong suốt một ngày làm việc.

Ngoài ra, một số rối loại sức khỏe kéo dài cũng có thể gây ra mệt mỏi.

Ảnh hưởng

So sánh với trạng thái bình thường thì một người vừa mệt mỏi cấp tính vừa mệt mỏi mãn tính thường:

– Khó tập chung, khó đưa ra quyết định rõ ràng hoặc tiếp nhận hay phản ứng trước thông tin

– Thường xuyên xao nhãng hoặc đãng trí

– Phản ứng chậm hơn (ví dụ đối với các nguy cơ nảy sinh tại nơi làm việc)

– Mắc nhiều lỗi hơn

– Thỉnh thoảng ngủ gật khi làm việc – trong giây lát hoặc trong vài phút

– Có ít động lực hoặc hứng thú với công việc đang làm

– Dễ nổi cáu

Các đặc điểm kể trên cho thấy những người đang trong trạng thái mệt mỏi không chỉ làm việc không có hiệu quả, thậm chí họ còn gây hại cho chính bản thân và đồng nghiệp xung quanh. Theo thời gian, họ cũng sẽ đối mặt với những rủi ro phá hoại chính sức khỏe của mình. Các ảnh hưởng lâu dài có thể tương tự như stress và những người trong trạng thái mệt mỏi thường nghĩ là mình đang bị stress. Dĩ nhiên là công việc gây ra cả stress lẫn mệt mỏi và hai trạng thái này thường xuất hiện cùng nhau.

Những dấu hiệu trong số đó bao gồm: Mất ngủ (thường những người đang trong trạng thái mệt mỏi, đơn giản khó quay trở lại những giấc ngủ như trước thậm trí ngay cả khi họ cố gắng); Suy nhược và lo lắng; Đau đầu; Lẫn lộn; Chóng mặt; Thị lực kém; Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên do; Gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Luật pháp

Tồn tại trách nhiệm pháp lý đối với người sử dụng lao động trong việc quản lý bất kỳ rủi ro nào xuất phát từ sự mệt mỏi nảy sinh tại nơi làm việc. Sự mệt mỏi cần được quản lý, cũng giống như bất kỳ nguy cơ nào, thông qua hoạt động đánh giá và quản lý rủi ro. Chỉ đơn giản tuân thủ theo các quy định về thời gian biểu làm việc thì chưa đủ để quản lý được các rủi ro liên quan đến mệt mỏi. Người sử dụng lao động cũng không thể tuyên bố là người lao động sẵng sàng làm thêm giờ hoặc tăng ca. Người sử dựng lao động phải bảo đảm rằng họ ý thức được một người sẽ làm việc trong bao nhiêu giờ đồng hồ và có biện pháp phòng ngừa rủi ro cho người lao động cũng như cho các đối tượng khác.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng yêu cầu phải tiến hành bàn bạc tại nơi làm việc, trực tiếp hoặc thông qua các đại diện về sức khỏe và an toàn nếu tồn tại một tổ chức công đoàn.

Lời khuyên từ Cơ quan Sức khỏe và An toàn Anh (HSE)

HSE đưa ra chỉ dẫn như sau đối với việc quản lý trạng thái mệt mỏi:

– Thời gian làm việc không được kéo dài quá lâu

– Người lao động cần được nghỉ ngơi phù hợp giữa các ca làm việc

– Người lao động không làm việc ca đêm liên tục

– Nhà quản lý thương lượng với nhân viên về thời gian làm việc thêm giờ  hoặc làm việc tăng ca gấp đôi

– Nhà quản lý thống nhất với những lựa chọn của các cá nhân – một vài người lao động chọn làm ban đêm

– Người lao động tránh làm những công việc quan trọng vào cuối ca làm hoặc vào những “điểm thấp nhất” ban ngày hoặc ban đêm, ví dụ như lúc 3 giờ sáng

– Các ca luân phiên “tiến lên” có nghĩa là các buổi sáng, rồi đến các buổi chiều, sau đó là các buổi tối

– Người lao động cần có các khoảng thời gian nghỉ ngơi chất lượng khi làm việc

– Bất kỳ ai cũng có thể báo cáo về các vấn đề mệt mỏi cho bộ phận quản lý và công ty sẽ có những cải thiện cần thiết

– Môi trường không gây ra trạng thái uể oải

– Có kế hoạch dự phòng nhằm tránh cho người lao động bị quá tải với việc làm thêm giờ hoặc tăng ca gấp đôi

– Những sự cố hoặc tai nạn do mệt mỏi gây ra cần được điều tra cặn kẽ

Ngoài những khuyến nghị kể trên của HSE, Liên hiệp các nghiệp đoàn Anh (TUC) cho rằng điều quan trọng là người sử dụng lao động cần bảo đảm luôn quan tâm đến người lao động, thông qua tổ chức công đoàn nếu phát hiện thấy có nảy sinh vấn đề.

Vai trò của tổ chức công đoàn

Nếu cho rằng mệt mỏi là vấn đề xảy ra tại nơi làm việc , hãy cố gắng khảo sát các thành viên công đoàn để tìm ra nguyên nhân và báo cáo cho người sử dụng lao động. Cũng có thể nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của trạng thái mệt mỏi và làm việc cùng người sử dụng lao động từ đó phát triển một môi trường mà người lao động được báo cáo khi họ thấy mệt mỏi và không lo sợ sẽ phải chịu hậu quả.

Ngoài ra, tổ chức công đoàn có thể bảo đảm việc hỗ trợ cho các thành viên công đoàn đang trong tình trạng mệt mỏi thông qua việc bảo đảm người sử dụng lao động sẽ giới thiệu họ tới một nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe nghề nghiệp, từ đó có những trợ giúp nếu người lao động bị đau ốm. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp thì biện pháp hỗ trợ tốt nhất có thể đưa ra là bảo đảm loại bỏ được các nguyên nhân gây mệt mỏi.

Các tổ chức công đoàn có thể có một vai trò tích cực trong việc phòng ngừa mệt mỏi tại nơi làm việc. Trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả ngành đường sắt, vận tải đường bộ, hàng không, chế xuất xăng dầu, chế tạo, phát điện và hàng hải đều nỗ lực phối hợp cùng người sử dụng lao động bảo đảm những yêu cầu về công việc và ca kíp không gây hại đến sức khỏe của người lao động hoặc cộng đồng dân cư. Nhiều tổ chức công đoàn sẽ có nguồn lực dành riêng để giải quyết vấn đề này.

Cuối cùng, các tổ chức công đoàn cần hỗ trợ các thành viên đang bị đe dọa bởi các hành động kỷ luật do người sử dụng lao động cho rằng người lao động phạm sai lầm hoặc không hoàn thành công việc do quá mệt mỏi. Người sử dụng lao động có trách nhiệm phòng ngừa mệt mỏi cho người lao động khi làm việc và nếu có một công việc bị chỉ trích về an toàn, họ cũng cần có các quy trình phù hợp để kiểm tra rủi ro do mệt mỏi gây ra, và chính người lao động có thể tự đặt bản thân hoặc những người khác vào tình huống nguy hiểm, ngay cả khi mệt mỏi bắt nguồn từ các yếu tố ngoài công việc. Nếu một người lao động đang trong trạng thái mệt mỏi gây ra sai sót, thì nguyên nhân chính là do các quy trình chưa phát huy hiệu quả và người sử dụng lao động không nên đổ lỗi cho người lao động.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: tuc.org.uk)