Nguy cơ phơi nhiễm với Covid 19 của nhân viên y tế tại Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:49(GMT +7)

Tóm tắt:
Nghiên cứu được tiến hành tại các cơ sở y tế ở Việt Nam nhằm đánh giá nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 của nhân viên y tế. Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang được áp dụng trên 21.413 nhân viên Y tế bằng việc tự điền vào bộ câu hỏi được gửi qua đường link trực tuyến. Kết quả nghiên cứu cho thấy 56,6% đối tượng nghiên cứu phơi nhiễm với COVID-19 hàng ngày, trong đó khối dự phòng có nguy cơ phơi nhiễm cao gấp 1,25 lần (95%CI: 1,17-1,33) so với khối điều trị. Người thuộc nhóm 30-39 tuổi nguy cơ phơi nhiễm với dịch bệnh cao gấp 1,13 lần (95%CI: 1,03-1,23), nhóm 40-49 tuổi cao gấp 1,39 lần (95%CI: 1,23-1,58) và nhóm ≥50 tuổi cao gấp 1,34 lần (95%CI: 1,14-1,57) so với nhóm dưới 30 tuổi. Người có tuổi nghề từ ≥10 năm có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 cao gấp 1,31 lần (95%CI: 1,17-1,46) so với nhóm đối tượng có tuổi nghề dưới 5 năm.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Mặc dù hiện nay đã có một số loại vắc xin phòng COVID-19 [1], nhưng đây vẫn là một khủng hoảng y tế toàn cầu. Dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan với tốc độ rất nhanh cùng việc xuất hiện thêm nhiều biến chủng nguy hiểm, tính đến ngày 8 tháng 2 năm 2021 [2], trên thế giới đã ghi nhận 157.329.411 ca mắc với 3.278.187 ca tử vong. Các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận 3137 ca mắc và 35 ca tử vong [2]. Trong bối cảnh này nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát vàđiều trị cho bệnh nhân COVID. Tuy nhiên, hiện nay, số ca nhiễm quá lớn trong cộng đồng, cùng với đó là tỷ lệ không triệu chứng cao đã khiến cho hệ thống y tế trên toàn thế giới đang rơi và tình trạng quá tải, đặc biệt là ở những nước nghèo và đông dân [3], [4]. Dẫn đến, nhân viên y tế có nguy cơ cao phơi nhiễm với dịch bệnh do phải làm việc nhiều giờ, tiếp xúc với người bệnh và người nghi nhiễm thường xuyên trong khi còn thiếu trang thiết bị bảo hộ cá nhân cũng như các hỗ trợ khác về tài chính và tâm lý. Mặt khác, nhân viên y tế cũng là nguồn lây nhiễm quan trọng cho bệnh nhân và cho cộng đồng khi họ mang mầm bệnh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nhân viên y tế là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao với tỷ lệ mắc lên đến 11%-14,3% [5], [6], cao gấp 11,61 lần dân số chung [3].

Hiện nay, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để bảo vệ thành quả và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh cần có những đánh giá cụ thể về tần suất và mức độ phơi nhiễm với COVID-19  của nhân viên y tế để từ đó có những biện pháp và chính sách hỗ trợ hợp lí, kịp thời trước bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Vì vậy, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này với mục tiêu “đánh giá nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 của nhân viên y tế tại Việt Nam” nhằm góp phần bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch và hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Cán bộ và nhân viên đang làm việc tại các cơ sở y tế ở Việt Nam

2.1.1. Tiêu chuẩn lựa chọn

  • Là cán bộ và nhân viên đang làm việc tại các cơ sở y tế tại Việt nam
  • Có thời gian công tác tại cơ sở y tế ít nhất 6 tháng trở lên
  • Đồng ý tham gia vào nghiên cứu

2.1.2. Tiêu chuẩn loại trừ

  • Cán bộ và nhân viên y tế là người bệnh nhiễm COVID-19
  • Không đồng ý tham gia nghiên cứu

2.2. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

  • Thời gian nghiên cứu: từ tháng 3 năm 2020 tới tháng 12 năm 2021
  • Các cở sở y tế trên khắp cả nước

2.3. Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang

Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu: chọn mẫu có chủ đích là các cán bộ và nhân viên Y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế. Trên thực tế nghiên cứu đã chọn được 21.413 đối tượng đủ tiêu chuẩn tham gia vào nghiên cứu.

Biến số và chỉ số nghiên cứu: giới, tuổi đời, tuổi nghề, trình độ chuyên môn, tần suất phơi nhiễm và mối liên quan đến nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19.

Công cụ nghiên cứu: Bộ câu hỏi online được thiết kế sẵn và điều tra thử, sau đó sẽ xây dựng đường link trực tuyến chứa bộ câu hỏi và gửi đến các cán bộ và nhân viên Y tế.

2.4. Quản lý và xử lý thông tin: Số liệu sau khi thu thập xong được làm sạch ngay, loại đi các phiếu không đủ tiêu chuẩn, sau đó được chuyển sang phần mềm SPSS 20.0 để phân tích. Sử dụng kiểm định khi bình phương, hồi quy logistic để tìm mối liên quan.

2.5. Đạo đức nghiên cứu

Tất cả đối tượng nghiên cứu đều được mời tham gia và thông báo về mục tiêu nghiên cứu. Các thông tin của đối tượng được giữ bí mật và chỉ sử dụng cho mục đích nghiên cứu. Đối tượng được toàn quyền quyết định tham gia và rời khỏi nghiên cứu. Nghiên cứu được Hội đồng đạo đức Trường Đại học Y Hà Nội phê duyệt.

3. KẾT QUẢ

Bảng 1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Đặc điểm

Khối điều trị

Khối dự phòng

Tổng số

Số lượng

%

Số lượng

%

Số lượng

%

Giới tính

Nam

4307

31,9

2736

34,5

7043

32,9

Nữ

9184

68,1

5186

65,5

14370

67,1

Tuổi đời (tuổi)

Trung bình (SD)

35,1 (8,27)

36,1 (8,27)

35,5 (8,28)

Nhóm tuổi đời

<30tuổi

4757

35,3

2296

29,0

7053

32,9

30 – 39 tuổi

5671

42,0

3665

46,2

9336

43,6

40 – 49 tuổi

2132

15,8

1307

16,5

3439

16,1

≥50 tuổi

931

6,9

654

8,3

1585

7,4

Tuổi nghề (năm)

Trung bình (SD)

10,41 (8,01)

11,5 (8,18)

10,8 (8,09)

Nhóm tuổi nghề

<5 năm

4472

33,1

1990

25,1

6462

30,2

5 – 9 năm

3605

26,7

2330

29,4

5935

27,7

≥10 năm

5414

40,1

3602

45,5

9016

42,1

Trình độ chuyên môn

Bác sĩ

3588

26,6

2313

29,2

5895

27,5

Điều dưỡng

6223

46,1

3594

45,4

9817

45,8

Kỹ thuật viên

1084

8,0

562

7,1

1646

7,7

Dược sĩ

488

3,6

276

3,5

764

3,6

Nhân viên hành chính-lễ tân

693

5,1

414

5,2

1107

5,2

Khác (hộ lí, bảo vệ..)

1421

10,5

763

9,6

2184

10,2

Tổng

13.491

63

7922

37

21.413

100

Bảng kết quả cho thấy đối tượng nghiên cứu phần lớn là nữ (67,1%), trong đó bên khối điều trị (68,1%) cao hơn khối dự phòng (65,5%). Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 35,5 (SD=8,28) tuổi và tỷ lệ này tương đương ở khối điều trị và dự phòng. Nhóm tuổi từ 30-39 chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp theo là nhóm người dưới 30 tuổi (32,9%), chỉ 7,4% đối tượng nghiên cứu từ 50 tuổi trở lên. Tuổi nghề trung bình là 10,8 năm (SD=8,09), trong đó đa số (67,9%) là dưới 10 năm. Trong tổng số 21.413 đối tượng tham gia nghiên cứu gần một nửa (45,8%) là điều dưỡng, bác sĩ chiếm 27,5%, còn lại là các đối tượng khác như kỹ thuật viên (7,7 %), dược sĩ (3,6%), nhân viên hành chính, văn phòng (5,2%).

Biểu đồ 1. Tần suất phơi nhiễm với COVID-19 của đối tượng nghiên cứu

Biểu đồ cho thấy phần lớn đối tượng tham gia nghiên cứu báo cáo rằng họ có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 hàng ngày (56,6%), 8,5% phơi nhiễm vài lần trong tuần, 15,7% người khẳng định không tiếp xúc với yếu tố nguy cơ, tuy nhiên có đến 12,2% đối tượng nghiên cứu không biết mình có phơi nhiễm với nguồn lây nhiễm COVID-19 hay không. Khối dự phòng có tỷ lệ phơi nhiễm hàng ngày và vài lần trong tuần cao hơn khối điều trị, ngược lại tỷ lệ đối tượng nghiên cứu báo cáo không tiếp xúc hoặc không biết có phơi nhiễm với yếu tố lây nhiễm COVID-19 bên khối điều trị cao hơn khối dự phòng. Những sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05)

Bảng 2. Một số yếu tố liên quan đến nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 của đối tượng nghiên cứu

Đặc điểm

Có tiếp xúc

Không tiếp xúc

OR (95%CI)

p

Số lượng

%

Số lượng

%

Phân loại chuyên môn

Điều trị

9495

70,4

3996

29,6

1

Dự phòng

5959

75,2

1963

24,8

1,25 (1,17-1,33)

0,00

Giới tính

Nữ

10277

71,5

4093

28,5

1

Nam

5177

73,5

1866

26,5

1,07 (0,99-1,14)

0,053

Nhóm tuổi

<30tuổi

4736

67,1

2317

32,9

1

30 – 39 tuổi

6785

72,7

2551

27,3

1,13 (1,03-1,23)

0,008

40 – 49 tuổi

2694

78,3

745

21,7

1,39 (1,23-1,58)

0,00

≥50 tuổi

1239

78,2

346

21,8

1,34 (1,14-1,57)

0,00

Tuổi nghề

<5 năm

4352

67,3

2110

32,7

1

5 – 9 năm

4176

70,4

1759

29,6

1,08 (0,99-1,17)

0,1

≥10 năm

6926

76,8

2090

23,2

1,31 (1,17-1,46)

0,00

Trình độ chuyên môn

Bác sĩ

4215

71,5

1680

28,5

1

Điều dưỡng

7080

72,1

2737

27,9

1,04 (0,97-1,12)

0,305

Kỹ thuật viên

1204

73,1

442

26,9

1,1 (0,97-1,25)

0,13

Dược sĩ

535

70,0

229

30,0

0,94 (0,8-1,12)

0,49

Nhân viên hành chính – lễ tân

824

74,4

283

25,6

1,18 (1,02-1,37)

0,025

Khác (bảo vệ, hộ lí, kỹ sư, lái xe…)

1596

73,1

588

26,9

1,1 (0,98-1,23)

0,11

Bảng phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy những đối tượng làm việc trong khối dự phòng có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 cao gấp 1,25 lần (%CI: 1,17-1,33) người làm trong khối điều trị. Người thuộc nhóm 30-39 tuổi có nguy cơ phơi nhiễm với dịch bệnh cao gấp 1,13 lần (95%CI: 1,03-1,23), nhóm 40-49 tuổi cao gấp 1,39 lần (95%CI: 1,23-1,58) và nhóm ≥50 tuổi cao gấp 1,34 lần (95%CI: 1,14-1,57) so với nhóm dưới 30 tuổi. Bảng kết quả cũng chỉ ra rằng người có tuổi nghề ≥10 năm có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 cao gấp 1,31 lần (95%CI: 1,17-1,46) so với nhóm đối tượng có tuổi nghề dưới 5 năm. Nhân viên hành chính, lễ tân báo cáo rằng họ có nguy cơ phơi nhiễm với dịch bệnh cao gấp 1,18 lần (95%CI: 1,02-1,37) so với bác sĩ.

4. BÀN LUẬN

Nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và kiểm soát đại dịch COVID-19, tuy nhiên họ lại là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Vì vậy, để bảo vệ nhân viên y tế cần đánh giá đúng nguy cơ lây nhiễm để từ đó có những biện pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Nghiên cứu của chúng tôi đã cho thấy đa số nhân viên y tế báo cáo rằng họ có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 hàng ngày hoặc vài lần trong tuần và tỷ lệ này ở khối dự phòng cao hơn khối điều trị. Điều này có thể giải thích do tại Việt Nam, khi bệnh dịch truyền nhiễm xảy ra, các cán bộ dịch tễ và các đơn vị thuộc khối dự phòng sẽ là những người đầu tiên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, họ trực tiếp xuống địa bàn để phát hiện các trường hợp nghi ngờ do tiếp xúc gần, điều tra, truy vết các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm, giám sát, khoanh vùng và dập dịch kịp thời [7]. Tần suất phơi nhiễm lớn sẽ đặt nhân viên y tế vào tình trạng nguy cơ cao mắc COVID-19 hơn các đối tượng khác. Theo nghiên cứu của Sergio Alejandro Gómez-Ochoa và cộng sự tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong nhân viên y tế lên đến 11% [5], tỷ lệ này ở nghiên cứu của Reham Abdelmoniem và cộng sự là 14,3% [6]. Một nghiên cứu thuần tập đa trung tâm tại Mỹ và Anh đã chỉ ra rằng nhân viên y tế có tỷ lệ mắc COVID-19 cao gấp 11,61 lần so với dân số chung [3]. Tính đến nay đã có hàng nghìn nhân viên y tế tử vong do COVID-19 với tỷ lệ trung bình là 5% [8]. Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến thể nguy hiểm, trong khi COVID-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và lượng vắc xin lại có hạn thì sức khỏe, sự an toàn của nhân viên y tế là điều kiện tiên quyết để ứng phó hiệu quả với đại dịch. Vì vậy các nhà quản lý cần có các chính sách, biện pháp để giảm sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ cho nhân viên y tế như cung cấp đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân và các biện pháp đào tạo nâng cao năng lực tự bảo vệ của mỗi cá nhân.

Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng người có tuổi đời càng cao thì nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 cũng cao hơn. Nhóm tuổi 30-39 tuổi có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn nhóm dưới 30 tuổi và nhóm từ 40 tuổi trở lên lại có mức độ phơi nhiễm cao hơn người trẻ hơn. Kết quả nghiên cứu này tương đồng với nghiên cứu của Aya Mostafa và cộng sự khi người thuộc nhóm tuổi 30-39 tuổi có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao gấp 4,28 lần những người thuộc nhóm tuổi 2-28 [9]. Khi tuổi đời càng cao, nhân viên y tế sẽ phải đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng, chuyên môn sâu hơn, tiến hành các thủ thuật phức tạp và xâm lấn hơn, nên nguy cơ phơi nhiễm của họ có thể sẽ cao hơn. Ngoài ra người càng nhiều tuổi càng thận trọng hơn nên họ đánh giá nguy cơ phơi nhiễm của mình chi tiết hơn trong khi người trẻ có thể thường đánh giá thấp nguy cơ phơi nhiễm của mình do họ chưa có kinh nghiệm và chủ quan hơn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này của chúng tôi lại trái ngược với nghiên cứu của Atnafie Seyfe Asrade và cộng sự [4] với kết luận người từ 18 đến 24 tuổi lại có nguy cơ phơi nhiễm cao hơn nhóm tuổi trên 24 tuổi. Sự khác biệt này có thể do cỡ mẫu của Atnafie Seyfe Asrade và cộng sự [4] trong khi nhóm tuổi 18-24 chỉ chiếm 12,4% nên kết quả có thể chưa phản ánh chính xác. Vì vậy trong tương lai cần nghiên cứu thêm với cỡ mẫu lớn hơn, trên các quần thể khác nhau để tìm mối liên quan giữa tuổi và nguy cơ phơi nhiễm của nhân viên y tế.

Với mô hình phân tích hồi quy logistic đa biến, chúng tôi phát hiện những người có tuổi nghề ≥10 năm báo cáo nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 cao hơn nhóm <5 năm. Kết quả này của chúng tôi trái ngược với nghiên cứu của Atnafie Seyfe Asrade và cộng sự khi những người có tuổi nghề cao hơn thì có nguy cơ lây nhiễm thấp hơn [4]. Sự khác biệt này có thể do khác nhau về cỡ mẫu và cách chọn mẫu, nên tỷ lệ các nhóm tuổi nghề chưa cân xứng vì thế có thể gây ra sai số. Vì vậy cần có những nghiên cứu khác để tìm hiểu mối liên quan giữa tuổi nghề và nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19.

Về chuyên môn, kết quả của chúng tôi cho thấy nhân viên hành chính-lễ tân có tỷ lệ báo cáo về tần suất phơi nhiễm với COVID-19 cao hơn bác sĩ. Kết quả này có thể giải thích do họ thường là người đầu tiên tiếp đón những bệnh nhân khi vào khoa, vào bệnh viện thăm khám. Mặt khác, một phần nhân viên hành chính-lễ tân có thể là người không học ngành y nên họ có tâm lý sợ hãi hơn và đánh giá mức độ trầm trọng cao hơn thực tế. Ngoài ra, do nhóm đối tượng hành chính-lễ tân trong nghiên cứu của chúng tôi nhỏ hơn nhiều so với nhóm bác sĩ nên kết quả có thể có sai số. Nghiên cứu của chúng tôi chưa tìm thấy sự khác nhau có ý nghĩa thống kê về tần suất tiếp xúc với COVID-19 giữa bác sĩ và điều dưỡng. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Atnafie Seyfe Asrade [4] và Abdelmoniem R [6] khi điều dưỡng và bác sĩ độc lập về nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19.

Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu cắt ngang tại 1 thời điểm nên không thể đánh giá nguy cơ phơi nhiễm một cách dài hạn và mối liên quan giữa tần suất phơi nhiễm và tỷ lệ mắc bệnh. Ngoài ra nghiên cứu sử dụng bộ câu hỏi trực tuyến nên có sai số do không quản lý được triệt để các đối tượng nghiên cứu, nguyên nhân do một số người không sử dụng thành thạo internet và điện thoại.

Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng nghiên cứu đã góp phần đánh giá được tần suất và mức độ phơi nhiễm với COVID-19 của nhân viên y tế để cung cấp cái nhìn tổng quan cho những nhà quản lý trong việc dự phòng nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên y tế cho cộng đồng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra mức độ cần thiết trong việc bảo vệ lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Từ đó, cho thấy việc trang bị đủ phương tiện bảo hộ cá nhân cũng như nhanh chóng tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế là hết sức cần thiết.

5. KẾT LUẬN

Nhân viên y tế 5%CI: 1,17-1,46) có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 hàng ngày là  56,6%, trong đó khối dự phòng có nguy cơ phơi nhiễm cao gấp 1,25 lần  so với khối điều trị. Người thuộc nhóm 30-39 tuổi nguy cơ phơi nhiễm với dịch bệnh cao gấp 1,13 lần, nhóm 40-49 tuổi cao gấp 1,39 lần và nhóm ≥50 tuổi cao gấp 1,34  so với nhóm dưới 30 tuổi. Người có tuổi nghề từ ≥10 năm có nguy cơ phơi nhiễm với COVID-19 cao gấp 1,31 lần so với nhóm đối tượng có tuổi nghề dưới 5 năm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. World Health Organization. Coronavirus disease (COVID-19): Vaccines. Accessed 8 May, (2021), https://www.who.int/news-room/q-a-detail/coronavirus-disease-(covid-19)-vaccines? topicsurvey=v8kj13)&gclid=Cj0KCQjwytOEBhD5ARIsANnRjVgVBrOXm6ZGVpwFmXSY5JSi8YPpL1iBVqeaFpmmLSrK1DKbMlU7MWoaAmcmEALw_wcB
  2. Worldometer. COVID-19 coronavirus pandemic. https://www.worldometers.info/coronavirus/
  3. Nguyen Long H, Drew David A, Graham Mark S, et al. (2020) “Risk of COVID-19 among front-line health-care workers and the general community: a prospective cohort study”. The Lancet Public Health. 5(9):e475-e483.
  4. Atnafie Seyfe Asrade, Anteneh Demssie Ayalew, Yimenu Dawit Kumilachew, et al. (2021) “Assessment of exposure risks to COVID-19 among frontline health care workers in Amhara Region”, Ethiopia: A cross-sectional survey. Plos one. 16(4):e0251000.
  5. Gómez-Ochoa SA, Franco OH, Rojas LZ, et al. “COVID-19 in Health-Care Workers: A Living Systematic Review and Meta-Analysis of Prevalence, Risk Factors, Clinical Characteristics, and Outcomes”. American journal of epidemiology. Jan 4 2021;190(1):161-175. doi:10.1093/aje/kwaa191
  6. Abdelmoniem R, Fouad R, Shawky S, et al. “SARS-CoV-2 infection among asymptomatic healthcare workers of the emergency department in a tertiary care facility”. Journal of clinical virology : the official publication of the Pan American Society for Clinical Virology. Jan 2021; 134:104710. doi:10.1016/j.jcv.2020.104710
  7. Bộ Y tế. “Huy động toàn bộ lực lượng y tế phòng, chống đại dịch COVID-19”. Bộ Y tế. Accessed Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2021, https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/ k206Q9qkZOqn/content/huy-ong-toan-bo-luc-luong-y-te-phong-chong-ai-dich-covid-19
  8. Erdem H, Lucey DR. “Healthcare worker infections and deaths due to COVID-19: A survey from 37 nations and a call for WHO to post national data on their website”. International journal of infectious diseases : IJID : official publication of the International Society for Infectious Diseases. Jan 2021;102:239-241. doi:10.1016/j.ijid.2020.10.064
  9. Mostafa A, Kandil S, El-Sayed MH, et al. “Universal COVID-19 screening of 4040 health care workers in a resource-limited setting: an Egyptian pilot model in a university with 12 public hospitals and medical centers”. International journal of epidemiology. Mar 3 2021;50(1):50-61. doi:10.1093/ije/dyaa173

PGS.TS. Lê Thị Thanh Xuân, Khương Văn Duy, Nguyễn Ngọc Anh,Nguyễn Thanh Thảo, Phạm Thị Quân, Tạ Thị Kim Nhung, Nguyễn Thị Quỳnh*

Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, trường Đại học Y Hà Nội


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)