Phòng ngừa ngã cao: Tuân thủ không phải là một biện pháp kiểm soát

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Nguyên tắc khi làm việc trên cao là không bắt đầu công việc cho đến khi đảm bảo an toàn, đồng thời, cần thiết lập một nơi làm việc mà người lao động (NLĐ) có thể thoải mái đóng góp ý kiến nếu họ cảm thấy chưa được trang bị đầy đủ các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Là một chuyên gia an toàn, đã bao nhiêu lần bạn chứng kiến ai đó làm việc trên cao mà không được bảo vệ đúng cách khỏi nguy cơ ngã cao? Điều quan trọng trước khi tiếp cận từng cá nhân là phải cân nhắc về cuộc thảo luận sắp tới nhằm cảnh báo cho NLĐ về các nguy cơ. Việc trao đổi này là rất cần thiết để đạt tới kết quả mong muốn. Quan trọng hơn, văn hóa an toàn tồn tại trong doanh nghiệp sẽ có tác động rất lớn đến kết quả cuộc thảo luận và việc NLĐ tiếp nhận các ý kiến theo hướng tích cực hay tiêu cực. Liệu doanh nghiệp của bạn đã xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận và tôn trọng các hoạt động huấn luyện và tiếp nhận huấn luyện an toàn?

Các số liệu thống kê cho thấy cần phải thay đổi cách thức toàn bộ ngành công nghiệp nhìn nhận hoạt động phòng ngừa ngã cao. Các nhà nghiên cứu từ Chương trình đánh giá tử vong và các hoạt động kiểm soát1 (Fatality Assessment and Control Evaluation Program) của NIOSH đã phát hiện ra rằng từ năm 1982 đến 2015, 42% trường hợp tử vong có liên quan đến các sự cố ngã cao trong ngành xây dựng. Trong số các ca tử vong đó, 54% không được cung cấp phương tiện bảo hộ chống ngã cao và 23% được cung cấp nhưng không sử dụng. 20% các ca tử vong của NLĐ xảy ra trong khoảng thời gian hai tháng đầu khi họ mới bắt đầu làm việc.

Thay đổi chỉ có thể xảy ra khi thiết lập được văn hóa an toàn tại doanh nghiệp. Mặc dù có nhiều quy định chi phối an toàn tại nơi làm việc, nhà quản lý phải nhận thức được rằng tuân thủ không phải là một biện pháp kiểm soát giúp tạo nên công việc an toàn. Cách tốt nhất để tạo ra công việc an toàn là quản lý các biện pháp kiểm soát, điều này có thể thực hiện được bằng cách thiết lập văn hóa doanh nghiệp trong đó mọi NLĐ đều hiểu rõ an toàn bắt đầu từ mỗi cá nhân. Tâm lý “cảnh sát an toàn” là phản tác dụng trong nỗ lực gắn kết văn hóa an toàn tích cực vào hoạt động của doanh nghiệp. Những thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp bắt đầu khi NLĐ hiểu rằng an toàn là lựa chọn của mỗi cá nhân hơn là điều kiện để được tuyển dụng. Nhận thức này là một thành tố quan trọng giúp NLĐ tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro do ngã cao và các sự cố khác.

Việc làm trước tiên để thay đổi cách NLĐ nhìn nhận vấn đề phòng ngừa ngã cao là tập trung vào thực hành an toàn. Khi làm việc trên cao, NLĐ cần bắt đầu bằng việc hoàn thành bản Đánh giá an toàn công việc (Job Safety Assessment – JSA) và nhận diện các mối nguy liên quan đến công việc họ sẽ thực hiện. Điều này bao gồm hiểu biết về những trường hợp cần sử dụng phương tiện bảo vệ chống ngã cao và cách sử dụng chúng đúng cách. Nếu không được cung cấp các thiết bị cần thiết và đào tạo nhận biết nguy cơ, NLĐ sẽ bị đặt trong tình huống bất lợi và tăng khả năng làm việc thiếu an toàn.

Trong trường hợp không may xảy ra sự cố ngã cao, thay vì đổ lỗi cho NLĐ, doanh nghiệp và các chuyên gia an toàn cần tập trung nỗ lực vào tìm kiếm những nguyên nhân gây tai nạn. Đôi khi người sử dụng lao động quyết định kỷ luật NLĐ, và trong một số trường hợp, NLĐ bị chấm dứt hợp đồng do không tuân thủ các quy trình làm việc an toàn. Việc làm này là cần thiết trong một số trường hợp khi NLĐ cố ý vi phạm các quy tắc an toàn, tuy nhiên, điều này cũng dẫn tới thất thoát thông tin quan trọng trong quá trình điều tra tai nạn do sự vắng mặt của người liên quan trực tiếp tới sự cố. Cần nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động ứng phó là nhằm ngăn chặn sự cố tương tự xảy ra lần tiếp theo. Việc cho phép cá nhân liên quan nắm quyền điều tra sự cố thường đem tới những dữ kiện hữu ích và giúp thực hành công việc an toàn hơn.

Thay vì hỏi “Ai”, hãy hỏi “Điều gì”

Tập trung tìm hiểu “điều gì” dẫn tới tai nạn ngã cao là rất quan trọng trong việc tạo ra một môi trường làm việc mà ở đó NLĐ cảm thấy an toàn khi báo cáo các sự cố đã xảy ra hoặc suýt xảy ra, hướng tới tạo dựng nơi làm việc an toàn hơn. Thông thường, các cuộc điều tra sự cố chỉ tập trung vào “ai” và chỉ ra trách nhiệm của một người nào đó không tuân thủ các quy tắc an toàn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần quan tâm là các nguy cơ tiềm tàng tại nơi làm việc có thể khiến NLĐ mất an toàn.

Áp lực về thời gian, thiếu huấn luyện an toàn, tính tự mãn và cảm giác mệt mỏi thường là một số yếu tố chính có thể dẫn đến tai nạn. Việc xác lập được tư duy cải tiến liên tục tập trung vào cách giảm thiểu các yếu tố phổ biến này là rất quan trọng trong việc tạo ra môi trường làm việc an toàn.

Yếu tố then chốt khi làm việc trên cao là không bắt đầu công việc cho đến khi đảm bảo an toàn, đồng thời, thiết lập được một nơi làm việc mà NLĐ có thể thoải mái đóng góp ý kiến nếu họ cảm thấy chưa được trang bị đầy đủ các biện pháp kiểm soát phù hợp. Hãy yêu cầu NLĐ dành thời gian để đánh giá công việc và tự trả lời những câu hỏi sau:

     • “Tôi có hiểu rõ nhiệm vụ được giao không?”

     • “Tôi có được huấn luyện an toàn đúng cách để thực hiện công việc không?”

     • “Tôi có phải là người phù hợp nhất để thực hiện công việc này không?”

     • “Tôi có được phép dừng công việc nếu nhận thấy hay cảm thấy có điều gì không ổn không?”

     • “Tôi có thiết bị an toàn phù hợp và hiểu rõ về các mối nguy liên quan đến công việc trước khi bắt đầu làm việc không?”

Người sử dụng lao động có trách nhiệm cao nhất trong việc thiết lập nơi làm việc an toàn. Nơi làm việc này cần phải “không có các mối nguy hiểm được nhận diện gây ra hoặc có khả năng gây tử vong hay tổn hại nghiêm trọng về thể chất”, như đã nêu trong Điều khoản chung về Trách nhiệm của Đạo luật ATVSLĐ năm 1970.

Thiết lập nên một nơi làm việc an toàn là một cách tiếp cận hai chiều. An toàn bắt đầu từ sự nêu gương của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Các quản lý của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần đứng ngoài theo dõi và yêu cầu NLĐ làm việc an toàn, mà bản thân họ cũng phải tham gia vào quá trình và tích cực thúc đẩy an toàn tại doanh nghiệp. Yếu tố thứ hai và quan trọng nhất để đảm bảo an toàn là quyền tạm dừng công việc. Quyền tạm dừng công việc là trọng tâm giúp thiết lập một nơi làm việc an toàn. Nhiều sự cố ngã cao được ngăn chặn khi NLĐ biết rằng họ có thể dừng công việc bất cứ lúc nào nếu họ cảm thấy công việc đang tiến hành hay chuẩn bị tiến hành không đủ an toàn.

Người sử dụng lao động cần hiểu rằng bên cạnh ý thức tuân thủ quy trình làm việc an toàn, phòng ngừa ngã cao đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác. Đó là một nỗ lực tập thể đòi hỏi tất cả các phương thức lãnh đạo cùng tham gia vào quá trình phòng ngừa sự cố. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có sự tham gia của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp. Mỗi cá nhân cần thể hiện sự quan tâm đến an toàn của bản thân cũng như an toàn của những người xung quanh. Doanh nghiệp cần huấn luyện NLĐ để giúp họ hiểu rằng an toàn là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần lôi kéo sự tham gia của toàn bộ nhân viên và NLĐ, từ trên xuống dưới bộ máy, vào hoạt động cải thiện an toàn tại nơi làm việc. Bằng cách đó, những thay đổi tích cực trong văn hóa an toàn của doanh nghiệp có thể dẫn đến giảm thiểu sự cố về an toàn.

Một điển hình là Công ty Dịch vụ hiện trường Atlas (Atlas Field Services – AFS) đã là đối tác quan trọng của một công ty tiện ích công cộng ở California trong việc thực hiện chương trình Kiểm soát thiết yếu giúp quản lý thảm thực vật. Chương trình được xây dựng trên tiền đề “không bao giờ bắt đầu công việc khi chưa có biện pháp kiểm soát.” Công cụ này được xây dựng bởi NLĐ và giành cho NLĐ sử dụng tại hiện trường trước khi bắt đầu công việc. Các biện pháp kiểm soát được chia nhỏ theo năm hoạt động trọng tâm: khi đốn hạ cây, khi làm việc trên cao, khi thả gỗ có và không có kiểm soát, và khi làm việc gần các đường dây cao thế. Mỗi bảng liệt kê biện pháp kiểm soát đều bao gồm các câu hỏi kích thích tư duy được thiết kế để rà soát trước khi bắt đầu công việc. Công việc sẽ không bắt đầu cho tới khi tất cả các biện pháp kiểm soát đều được thực hiện. Các chuyên gia tư vấn an toàn hiện trường của AFS phối hợp chặt chẽ với các đối tác quản lý thảm thực vật nhằm đảm bảo công cụ được sử dụng trong lĩnh vực này. Các chuyên gia tư vấn cũng theo dõi công việc, ghi lại các phát hiện của họ, và tổ chức huấn luyện và hướng dẫn cho đối tác để đảm bảo công việc an toàn. Sự hợp tác này đã cải thiện an toàn của NLĐ trong một ngành có rủi ro cao bằng cách đảm bảo rằng những người làm công việc đốn hạ cây có được khởi đầu an toàn để tiến hành công việc.

Tài liệu tham khảo

1. https://www.cdc.gov/niosh/face/default.html

Biên dịch: Hoàng Phương


(Nguồn tin: Occupational health & safety)