Quy trình an toàn cho thiết bị nâng thùng sau

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:47(GMT +7)

Cơ quan An toàn và Sức khỏe Ireland cung cấp thông tin và những trách nhiệm pháp lý quan trọng trong quá trình sử dụng, bảo dưỡng và kiểm tra cho thiết bị nâng của thùng sau xe tải (thiết bị nâng thùng sau). Thông tin này nhắm đến đối tượng là người sử dụng lao động, các hộ kinh doanh cá thể, người lao động và bất cứ ai tiến hành các quy trình làm việc sử dụng thiết bị nâng thùng sau hàng ngày, bao gồm cả việc giao nhận hàng hóa và các loại nguyên vật liệu.

Thông tin này không áp dụng cho các quá trình nâng đặc biệt để nâng người bằng các loại động cơ ví dụ như các buồng nâng người hoặc nâng bệnh nhân bằng băng ca cứu thương.

Thiết bị nâng thùng sau là một bộ phận hoạt động cơ học được gắn vào xe tải chở hàng với mục đích để sắp xếp hàng hóa hoặc dỡ hàng hóa ra khỏi thùng xe, hoạt động bằng cách nâng hoặc hạ hàng hóa với chiều cao thay đổi từ thân xe tải cho đến mặt đất. Hàng hóa thường được đặt trên các pa-lét để thuận tiện cho việc di chuyển bằng các xe nâng. Chúng có rất nhiều dạng thiết kế cơ bản, bao gồm:

     • Thiết kế dạng cột,

     • Thiết kế xếp tầng,

     • Thiết kế dạng trượt,

     • Thiết kế dạng gấp.

Tất cả các quy trình nâng thùng sau đều có những nguy hiểm tiềm ẩn và cần phải lên kế hoạch chi tiết để đảm bảo cho quá trình nâng hạ an toàn và đã tính đến tất cả những rủi ro dễ thấy. Việc lập kế hoạch công việc sơ sài là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn lao động trong các quá trình nâng thùng sau. Thông thường, các tai nạn nâng thùng sau phổ biến bao gồm trượt, ngã hoặc bị mắc kẹt do hàng hóa đổ xuống. Tuy nhiên, những rủi ro khác, ví dụ như rủi ro do các chi tiết chuyển động hoặc sai sót trong các bộ phận cơ khí cũng cần phải được tính đến. Rủi ro ngã cao là rủi ro phải được tính đến, do quá trình nâng thùng sau là quá trình mà người lao động làm việc trên cao, trong thùng xe tải hoặc trên mặt của sàn nâng.

Yêu cầu về chương trình tập huấn

Người vận hành bắt buộc phải được tập huấn và cấp giấy phép trước khi tiến hành các thao tác nâng hạ thùng sau và họ cần phải tuân thủ quy trình làm việc khi sử dụng cũng như bảo dưỡng thiết bị. Cán bộ giám sát là người đã được tập huấn và có kinh nghiệm cũng như biết cách tiến hành các quy trình nâng thùng sau an toàn, hiểu rõ bản chất của các mối nguy hiểm liên quan. Chương trình tập huấn phải bao gồm các nội dung sau:

     • Các biện pháp kiểm soát,

     • Những giới hạn tải trọng làm việc,

     • Các sơ đồ bố trí hàng hóa,

     • Các quy trình làm việc an toàn,

     • Những giới hạn trong quy trình làm việc của loại thiết bị nâng thùng sau được sử dụng.

Những nguyên nhân gây ra tai nạn lao động của thiết bị nâng thùng sau

Có rất nhiều nguyên nhân gây tai nạn lao động đối với thiết bị nâng thùng sau, bao gồm:

     • Người lao động trượt ngã khỏi thùng xe hoặc sàn nâng,

     • Hàng hóa rơi khỏi thùng xe  hoặc sàn nâng,

     • Mất kiểm soát hàng hóa trong quá trình thao tác,

     • Các bộ phận trên cơ thể bị va đập hoặc bị cắt khi sàn nâng chuyển động từ mặt đất đến thùng xe,

     • Cơ cấu chuyển động của sàn nâng bị hỏng hóc,

     • Cấu trúc thùng xe hoặc sàn nâng bị hỏng.

Lưu trữ hồ sơ

Các hồ sơ về quá trình đánh giá, kiểm tra và giám sát phải được chủ xe lưu giữ và luôn có một bản sao báo cáo kết quả kiểm tra trong cabin của xe.

Xem xét quy trình làm việc của thiết bị nâng thùng sau

Phòng ngừa rơi ngã trong thùng xe hoặc trên sàn nâng

Ngoài việc xem xét các bộ phận chuyển động, cần phải hết sức cẩn thận khi làm việc với thiết bị nâng thùng sau. Người sử dụng lao động nên xem xét kỹ càng bề mặt của thùng xe và sàn nâng để đánh giá khả năng trượt ngã. Mặc dù luật pháp không quy định nhưng khi thiết kế thiết bị nâng thùng xe, một vài nhà sản xuất vẫn thiết kế lan can bảo vệ và tăng cường khả năng chống trượt cho bề mặt của thùng xe. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ pháp lý trong việc xác định, đánh giá rủi ro cũng như áp dụng các biện pháp an toàn cần thiết.

Việc lựa chọn giày bảo hộ chống trượt phù hợp cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng trong việc phòng tránh trượt ngã trong thùng xe và trên sàn nâng.

Các biện pháp phòng ngừa trượt ngã, đối với người vận hành và hàng hóa, có thể chia thành một vài nhóm như sau:

     • Cửa/lan can an toàn (cố định, có thể gập hoặc tháo rời),

     • Gờ chắn hàng hóa (tích hợp sẵn vào sàn nâng hoặc có thể lắp thêm vào cạnh của sàn nâng để tránh hàng hóa lăn hoặc trượt),

     • Thiết bị phụ trợ ví dụ như tấm chắn, cầu nối dạng tấm kim loại, miếng kê lên dốc để có thể sử dụng làm vật chèn chống lăn, trượt hàng hóa,

     • Dây kéo/dây đai an toàn,

     • Các loại sàn nâng có bề mặt chống chơn trượt.

Những bộ phân trên nên được lắp cố định vào thiết bị nâng thùng sau (nếu có thể). Tuy nhiên, trong một vài trường hợp chúng vẫn phải có khả năng tháo rời nếu trong quá trình thao tác, các bộ phận này không tương thích với các thiết bị cố định khác.

Lựa chọn vị trí tiến hành nâng thùng sau để đảm bảo an toàn khi sử dụng

Khu vực có sử dụng thiết bị nâng thùng sau cần phải được đánh giá để đảm bảo sự phù hợp trước khi tiến hành nâng hạ hàng hóa. Cần xem xét một số điểm mấu chốt sau:

     • Khu vực để hạ thiết bị nâng thùng sau phải đảm bảo an toàn.

     • Khu vực đỗ xe tải phải đảm bảo an toàn, không gây cản trở cho các loại phương tiện hoặc công việc khác.

     • Chủng loại hàng hóa và phương thức đóng gói phải đảm bảo phù hợp cho quá trình di chuyển.

     • Khối lượng của pa-lét phải đảm bảo cơ động và an toàn, không làm hư hại hoặc mất kiểm soát hàng hóa trong quá trình di chuyển.

     • Bề mặt thùng xe phải đảm bảo phù hợp, không bị dốc hoặc nghiêng.

     • Không có người đi bộ qua khu vực làm việc. Đồng thời, cần có các biển cảnh báo, chăng dây an toàn để ngăn người đi bộ xâm nhập vào khu vực làm việc.

     • Không có xe tải khác đỗ hoặc di chuyển trong khu vực làm việc.

     • Lập kế hoạch và xác nhận lộ trình di chuyển đến điểm giao nhận hàng hóa.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm tập huấn cho người vận hành thiết bị để đảm bảo họ kiểm tra đầy đủ tất cả những điểm đã nêu trên trước khi tiến hành công việc. Những người lao động không được tập huấn sẽ không được tiến hành công việc.

Bảo dưỡng, kiểm tra và giám sát

Ngoài việc kiểm tra của cán bộ giám sát như phân tích ở trên, cần phải tiến hành kiểm tra trước khi sử dụng hàng ngày và có kế hoạch bảo dưỡng định kỳ tùy theo từng quy trình thiết bị nâng thùng sau cũng như điều kiện môi trường làm việc của từng công việc cụ thể. Những công việc này cần phải tuân thủ theo hướng dẫn vận hành và bảo dưỡng của nhà sản xuất. Trong quá trình kiểm tra trước khi sử dụng hàng ngày, chuyên gia giám sát phải đánh dấu, dán các biển thông báo, cảnh báo bằng các loại vật liệu phản quang để người vận hành có thể dễ dàng nhận biết trong quá trình làm việc.

Các biện pháp phòng ngừa tai nạn đối với thiết bị nâng thùng sau:

Biên dịch: Việt Thắng


(Nguồn tin: Health & Safety Authority)