Tháng Hành động về ATVSLĐ lần thứ I năm 2017: Các cấp công đoàn cụ thể hóa hoạt động, gắn với chủ đề “vì lợi ích đoàn viên công đoàn”

Thứ Ba, 26/12/2023, 04:46(GMT +7)

Tháng Hành động về ATVSLĐ lần thứ I năm 2017 sẽ bắt đầu vào tháng 5/2017, thay thế cho việc tổ chức Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ được thực hiện từ năm 2006 đến nay. Tháng Hành động về ATVSLĐ được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1 – 30/5/2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa TNLĐ và BNN”. Đây sẽ là tháng cao điểm để các cấp công đoàn tham gia với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền đồng cấp rà soát lại công tác ATVSLĐ, xây dựng kế hoạch hành động thiết thực, phù hợp, với chủ đề ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề tồn tại nổi cộm, những nguy cơ trọng điểm cần khắc phục ở ngành, địa phương, cơ sở, doanh nghiệp…

Từng ngành, địa phương, cơ sở sản xuất chọn chủ đề Tháng hành động riêng phù hợp

Ngày 20/2/2017, Bộ LĐ-TB và XH đã ban hành Thông tư số 02/2017/BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức Tháng Hành động về ATVSLĐ hằng năm. Đối tượng thực hiện là các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ; các cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ. Bộ LĐ-TB và XH sẽ xây dựng chủ đề chung cho Tháng Hành động; các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh tùy điều kiện cụ thể của mình mà chọn chủ đề riêng phù hợp. Yêu cầu đối với chủ đề của Tháng Hành động về Tháng Hành động về ATVSLĐ phải ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với mục tiêu cụ thể và chứa đựng thông điệp thúc đẩy hành động, nâng cao nhận thức, sự tuân thủ về ATVSLĐ hướng vào những vấn đề trọng tâm, nổi cộm trong công tác ATVSLĐ mà cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, dư luận quan tâm.

Nội dung chủ yếu trong Tháng Hành động về ATVSLĐ là tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ; tuyên truyền đến NSDLĐ và NLĐ các chính sách về ATVSLĐ, tổ chức các chuyên đề về ATVSLĐ; thăm hỏi NLĐ bị TNLĐ, BNN.

Đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh phải xây dựng và triển khai cụ thể chương trình hành động về ATVSLĐ; xây dựng, rà soát, bổ sung nội quy, quy trình làm việc an toàn; tổ chức tự kiểm tra, rà soát, đáng giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ đối với từng thiết bị; tổ chức tập huấn về ATVSLĐ; kiểm định máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tổ chức khám sức khỏe, khám BNN cho NLĐ.

Công đoàn khẳng định vai trò chủ đạo góp phần tổ chức thành công Tháng Hành động về ATVSLĐ

Với vai trò là thành viên Hội đồng BHLĐ quốc gia, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tháng Hành động Quốc gia về ATVSLĐ, ngày 15/2/2017, Tổng LĐLĐVN đã ban hành văn bản số 177/TLĐ về việc chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ lần thứ I, năm 2017. Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn yêu cầu các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành T.Ư, Công đoàn TCty trực thuộc Tổng liên đoàn tham gia với các cơ quan chức năng của Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ tại Bộ, ngành, địa phương với các nội dung phù hợp với chủ đề nêu trên.

Đặc biệt, nội dung, chương trình tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động về ATVSLĐ cần gắn với các hoạt động của Tháng Công nhân năm 2017 và gắn với chủ đề hoạt động công đoàn năm 2017 “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”; đồng thời cần được cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ngành, cơ sở; đảm bảo các hoạt động phải thiết thực, hiệu quả, tập trung hướng về cơ sở, doanh nghiệp và NLĐ. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tăng cường phối hợp với chính quyền, NSDLĐ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, NLĐ về ATVSLĐ…

Đồng thời, Tổng liên đoàn cũng yêu cầu các cấp công đoàn căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ hướng vào chủ đề, nội dung của Tháng Hành động; tổ chức giám sát và tham gia, phối hợp với cơ quan chức năng của ngành, địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ trong đó tập trung vào việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ, đặc biệt là việc huấn luyện cho NLĐ làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, NLĐ mới được tuyển vào làm việc, NLĐ chuyển công việc khác hoặc do thay đổi công nghệ… Ở các doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLĐ, BNN, điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại và sử dụng nhiều lao động.

CĐCS khu vực doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với NSDLĐ rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động cụ thể về ATVSLĐ, tổ chức huấn luyện đầy đủ về ATVSLĐ cho NLĐ gắn với thực hành, thao diễn xử lý các sự cố kỹ thuật; rà soát, bổ sung các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ; tự kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức phát động phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào “Xanh – Sạch – Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”…, phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện lao động; xây dựng văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc; tổ chức hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi; tổ chức thăm hỏi nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN…

P.V


(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ số 3/2017)