Thiết kế và bố trí nơi làm việc nhằm giảm thiểu phơi nhiễm tiếng ồn

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:46(GMT +7)

Khi cân nhắc một nơi làm việc mới hoặc cải tạo nơi làm việc hiện có, các hiện tượng phát tán tiếng ồn và phơi nhiễm tiếng ồn có thể được giới hạn bằng cách cẩn trọng lựa chọn thiết kế, cách bố trí và các chất liệu xây dựng được sử dụng cho công trình.

Ví dụ, sử dụng các vật liệu hấp thụ phù hợp bên trong công trình xây dựng có thể giảm bớt hoặc hạn chế các tác động của âm thanh phản xạ (cần sự hỗ trợ của chuyên gia để đạt hiệu quả).

Các đường truyền tiếng ồn có thể thấy tại nơi làm việc

Quản lý rủi ro tiếng ồn sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu giới hạn được số lượng người lao động bị phơi nhiễm. Việc lập kế hoạch chi tiết có thể tách những máy móc gây ồn khỏi khu vực tiến hành những hoạt động thao tác yên tĩnh, giảm bớt yêu cầu về kiểm soát tiếng ồn sau khi nơi làm việc bắt đầu đi vào hoạt động. Số lượng người lao động làm việc tại các khu vực ồn cần duy trì ở mức thấp nhất có thể.

Sử dụng tấm hấp thụ âm thanh

Khi tính đến việc sử dụng vật liệu hấp thụ tiếng ồn để thay đổi đặc tính về âm thanh của một khu vực làm việc cần ghi nhớ:

– Các yếu tố môi trường và nơi làm việc: vật liệu hấp thụ sẵn có dưới các dạng được thiết kế để chịu được những ảnh hưởng vật lý và thích nghi với các môi trường vệ sinh hoặc có thể hấp thụ dầu và nước…;

– Có thể gây thiếu hụt ánh sáng tự nhiên nếu tấm hấp thụ âm thanh được lắp đặt trên trần nhà;

– Việc bổ sung thêm vật liệu hấp thụ lên các bức tường và trần nhà sẽ chỉ tác động đến âm thanh phản xạ và âm thanh dội lại chứ không tác động trực tiếp lên đường truyền của âm thanh.

Phân tách hoạt động của tiếng ồn

Các tấm che và lớp chắn – đặt một lớp chắn giữa nguồn phát ra tiếng ồn và người lao động

Các tấm che, lớp chắn hoặc tường ngăn có thể được đặt giữa nguồn phát ra tiếng ồn và người lao động nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu âm thanh trực tiếp. Các lớp chắn cần được làm bằng vật liệu đặc như gạch hoặc thép tấm, hay cũng có thể sử dụng gỗ ván dăm hoặc thạch cao tấm.

Các tấm che và lớp chắn sẽ phát huy tác dụng khi được đặt gần nguồn gây tiếng ồn hoặc gần người lao động đang cần được bảo vệ. Các vật liệu này càng cao và rộng, thì càng phát huy tác dụng, đặc biệt đối với các phòng có trần cao và được trang bị tấm hấp thụ âm thanh.

Phủ các tấm che hoặc lớp chắn bằng vật liệu hấp thụ tiếng ồn lên mặt hướng về nguồn gây tiếng ồn sẽ giúp tăng hiệu quả giảm thiểu âm thanh phản xạ lại vào khu vực có nguồn gây tiếng ồn. Nơi làm việc được xử lý như trên sẽ giúp tạo ra các điều kiện cho phép tấm che hoặc lớp chắn phát huy tối đa hiệu quả, bởi trong các trường hợp này âm thanh trực tiếp sẽ là nguồn chủ đạo.

Cảnh báo: Khi sử dụng các tấm che hoặc lớp chắn cần lưu ý:

– Các tấm che hoặc lớp chắn có thể hoạt động không hiệu quả ở tần số (âm thanh) thấp.

– Các tấm che và lớp chắn phát huy hiệu quả tốt nhất trong việc giảm tiếng ồn trực tiếp và không tác động đến tiếng ồn phản xạ.

– Luôn đặt tấm chắn và lớp che càng gần nguồn gây tiếng ồn hoặc vị trí của người lao động càng tốt.

– Tấm che hoặc lớp chắn cần được làm bằng vật liệu đặc và được đặt cùng với vật liệu hấp thụ âm thanh hướng về phía nguồn gây tiếng ồn.

– Luôn chú ý tới các rủi ro về an toàn và sức khỏe khác như việc di chuyển an toàn của người và thiết bị máy móc, khi tiến hành đặt các lớp chắn tại nơi làm việc.

Nơi tránh ồn – buồng giảm ồn cho người lao động

Nơi tránh ồn có thể là một giải pháp thực tế trong những trường hợp việc kiểm soát tiếng ồn gặp khó khăn, hoặc tại nơi không cần liên tục phải có mặt tại khu vực có tiếng ồn. Thiết kế nơi tránh ồn sẽ tương tự như buồng cách âm, dù mục đích là để giữ tiếng ồn ở bên ngoài chứ không phải ở bên trong, do vậy việc lót các bề mặt bên trong nơi tránh ồn bằng vật liệu hấp thụ âm thanh là không cần thiết.

Nếu các biện pháp kiểm soát máy móc được thực hiện bên trong buồng tránh ồn, và cho phép kiểm tra hoặc rà soát máy móc và các quá trình sản xuất từ xa, thì cần giảm thiểu tối đa lượng thời gian mà người lao động tiến hành các hoạt động ở bên ngoài buồng tránh ồn – từ đó tăng tối đa lợi ích của việc xây dựng nơi tránh ồn. Ví dụ, một buồng tránh ồn được sử dụng chỉ trong vòng ½ ca làm việc sẽ giảm bớt phơi nhiễm tiếng ồn tối đa không quá 3dB.

Người lao động được phép ra vào buồng tránh ồn. Điều này có nghĩa là các buồng tránh ồn phải có kích thước hợp lý, được chiếu sáng và thông gió phù hợp, đồng thời có vị trí ngồi phù hợp với yêu cầu về ecgônômi.

Cảnh báo: Kiểm tra thiết kế buồng tránh ồn nhằm đảm bảo:

– Hệ thống thông gió phù hợp;

– Cửa ra vào đạt chuẩn và cửa sổ kín khít;

– Các cửa ra vào tự đóng;

– Vật liệu xây dựng đặc, với nhiều cửa sổ lắp kính kép cách âm;

– Tách biệt khỏi sàn nhà nhằm giảm thiểu các rung động do cấu trúc;

Kích thước – đủ rộng.

Khoảng cách – tăng khoảng cách giữa nguồn phát ra tiếng ồn và người lao động

Tăng khoảng cách giữa người lao động và nguồn phát ra tiếng ồn có thể làm giảm đáng kể phơi nhiễm ồn. Ví dụ:

– Điều chỉnh việc xả từ các nguồn ra xa khỏi vị trí người lao động, ví dụ như dùng một ống cao su mềm đàn hồi xả cách người vận hành vài mét. Tương tự như vây, trên một thiết bị di động chạy bằng động cơ đốt trong thì đường xả có thể được giữ cách xa khỏi vị trí lái;

– Sử dụng thiết bị điều khiển từ xa hoặc tự động để tránh tình huống người lao động phải ở bên cạnh máy trong một khoảng thời gian dài;

– Tách những quy trình gây ồn nhằm ngăn chặn số lượng người phơi nhiễm với các mức ồn cao, ví dụ: kiểm tra động cơ trong buồng thử nghiệm chỉ cần vào khi cần thiết, sắp xếp tiến hành các nhiệm vụ thanh tra yên lặng xa khỏi các khu vực sản xuất gây tiếng ồn, bố trí máy nổ và hệ thống làm lạnh ở các phòng riêng biệt.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: http://www.hse.gov.uk)