An toàn hóa chất: Lập kế hoạch khẩn cấp và quy trình cấp cứu

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:26(GMT +7)

1. Lập kế hoạch khẩn cấp

Việc lập kế hoạch khẩn cấp là sự dự phòng các biện pháp phòng ngừa để kiểm soát các mối nguy hóa chất. Người sử dụng lao động ở nơi có sử dụng hóa chất nguy hiểm phải đánh giá:

– Điều gì có thể xảy ra để gây ra tình huống khẩn cấp (nguyên nhân);

– Mối nguy hiểm nào có thể đe dọa con người do sự khẩn cấp đó (hậu quả);

– Các mối nguy đó có thể được giảm thiểu bằng các biện pháp khắc phục hậu quả và cứu hộ được lên kế hoạch như thế nào (kiểm soát).

Một kế hoạch khẩn cấp cần được xây dựng dựa trên các mối nguy cụ thể liên quan đến các hóa chất sử dụng hoặc các quá trình liên quan. Bản kế hoạch đó phải bao gồm các nội dung:

– Đánh giá bản chất và mức độ của sự kiện;

– Các hành động được thực hiện tại chỗ:

* Các phối hợp cấp cứu;

* Các quy trình chữa cháy;

* Các bố trí cứu hộ và sơ tán;

* Các quy trình tiêu độc.

– Thiết lập và điều hành một trung tâm kiểm soát khẩn cấp để phối hợp các hoạt động giải cứu và giảm thiểu;

– Mối liên lạc với các cơ quan liên quan bao gồm các dịch vụ khẩn cấp.

2. Các thủ tục cấp cứu

Xử trí khẩn cấp tiêu chuẩn các nạn nhân liên quan đến các sự cố hóa chất như sau:

– Bắn lên da:

* Cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn và xối bằng nước ít nhất 10 phút;

* Đưa đi bộ phận y tế.

– Bắn vào mắt:

* Xối mắt bằng nước vài phút;

* Đưa đi xử lý y tế.

– Hít thở phải khí hoặc hơi:

* Đưa nạn nhân ra khu vực an toàn;

* Áp dụng các hồi sức tim, phổi nếu ngừng thở;

* Đưa đến bộ phân y tế ngay lập tức.

– Nuốt phải hóa chất độc:

* Rửa miệng bằng nước;

* Không được gây nôn;

* Đưa nạn nhân đến bộ phận y tế.

Trong mọi trường hợp khi bị bắn, hít thở và nuốt phải hóa chất độc và ăn mòn thì cần cung cấp cho những người cấp cứu và nhân viên y tế những thông tin về hóa chất, phiếu MSDS để họ xử trí đúng. Thông tin này thường được tìm thấy trong MSDS của hóa chất.


(Nguồn tin: Tài liệu Bảo hộ lao động, NXB Lao động 2012)