Hóa chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh: hiểu rõ rủi ro nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:27(GMT +7)

Nhiều người lao động (NLĐ) ở Châu Âu đang phải tiếp xúc với các loại hóa chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh có thể ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, dây thần kinh ngoại biên và các cơ quan cảm giác. Bên cạnh các biện pháp phòng ngừa, việc giám sát chặt chẽ và kiểm soát sự tiếp xúc với các hóa chất loại này là rất cần thiết nhằm đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ và tại nơi làm việc.

Hóa chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh và hệ thần kinh

Hệ thần kinh là một mạng lưới phức tạp bao gồm các dây thần kinh và tế bào mang thông tin từ não và tủy sống đến và đi tới các bộ phận khác nhau của cơ thể. Các loại hóa chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh có thể tăng cường, ngăn chặn hoặc ức chế dẫn truyền thần kinh, gây ra thay đổi về hóa học hay cấu trúc của hệ thần kinh. Hệ thần kinh đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các khí độc thần kinh, điều này giải thích tại sao vũ khí hóa học hiệu quả nhất là các chất độc thần kinh như Tabun, Sarin và khí VX.

Các chất độc thần kinh chứa các nguyên tố tự nhiên như chì, thủy ngân và mangan; các hợp chất sinh học như ethanol, còn gọi là rượu, được sản xuất ở nhiều nơi như nhà máy bia và các khu vực trồng nho sản xuất rượu vang; độc tố botulinum (Botox), độc tố uốn ván (có trong ngành công nghiệp thực phẩm và y tế), độc tố tetrodotoxin (từ cá nóc, một đặc sản của Nhật Bản), và axit domoic (từ thịt trai tại khu vực bị ô nhiễm); các loại khí phát sinh từ sản xuất như carbon monoxide (CO) hoặc carbon dioxide (CO2); và các chất tổng hợp bao gồm nhiều loại thuốc trừ sâu, dung môi công nghiệp và monome.

Tác dụng gây ngộ độc thần kinh

Tiếp xúc với các hóa chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh có thể gây ra các triệu chứng ở mức độ thấp như đau đầu, chóng mặt và nôn mửa; đến những thay đổi sinh hóa/sinh lý/thần kinh và hình thái nghiêm trọng hơn và không thể chữa trị. Các chất độc thần kinh đã được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer và các bệnh về não [1].

Việc tiếp xúc với các chất độc thần kinh cũng có thể dẫn đến những thay đổi trong cơ thể và tâm trí, được gọi là Hội chứng tâm thần thực tổn (Organic Psycho Syndrome). Các triệu chứng từ rất nhẹ đến nặng và có thể xảy ra ngay lập tức hoặc dần dần theo thời gian. Chúng có thể bao gồm các vấn đề về giấc ngủ, sự thay đổi tính cách và mất trí nhớ ngắn hạn.

Nhiều ngành công nghiệp sử dụng dung môi hữu cơ có khả năng gây ngộ độc thần kinh trong các quy trình hóa học hoặc kỹ thuật. Chúng thường là chất lỏng ở nhiệt độ phòng và dễ dàng bay hơi. Chúng chủ yếu xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, nhưng một số cũng có thể thấm qua da. Hóa chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh cũng có trong một số loại thuốc trừ sâu, gây rủi ro cho lao động nông nghiệp, công nhân đường bộ/đường sắt và NLĐ lâm nghiệp.

Các biện pháp phòng ngừa

Để giữ an toàn cho NLĐ khỏi tác động của các chất độc thần kinh, người sử dụng lao động nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa [2] có thể làm giảm đáng kể rủi ro cho NLĐ.

     * Cần đánh giá liệu một chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh có cần thiết ở nơi làm việc, hay liệu có thể thay thế chất này bằng một chất ít gây hại hơn.

     * Cần đánh giá rủi ro về an toàn và sức khỏe của tất cả các hợp chất hóa học được đưa vào nơi làm việc.

     * Cần thực hiện các biện pháp kiểm soát kỹ thuật – ví dụ: kiểm soát hệ thống thông gió, các thiết bị sản xuất khép kín – để giữ mức tiếp xúc của NLĐ với các chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh dưới ngưỡng giới hạn cho phép.

     * Cần thực hiện các biện pháp kiểm soát hành chính như lập kế hoạch, đào tạo, luân chuyển nhân viên, thay đổi quy trình sản xuất, thay thế sản phẩm và tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định hiện hành.

     * Cần sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) khi các biện pháp kiểm soát kỹ thuật khác không khả thi nhằm giảm bớt tiếp xúc của NLĐ với các chất độc thần kinh.

     * ​Cần thực hiện giám sát sức khỏe của NLĐ, bao gồm kiểm tra y tế thường xuyên và phân công lại vai trò trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào của việc nhiễm độc thần kinh.

NLĐ thường sẽ gặp các triệu chứng và ảnh hưởng sau khi đã giảm/ngừng tiếp xúc hoặc khi tiếp xúc ở mức rất thấp. Do đó, việc theo dõi cẩn thận lịch sử phát triển bệnh và mối liên hệ của bệnh với mức tiếp xúc tích lũy theo thời gian là rất cần thiết.

Thay thế các dung môi có khả năng gây ung thư và gây ngộ độc thần kinh trong ngành thuộc da

Nghiên cứu tình huống tại một công ty giày da ở Tây Ban Nha đã nhấn mạnh những mối nguy hiểm NLĐ phải đối mặt khi tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất. Trong trường hợp này là các hóa chất dung trong thuộc da, nhuộm, hoàn thiện và gia công đế giày. NLĐ bắt đầu báo cáo các triệu chứng như chóng mặt, nôn mửa và đau đầu. Một nữ công nhân bị động kinh sau 10 giờ làm việc liên tục với các dung môi trong quá trình thuộc da. Cô phải chịu thêm vài cơn co giật và phải chữa trị y tế trong vài năm, do đó không thể mang thai trong thời gian điều trị.

Để khắc phục, công ty đã tuân theo tất cả các biện pháp phòng ngừa được liệt kê ở trên, bao gồm luân phiên lao động để giảm thời gian tối đa làm việc tại khu vực thuộc da xuống còn 2 giờ và đưa ra quy trình báo cáo mới trong trường hợp máy nén khí bị trục trặc.

Các biện pháp được áp dụng đã giúp cải thiện điều kiện làm việc, đồng thời, kinh nghiệm thực hiện toàn bộ quá trình giúp nâng cao nhận thức của NLĐ và cộng đồng về tầm quan trọng phải phòng tránh rủi ro do các chất độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Việc tổ chức đào tạo và cung cấp thông tin về các biện pháp phòng ngừa là chìa khóa cho sự thành công của các hoạt động can thiệp.

Những hoạt động đang tiến hành?

Nhiều quốc gia Châu Âu đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng dung môi và các hóa chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh, bao gồm thông qua việc áp dụng các mức tiếp xúc nghề nghiệp nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, rủi ro do tiếp xúc với các chất có khả năng gây ngộ độc thần kinh vẫn còn đáng kể trong nhiều ngành nghề và công việc. Một nghiên cứu gần đây của Hiệp hội ATVSLĐ Châu Âu (EU-OSHA): “Phương pháp căn cứ trên dữ liệu để đánh giá tiếp xúc với chất nguy hiểm tại nơi làm việc ở Châu Âu”, đã xác nhận rằng các chất độc thần kinh gây nguy cơ đáng kể cho NLĐ.

Biên dịch: Hoàng Phương


(Nguồn tin: healthy-workplaces)