Môi trường lao động của ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ vùng biển miền Trung Việt Nam

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:25(GMT +7)

Nghề thủy sản Việt Nam đã tồn tại và phát triển từ lâu đời, hiệu quả kinh tế ngày càng cao góp phần thúc đẩy sự tiến bộ chung trên phương diện kinh tế cả nước của ngành thủy sản. Tuy nhiên có thể thấy rằng việc khai thác của Việt Nam còn có nhiều hạn chế, chưa xứng đáng với tiềm năng thủy sản dồi dào mà thiên nhiên ban tặng. Hầu hết các tàu đánh bắt có công suất nhỏ, năng suất thấp. Ở miền Trung, đội tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu sử dụng 5 công nghệ: Lưới kéo (50%), lưới rê (10%), lưới chụp (10%), lưới vây (15%). Công suất tàu được sử dụng tùy theo công nghệ đánh bắt. Số lượng tàu công suất lớn hơn 400CV được sử dụng chủ yếu cho công nghệ lưới kéo, lưới vây và lưới chụp. Các công nghệ còn lại sử dụng tàu công suất nhỏ hơn 400CV. Tuổi đời trung bình của ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ là 43 ± 15,5 tuổi và tuổi nghề trung bình là 20,3 ± 14,3 năm.

Trên tàu đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân phải làm việc trong điều kiện khí hậu khăc nghiệt của biển và điều kiện bất lợi trên tàu biển. Khí hậu trên biển, nắng, gió biển, sóng biển và những hiểm nguy luôn rình rập như giông bão là những yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động. Thêm vào đó, tiếng ồn, rung lắc, không gian làm việc chật hẹp, thiếu vệ sinh, điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe có hạn tạo ra môi trường lao động có tính đặc thù riêng của ngành khai thác biển. Môi trường lao động trên biển là nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe và cơ cấu bệnh tật của người lao động trên biển. Bên cạnh đó, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình và thủy vực phức tạp, khả năng dự đoán  tình hình thời tiết còn thiếu tính chính xác và chưa kịp thời, khả năng truyền thông, truyền tin liên lạc còn khá hạn chế gây ra nhiều tổn thất to lớn. Cuộc sống của người lao động trong nghề vẫn còn nhiều vất vả, bấp bênh do đó không tạo được sự gắn kết với nghề.

Thực tế cho thấy công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trên tàu cũng như bảo đảm sức khỏe của ngư dân đánh bắt xa bờ còn chưa hoàn thiện. Với mong muốn góp phần nghiên cứu cải thiện điều kiện lao động của ngư dân đánh bắt xa bờ, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động đã tiến hành điều tra, đánh giá điều kiện lao động của ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ vùng biển miền Trung và đề xuất được một số nội dung nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn lao động cho ngư dân.

Kết quả khảo sát môi trường lao động ở các tàu đánh bắt xa bờ cho thấy, ngư dân đánh bắt xa bờ chủ yếu làm việc ngoài trời, ngày cũng như đêm, thời gian làm việc không cố định, kéo dài. Điều kiện vi khí hậu trên tàu tương đối khắc nghiệt. Có 54,62% trong 2296 vị trí khảo sát điều kiện vi khí hậu vượt TCVSCP, nhiệt độ cao nhất lên đến 40oC. 73,3% trong tổng số 2296 vị trí đo độ ẩm không đạt TCVSCP. Đặc biệt, khi làm việc trên biển, ngoài trời, bức xạ nhiệt đo được rất cao (kết quả khảo sát cho thấy có 47,24% trong 1179 điểm vượt TCVSCP).

Ngư dân trên biển làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Nghiêm trọng nhất là làm việc một mình vào ban đêm dễ gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động. Có những ca đêm ngư dân hoàn toàn làm việc một mình trong bóng tối. Nhìn chung kết quả khảo sát cho thấy có 63,56% trong 2188 điểm đo ánh sáng không đảm bảo TCVSCP.

Rung lắc trên tàu là yếu tố quan trọng tác động gây nên tai nạn lao động cho ngư dân. Quá trình đánh cá chủ yếu xẩy ra ở trên boong. Dưới tác động của sóng biển, con tàu luôn lắc lư dao động là nguyên nhân của các vụ tai nạn ngã xuống biển, trơn trượt (theo kết quả khảo sát trên 20 con tàu đã có 10 vụ ngã xuống biển). Do điều kiện kỹ thuật, đề tài chưa thể đo được độ rung lắc của tàu do sóng biển nên chưa thể đánh giá chính xác tác động của nó đến ngư dân. Nghiên cứu này mới khảo sát sự rung cục bộ xảy ra do hoạt động của máy tàu tại hầm máy tác động trực tiếp đến nơi sinh hoạt của ngư dân. Theo kết quả khảo sát, có 4,61% trong 1019 điểm đo vượt TCVSCP.

Tiếng ồn tác động thường xuyên đến sức khỏe người lao động, là nguyên nhân gây tác động đến hệ thần kinh làm cho hoạt động của con người không chuẩn xác, dẫn đến tai nạn lao động. Tiếng ồn trên tàu chủ yếu có nguồn gốc từ tiếng máy tàu và tiếng sóng biển. Có 25,3% trong tổng số 2496 điểm đo vượt TCVSCP. Cường độ ồn cao nhất lên đến 111dBA.

Kết quả khảo sát, nồng độ hơi khí độc cho thấy, trên tàu xuất hiện một số khí độc vượt TCVSCP (khí NO2 và SO2). Có 4,15% trong 2000 điểm đo NO2; 0,67% trên 448 điểm đo CO2 và 4,15% trên 2000 điểm đo nồng độ SO2 vượt TCVSCP.

Kết quả bước đầu của nhóm nghiên cứu cho thấy người lao động đánh bắt xa bờ trên vùng biển miền Trung đang phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt, có khả năng ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm sinh lý. Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho ngư dân, trước hết chủ tàu và ngư dân cần phải có ý thức tự bảo vệ mình trong quá trình làm việc, phải kịp thời ngăn ngừa những yếu tố nguy hiểm do thiết bị, máy móc không đảm bảo an toàn và có sự phân công, kiểm tra quá trình làm việc trên tàu. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động nhằm xây dựng biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn trong quá trình hoạt động.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu bước đầu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ với các nội dung: Xây dựng chương trình quản lý rủi ro nghề nghiệp; Nghiên cứu bổ sung việc phân loại điều kiện lao động của ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ; Nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp của ngư dân đánh bắt xa bờ; Nghiên cứu cải thiện hệ thống động lực của tàu, các hệ thống thiết bị an toàn trên tàu; Nghiên cứu thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Nghiên cứu nội dung, hình thức tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho ngư dân.

TS. Nhan Hồng Quang

Phân viện BHLĐ và Bảo vệ môi trường miền Trung – Tây Nguyên


(Nguồn tin: Nilp.vn)