Nhận dạng các mối nguy hóa học

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:26(GMT +7)

Việc nhận dạng hoặc nhận ra các mối nguy hóa học đòi hỏi có kiến thức về quá trình, vận hành hoặc các hoạt động sản xuất, thông tin về hóa chất được sử dụng, cách thức, các điều kiện sử dụng, tần suất, thời gian phơi nhiễm và các biện pháp kiểm soát được áp dụng. Sự cảm nhận đóng vai trò quan trọng trong hoạt động này. Việc quan sát có thể giúp xác định nguồn sinh bụi. Nhiều khí và hơi cũng có thể được phát hiện thông qua cảm nhận mùi.

Mặc dù các giác quan của chúng ta có thể có ích trong việc nhận ra sự có mặt hoặc mức độ các chất ô nhiễm trong không khí, song điều quan trọng là cần biết những hạn chế của cách nhận diện mối nguy đó. Ví dụ hydro sunphua có mùi trứng thối đặc trưng ở nồng độ thấp, tuy nhiên ở nồng độ cao thì mũi ta khó nhận biết được mùi trứng thối do sự mệt mỏi của cơ quan khứu giác.

Cần biết lượng tồn lưu của mọi hóa chất độc và nguy hiểm được sử dụng hay được sản xuất ở nhà máy. Thêm vào đó, cần xác định rõ mọi quá trình và mọi vị trí liên quan đến việc sử dụng hóa chất. Ngoài ra, cần xem xét các nguyên liệu, các chất trung gian, các sản phẩm và sản phẩm phụ liên quan đến các quá trình sản xuất.

Từng quá trình liên quan đến hóa chất phải được kiểm tra để nhận dạng mối nguy liên quan đến hoạt động bình thường, các chế độ vận hành bất thường và các tình huống khẩn cấp. Mọi quá trình hoặc hoạt động liên quan đến hóa chất có thể gây tổn thương cho cơ thể hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe do hít thở, ăn phải, hoặc phơi nhiễm qua da cần được xếp vào loại mối nguy tiềm tàng.

1. Mối nguy hiểm của các dung môi hữu cơ

Đối với các dung môi hữu cơ độc, chỉ hiểu biết các ảnh hưởng độc tính là không đủ để đánh giá mối nguy tiềm tàng của các dung môi. Áp suất hơi, các điều kiện thông gió và cách thức sử dụng sẽ quyết định nồng độ hơi dung môi trong không khí. Ở nơi có trên 2 hóa chất có các ảnh hưởng độc tính tương tự nhau cùng có mặt trong không khí ở chỗ làm việc thì cần lưu ý các ảnh hưởng tới sức khỏe do sự kết hợp của các hóa chất đó.

Đối với các chất lỏng dễ bay hơi, nhiệt độ bốc cháy, biên độ cháy và các yếu tố khác sẽ quyết định tiềm năng cháy và nổ.

2. Nhận dạng các mối nguy hiểm hóa học trong các quá trình công nghiệp

Trong công nghiệp, cần nắm rõ những vấn đề về tính an toàn của các hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất trừ phi những thông tin cụ thể cho thấy rõ quá trình đó đã được kiểm soát. Các vấn đề đó là:

– Cần xem xét để xác định xem các sản phẩm phụ nào ở mọi quá trình liên quan với sự cháy có thể bị phát tán ra môi trường sản xuất.

– Cần nghiên cứu về độc tính của các khói hoặc bụi kim loại sinh ra ở các quá trình liên quan đến việc nấu chảy kim loại.

– Cần xác định khả năng tạo ra ozon và các oxit nitơ ở các quá trình liên quan đến việc phóng điện trong không khí.

– Xay (đặc biệt là các công đoạn xay khô và nổ mìn) hoặc nghiền nhỏ mọi vật liệu làm xuất hiện mối nguy hiểm bụi của vật liệu xay và vật liệu được nghiền.

– Xay ướt các vật liệu có thể làm xuất hiện mối nguy hiểm của sương, mù.

– Vận chuyển, sàng hoặc rây các vật liệu khô đều làm xuất hiện mối nguy hiểm bụi.

– Trộn vật liệu khô làm xuất hiện mối nguy hiểm bụi.

– Trộn vật liệu ướt có thể làm xuất hiện các mối nguy về hơi và sương dung môi.

– Cần kiểm tra các mối nguy phơi nhiễm với chất bôi trơn và hít phải sương chất bôi trơn khi uốn, định hình hoặc cắt lạnh kim loại hoặc á kim.

– Việc uốn nóng, định hình hoặc cắt kim loại và á kim có thể xuất hiện các mối nguy về sương chất bôi trơn, các sản phẩm phân hủy của chất bôi trơn và hít phải sương của chất bôi trơn và bụi.

– Cần kiểm tra về khả năng các mối nguy do hít phải và phơi nhiễm với dung môi kích ứng. Độc hại và hít phải các chất mầu độc hại ở các quá trình sơn và phủ.

– Việc nổ mìn sẽ liên quan với các khí nổ chứa nhiều cacbon monoxit và các oxit nitơ, bụi.


(Nguồn tin: Tài liệu Bảo hộ lao động, NXB Lao động 2012)