Nỗi đau tai nạn lao động nơi mỏ đá Lèn Na

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:04(GMT +7)

Mỏ đá Lèn Na (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) là địa bàn khai thác của Xí nghiệp Sản xuất Vật liệu Xây dựng Cosevco 12 và Cosevco 16 (của Công ty Cosevco I), chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay đã xảy ra ít nhất hai vụ TNLĐ chết người được cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, lập biên bản. Tại mỏ đá này, công tác ATVSLĐ đáng báo động với nhiều vi phạm của đơn vị khai thác… Đáng buồn là, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại mỏ đá này.

Mỏ đá Lèn Na nơi xảy ra TNLĐ chết người

Khoảng 10 giờ ngày 28/10/2015, một nhóm công nhân gồm 5 người đang khoan đá ở mỏ đá Lèn Na thuộc xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng Cosevco 12 ở xã Tiến Hóa làm việc tại vị trí khoan có độ cao cách mặt đất 30m. Lúc chuẩn bị giao ca và đang di chuyển xuống đất thì ông Mai Xuân Hiền (sinh 1964, trú thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa) bị trượt chân rơi xuống vách đá. Đồng thời, đá lở rơi trúng người một công nhân khác khiến người này bị thương phải đi cấp cứu. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, thi thể ông Hiền đã được đưa về an táng và phía Xí nghiệp Sản xuất Vật liệu Xây dựng Cosevco 12 đã hỗ trợ gia đình phí mai táng, đồng thời giải quyết chế độ cho nạn nhân. Được biết, Xí nghiệp Sản xuất Vật liệu Xây dựng Cosevco 12 có 2 mỏ đá Lèn Na và Lèn Bảng.

Vào ngày 7/8/2014, một vụ TNLĐ chết người cũng xảy ra tại mỏ đá Lèn Na. Nạn nhân là Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1983, trú thôn Đông Thủy, xã Tiến Hóa) trong lúc trèo lên điểm khoan để nổ mìn, bị trượt chân và rơi xuống núi đá ở độ cao khoảng 15m đã tử vong. Đáng nói là, anh Huy không phải là công nhân của đơn vị nào trong số hai xí nghiệp đang khai thác tại mỏ đá Lèn Na là Xí nghiệp Sản xuất Vật liệu Xây dựng Cosevco 12 và Cosevco 16 (của Công ty Cosevco I) mà là “người lạ” lọt vào khu vực khai thác đá. Anh Huy – người không có nhiệm vụ đã vào làm việc tại khu vực công trường khai thác mà chưa được sự đồng ý của Giám đốc điều hành mỏ! Lý giải cái chết tức tưởi của anh Huy, ông Nguyễn Đức Hiền – Giám đốc Xí nghiệp Sản xuất Vật liệu Xây dựng Cosevco 12 đã thừa nhận việc quản lý mỏ chưa tốt khi anh Huy đã tự ý đi cùng một công nhân của công ty vào làm việc tại mỏ rồi… bị nạn. Cách lập luận này phần nào đã cho thấy sự lỏng lẻo trong quản lý công tác ATVSLĐ tại các xí nghiệp này.

Theo thống kê, từ tháng 7/2014 đến nay, tại khu vực mỏ đá Lèn Na do công ty cổ phần sản xuất Vật liệu Xây dựng Cosevco I quản lý đã xảy ra 3 vụ TNLĐ làm 2 người chết, 2 người bị thương. Trước đó, tại các mỏ đá của xí nghiệp này đã xảy ra nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Gần đây vào tháng 6/2015, cũng xảy ra một vụ TNLĐ khiến 1 người chết và một người bị thương nặng. Đây là hồi chuông báo động sự mất ATLĐ của các đơn vị quản lý và khai thác mỏ đá … Đồng thời còn cho thấy sự thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc giám sát, nắm bắt tình hình lao động khiến đơn vị khai thác dễ dàng thuê mướn lao động thời vụ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ. Doanh nghiệp thì chủ định không khai báo tình hình sử dụng lao động, không thực hiện nghiêm túc những quy định của pháp luật về BHLĐ khiến các cơ quan chức năng không nắm rõ. Theo phản ánh của người dân sống ở khu vực này, hàng ngày các máy xay đá chạy ầm ầm, xe chở đá rầm rập nối đuôi nhau ra vào mỏ khiến bụi bốc lên mù mịt, làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tại lưng chừng lèn, lưng chừng núi, các công nhân không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có nhưng không đúng quy cách vẫn bò, bám, miệt mài phá đá bên các vách núi dựng đứng. Khi đánh đá, nổ mìn, các doanh nghiệp cũng không phân công người cảnh giới, chỉ dẫn an toàn. Phương pháp khai thác thường thủ công, thô sơ nên làm rơi những khối đá sót lại sau khi đánh mìn, khiến đá văng bắn tứ tung, như trường hợp công nhân bị thương do đá lở trong vụ TNLĐ xảy ra ngày 28/10/2015 vừa qua…

Hiện nay, Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ATLĐ trong khai thác đá đã quy định rõ, các xí nghiệp khai thác đá khi tiến hành khai thác đá đã quy định rõ, các xí nghiệp khai thác đá khi tiến hành khai thác phải xây dựng phương án thi công và có hộ chiếu nổ mìn, khai thác từ trên cao, cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta-luy và bóc lớp đất phủ bì… Tuy nhiên, thực tế là các xí nghiệp khai thác tại mỏ đá Lèn Na lại tiến hành khai thác từ dưới lên, khoan lỗ, đặt nổ mìn tạo ra các “hàm ếch”. NLĐ thực hiện những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm này lại là lao động thủ công, chưa được huấn luyện chuyên sâu về ATVSLĐ trong khai thác đá. Bên cạnh đó, trong mỗi kỳ tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại đây, các cơ quan chức năng chủ yếu nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính đối với các vi phạm chứ chưa kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc có biện pháp răn đe thích đáng hơn là nguyên nhân góp phần làm cho các đơn vị khai thác chưa nghiêm túc khắc phục những lỗ hổng chết người trong công tác ATVSLĐ.

Trên đất nước ta, còn rất nhiều mỏ đá mang nặng nỗi đau TNLĐ như Lèn Na. Ở những nơi này, doanh nghiệp cố tình không chấp hành quy định pháp luật về ATVSLĐ, cộng thêm NLĐ thiếu hiểu biết về quyền và nghĩa vụ của mình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những cái chết thương tâm. Thiết nghĩ ở những nơi này, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp là vô cùng cần thiết để đảm bảo tính mạng và sức khỏe cho NLĐ.

Hà An


(Nguồn tin: Tạp chí BHLĐ số 11/2015)