Ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật: thực trạng và định hướng xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường

Thứ Sáu, 01/12/2023, 01:50(GMT +7)

I. MỞ ĐẦU

Từ lâu, nhân dân ta đã sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) trong sản xuất nông nghiệp nhằm diệt trừ sâu bệnh gây hại cây trồng để bảo vệ mùa màng. Ngoài ra, cũng có nhiều loại hóa chất được sử dụng trong hóa chất nông nghiệp hoặc trong ngành y tế để diệt muỗi, phòng trừ sốt rét…

Trong những năm của thập kỷ 60 – 90 do sự hiểu biết về HCBVTV còn hạn chế, chỉ coi trọng về mặt tích cực của nó là phòng và diệt dịch hại. Mặt khác do chưa hiểu biết về mặt trái của HCBVTV, xem nhẹ công tác môi trường, công tác quản lý còn lỏng lẽo nên để lại nhiều kho, nền kho, địa điểm chôn vùi HCBVTV. Do lâu ngày không được chú ý đề phòng các hoá chất ngấm vào đất hoặc do điều kiện mưa, lụt đã làm phát tán ngày càng rộng hơn có khả năng gây ô nhiễm trên vùng rộng lớn. HCBVTV tồn lưu không được xử lý an toàn đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh.

Các kho chứa HCBVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu, nền móng để ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm. Hơn nữa, từ trước đến nay các kho không được quan tâm tu sửa, gia cố hàng năm, nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng: Nền và tường kho phần lớn bị rạn nứt, mái lợp đã thoái hóa, dột nát. Hệ thống thoát nước hầu như không có nên khi mưa lớn tạo thành dòng mặt rửa trôi HCBVTV tồn lưu, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và ô nhiễm đất diện rộng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống người dân.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp… vấn đề ô nhiễm môi trường do sử dụng tùy tiện các loại hóa chất trong công nghiệp và HCBVTV trong nông nghiệp đang ngày trở nên nghiêm trọng. Việc sử dụng ngày càng nhiều các chất hữu cơ gây ô nhiễm khó phân hủy (POP) và các loại HCBVTV có độc tính cao đã làm cho mức độ tồn lưu dư lượng các loại hóa chất này trong nông sản, thực phẩm, đất nước, không khí và môi trường ngày càng lớn. Các vụ ngộ độc thức ăn bởi HCBVTV, các loại bệnh tật do ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta hiện nay.

II. THỰC TRẠNG Ô NHIỄM HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT TỒN LƯU

Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường và báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về các điểm tồn lưu do HCBVTV từ thời kỳ bao cấp, chiến tranh, không rõ nguồn gốc hoặc nhập lậu (sau đây gọi tắt là điểm ô nhiễm môi trường do HCBVTV tồn lưu) tính đến tháng 6 năm 2015 trên địa bàn toàn quốc thống kê được 1.562 điểm tồn lưu do HCBVTV trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ theo QCVN 54:2013/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ngưỡng xử lý HCBVTV hữu cơ theo mục đích sử dụng đất thì hiện có khoảng 200 điểm ô nhiễm tồn lưu do HCBVTV có mức độ rủi ro cao gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

2.1. Tồn lưu dưới dạng kho lưu chứa

Các loại HCBVTV tồn lưu gồm rất nhiều chủng loại và ở nhiều dạng khác nhau, từ dạng thuốc, dạng bột, dạng ống, dạng lẫn trong đất và cả loại không còn nhãn mác đa chủng loại… tập trung chủ yếu ở các khu vực kho thuốc của ngành y tế trong chiến tranh; kho cũ của các xã, hợp tác xã, các cơ sở và trong vườn các hộ dân; tại kho của Chi cục bảo vệ thực vật (BVTV), Các trạm BVTV phục vụ nông nghiệp. Theo kết quả điều tra, khảo sát thống kê cho thấy các kho HCBVTV tồn lưu hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn; 37 nghìn lít HCBVTV và 29 tấn bao bì.

Các kho chứa HCBVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu, nền móng để ngăn ngừa khả năng gây ô nhiễm. Hơn nữa, từ trước đến nay các kho không được quan tâm tu sửa, gia cố hàng năm, nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nền và tường kho phần lớn bị rạn nứt, mái lợp đã thoái hóa, dột nát, nhiều kho không có cửa sổ, cửa ra vào được buộc gá tạm bợ; hệ thống thoát nước hầu như không có nên khi mưa lớn tạo thành dòng mặt kéo theo lượng thuốc tồn đọng gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và ô nhiễm đất xung quanh khu vực tồn lưu HCBVTV, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống người dân, thậm trí những tác động này còn ảnh hướng đến hệ thần kinh và giống nòi của những người dân bị nhiễm độc lâu dài do HCBVTV tồn lưu gây ra.

2.2. Tồn lưu dưới dạng khu vực

Ở nước ta, HCBVTV đã được sử dụng từ những năm 40 của thế kỷ trước để phòng trừ các loại dịch bệnh. Đến những năm gần đây, việc sử dụng HCBVTV đã tăng lên đáng kể cả về khối lượng lẫn chủng loại, với hơn 1.000 loại HCBVTV đang được lưu hành trên thị trường. Mặt khác căn cứ vào kết quả báo cáo của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì sau khi xóa bỏ chế độ bao cấp hầu hết các loại hóa chất đều được đem đi chôn lấp hoặc kho trong quá trình  sử dụng do không được quan tâm tu sửa, gia cố hàng năm, nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nền và tường kho phần lớn bị rạn nứt, mái lợp đã thoái hóa, dột nát, nhiều kho không có cửa sổ, cửa ra vào được buộc gá tạm bợ; hệ thống thoát nước hầu như không có nên khi mưa lớn tạo thành dòng mặt kéo theo lượng hóa chất tồn đọng gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và ô nhiễm đất xung quanh khu vực tồn lưu HCBVTV, kết quả điều tra, khảo sát cho thấy các loại HCBVTV tồn lưu trong đất chủ yếu gồm: DDT, Basal, Lindan, thuốc diệt chuột, thuốc diệt gián, muỗi của Trung Quốc, Vinizeb, Echo, Xibuta, Kayazinno, Hinossan, Viben-C, Ridostar… và nhiều loại thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

III. TÁC HẠI CỦA HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT TỒN LƯU ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ CON NGƯỜI

Hóa chất bảo vệ thực vật làm thoái hóa đất, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Hóa chất gây ô nhiễm môi trường thông qua nhiều con đường khác nhau như nước thải từ kho chứa thuốc khi có sự cố đổ vỡ hóa chất, cháy nổ, sét đánh xảy ra, nước mưa chảy tràn qua các kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật đã bị xuống cấp, lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư thừa trong quá trình sử dụng quá liều lượng ngấm vào đất cũng như mạch nước ngầm…

Không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu với bốn tính chất độc hại, khó phân hủy, khả năng di chuyển xa, tích lũy sinh học còn gây ra những ảnh hưởng có hại đối với khả năng sinh sản, sự phát triển, hệ thần kinh, tuyến nội tiết và hệ miễn dịch đều có liên quan tới hóa chất. Con người bị nhiễm chủ yếu thông qua các thực phẩm ô nhiễm, các đường khác ít phổ biến hơn là uống nước ô nhiễm và tiếp xúc trực tiếp với hoá chất. Đối với con người và động vật có vú, các hóa chất bảo vệ thực vật có thể được lây truyền thông qua nhau thai và sữa mẹ tới động vật sơ sinh.

IV. KẾT QUẢ XỬ LÝ Ô NHIỄM HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT TỒN LƯU

Trong thời gian qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích và các dự án hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ và địa phương đã xử lý được 60 điểm tồn lưu HCBVTV bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với tổng kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách trung ương đạt gần 250 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai xử lý thí điểm, tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất các loại chất thải chứa HCBVTV tồn lưu; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý các khu vực bị ô nhiễm do HCBVTV và tổ chức 11 khóa tập huấn cho hơn 500 cán bộ các Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến công tác điều tra, đánh giá, lập kế hoạch xử ô nhiễm môi trường do HCBVTV tồn lưu. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về quản lý các điểm ô nhiễm tồn lưu HCBVTV, áp dụng bộ chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực này. Theo đó, mặc dù số lượng các điểm tồn lưu HCBVTV trên cả nước là rất lớn, nhưng công tác quản lý, phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường đã từng bước được thực hiện và đi vào nề nếp.

 Hàng năm các Bộ, ngành và địa phương vẫn tổ chức điều tra bổ sung, xác định phạm vi và mức độ ô nhiễm gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Kế hoạch. Theo báo cáo của các Bộ và địa phương, tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2014 đã phát hiện thêm 409 khu vực môi trường bị ô nhiễm do HCBVTV tồn lưu trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố trong cả nước.

V. ĐỊNH HƯỚNG XỬ LÝ, KHẮC PHỤC Ô NHIỄM VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KHU VỰC Ô NHIỄM HCBVTV TỒN LƯU

– Điều tra, đánh giá bổ sung và cập nhật hiện trạng các khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước; lập kế hoạch quản lý, xử lý;

– Tiếp tục nghiên cứu các công nghệ xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu phù hợp với đặc điểm ô nhiễm ở Việt Nam trong đó ưu tiên các giải pháp công nghệ không đốt;

– Tăng cường công tác chống nhập lậu HCBVTV không rõ nguồn gốc; hạn chế việc phát sinh các khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu mới;

– Cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến quản lý, xử lý HCBVTV tồn lưu;

– Xây dựng các hướng dẫn quản lý, xử lý và phục hồi môi trường các khu vực ô nhiễm HCBVTV tồn lưu.

1. ThS. Hồ Kiên Trung

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường

2. TS. Trần Quốc Việt

Giám đốc Trung tâm phân tích và chuyển giao công nghệ

Viện Môi trường nông nghiệp

(Tài liệu Hội thảo KHCN trong lĩnh vực Môi trường)


(Nguồn tin: vea.gov.vn)