Quan trắc môi trường lao động và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp

Thứ Hai, 01/04/2024, 11:05(GMT +7)

Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế về hoạt động y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2023, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong các cơ sở lao động vừa, nhỏ và các ngành nghề có nguy cơ cao như khai thác đá, chế biến vật liệu xây dựng sử dụng hóa chất, khai thác mỏ…

 

Quan trắc môi trường lao động tại cơ sở. Ảnh: VNNIOSH

Trên 52 nghìn mẫu quan trắc môi trường lao động không đạt tiêu chuẩn

Năm 2023, 85.261 cơ sở lao động được quản lý về vệ sinh lao động (tăng 4% so với năm 2022), trong đó số cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm có hại được quản lý là 35.464 cơ sở (chiếm khoảng 41%). Tỷ lệ đơn vị thực hiện lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động tại các cơ sở có yếu tố có hại là 29% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022).

Trên 5.518 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước đã thực hiện quan trắc môi trường lao động (tăng gần 10% so với năm 2022), tổng số mẫu được quan trắc là 1.099.658 mẫu (tăng 16%). Các yếu tố môi trường lao động được quan trắc nhiều nhất là: vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió) 462.199 mẫu (42%); ánh sáng 145.616 mẫu (13,2%), tiếng ồn 133.440 mẫu (12,1%); hơi khí độc 138.504 mẫu (12,6%); các yếu tố bụi 140.904 mẫu (chiếm 13%), các yếu tố khác chiếm khoảng 7,1%.

Tổng số mẫu quan trắc môi trường lao động không đạt tiêu chuẩn vệ sinh là 52.876 mẫu, chiếm 4,8% (tăng 0,3% so với năm 2022). Các mẫu có tỷ lệ không đạt tiêu chuẩn cao gồm: ánh sáng (10%); độ ồn (10,5%); độ rung (8,9%); vi khí hậu (3,9%). Tỷ lệ các yếu tố bụi không đạt tiêu chuẩn cho phép trung bình chiếm khoảng 7,5%.

Khám sức khỏe định kỳ

Trong năm 2023, có 2.479.320 người lao động được khám sức khỏe định kỳ, 921.832 trường hợp người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Các bệnh thường mắc chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là các bệnh viêm đường hô hấp cấp và mạn tính như viêm xoang, mũi họng, thanh quản (chiếm 26,3%), bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng (14,5%), bệnh về thần kinh trung ương và ngoại biên (7,8%), bệnh mắt (6,3%), bệnh cơ-xươngkhớp (5,4%), bệnh về da (3,7%).

Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp (Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động) tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Ảnh: VNNIOSH

Gần 700 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp

Trong năm 2023, có 46/63 tỉnh/thành phố tổ chức khám phát hiện 34/35 loại bệnh nghề nghiệp, có 01 bệnh nghề nghiệp mới được khám phát hiện so với năm 2022 là bệnh COVID-19 nghề nghiệp.

Tổng số trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là 509.547 trường hợp (tăng khoảng 10% so với năm 2022), trong đó đã phát hiện được 696 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp (chiếm khoảng 0,1% tổng số khám). Năm 2023, có 07/35 loại bệnh nghề nghiệp được chẩn đoán mới mắc gồm: bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh lao nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân và bệnh COVID-19 nghề nghiệp.

Tỷ lệ mắc một số bệnh nghề nghiệp cao so với các bệnh còn lại, bao gồm: bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (56%), bệnh bụi phổi than nghề nghiệp (22,4%), bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp (18,5%).

Khám giám định và kết luận cho tổng số 600 lượt người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Các bệnh được khám giám định nhiều nhất là bệnh bụi phổi than nghề nghiệp (303 trường hợp), bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn (240 trường hợp), bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp (46 trường hợp). Các bệnh còn lại được giám định là bệnh lao nghề nghiệp và bệnh COVID-19 nghề nghiệp. Kết quả giám định bệnh nghề nghiệp có 171 trường hợp người lao động có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 5-30% và 377 trường hợp có tỷ lệ tổn thương từ 31% trở lên.

Thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động

Theo báo cáo kết quả tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động của các địa phương, có 2.451 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn, vệ sinh lao động tại 5.315 doanh nghiệp; phát hiện 1.167 doanh nghiệp có những sai phạm về công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Các tình, thành phố, các doanh nghiệp tổ chức 2.406 lượt tự kiểm tra và nhận diện được 1.415 yếu tố nguy cơ, rủi ro và đã xây dựng, bổ sung được 989 nội qui, qui trình làm việc an toàn; tổ chức 996 cuộc thăm gia đình nạn nhân, người bị nạn, người bị bệnh nghề nghiệp

Xuân Đài