Quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 11:48(GMT +7)

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, sự bình đẳng giữa người lao động nam và nữ, gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, gây lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc cũng như năng suất lao động bị giảm sút và cần phải ngăn chặn.

1. KHÁI NIỆM VỀ QUẤY RỐI TÌNH DỤC

“Quấy rối tình dục” là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch khó chịu.

Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục.

Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.

2. HÀNH VI KHÔNG ĐƯỢC COI LÀ HÀNH VI QUẤY RỐI TÌNH DỤC

Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về mặt văn hóa, xã hội không bị coi là hành vi quấy rồi tình dục. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa thành niên…), tiếp nhận hay đáp lại đều không được xem là hành vi quấy rối tình dục.

3. CÁC HÌNH THỨC QUẤY RỐI TÌNH DỤC

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói, bao gồm những nội dung chủ yếu như sau:

a) Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

b) Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

c) Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.

4. VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN

4.1. Người sử dụng lao động

Doanh nghiệp ở bất cứ quy mô nào đều có quyền, trách nhiệm xây dựng và duy trì môi trường làm việc không quấy rối tình dục. Người sử dụng lao động phải có hành động ngay lập tức khi xuất hiện bất cứ cáo buộc nào về quấy rối tình dục, đảm bảo người được cho là nạn nhân không sợ bị trả thù hoặc cảm thấy yêu cầu của họ bị lờ đi hay bị coi thường.

Để phòng, chống có hiệu quả hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động cần ban hành các quy định nhằm thúc đẩy, thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về quấy rối tình dục, để đưa vào nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các quy chế, quy định hợp pháp khác của doanh nghiệp.

Khi xây dựng các quy định cụ thể trên, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn nhằm đảm bảo sự đồng thuận và thực thi có hiệu quả các quy định này.

4.2. Người lao động

Tất cả người lao động, không phân biệt giới tính, tuổi tác, vị trí, hình thức ký hợp đồng lao động hay tình trạng công việc, đều có quyền và trách nhiệm đảm bảo nơi làm việc không có quấy rối tình dục, ngăn cản và báo cáo mọi hành vi không được chấp nhận theo quy định của pháp luật và quy định cụ thể về quấy rối tình dục của doanh nghiệp.

4.3. Tổ chức công đoàn

Tổ chức công đoàn có trách nhiệm trong việc tham gia vào việc xây dựng và thực thi pháp luật và các quy định cụ thể về quấy rối tình dục trong doanh nghiệp, đồng thời phải đảm bảo tất cả các vấn đề liên quan tới quấy rối tình dục tại doanh nghiệp phải được thương lượng một cách công bằng và minh bạch.

Công đoàn cũng cần cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, cũng như người lao động đang bị tố cáo là có hành vi quấy rối tình dục.

Công đoàn phải đưa các nội dung quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào trong chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và đào tạo như một việc làm thường xuyên của tổ chức công đoàn.

4.4. Tổ chức của chủ sử dụng lao động

Tổ chức của chủ sử dụng lao động cần đưa thông tin về phòng, chống quấy rối tình dục vào các chương trình định hướng, giáo dục và đào tạo nhân sự.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung, về quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng tới các doanh nghiệp, tới người sử dụng lao động và người lao động pháp luật, chính sách phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

4.5. Thanh tra lao động

Thanh tra lao động phải xem xét cẩn thận hồ sơ và thực tiễn với mục đích phát hiện và xử lý kịp thời với những tố cáo về quấy rối tình dục. Điều quan trọng là thanh tra lao động cần chủ động thanh tra không chỉ lời tố giác về hành vi quấy rối tình dục mang tính thể chất, mà bất kể các hành vi khác (bằng lời nói hoặc phi lời nói) bị tố cáo là không được chấp nhận, không mong muốn hay mang tính xúc phạm có liên quan.

Thanh tra lao động, cả nam và nữ thanh tra cần được đào tạo chuyên môn để giúp cho việc phát hiện những trường hợp và xử lý các tố cáo về quấy rối tình dục, vì nhìn chung những nạn nhân nữ của hành vi quấy rối tình dục cảm thấy thoải mái hơn khi nói về trường hợp của họ với thanh tra nữ hơn là với nam giới.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)