Sức khỏe nghề nghiệp của lao động bốc vác thủ công lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:41(GMT +7)

Người lao động làm việc bốc dỡ và vận chuyển lúa gạo thủ công ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải lao động trong một điều kiện lao động có thể nói là không thuận lợi, thiếu an toàn về nhiều phương diện, tiếp xúc với môi trường lao động nóng. Thêm vào đó, công việc bốc, khiêng, vác nặng, vận chuyển thủ công nhưng thiếu phương tiện hỗ trợ, giải pháp đảm bảo an tòan sẽ dẫn đến tai nạn như trượt, té ngã, rơi, vật đè, đặc biệt là tình trạng rối loạn cơ xương khớp,điều này có thể góp phần làm gia tăng gánh nặng lao động ở người lao động.

Lao động bốc vác lúa gạo là lực lượng lao động tuy không nhiều nhưng là lực lượng không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta cho đến giai đoạn hiện tại. Lao động bốc vác nói chung và bốc vác lúa gạo nói riêng là lao động năng nhọc, với bản chất của công việc thường làm tăng gánh nặng về sức khỏe thể chất và tác động đến hệ cơ xương khớp ở người lao động, tuy nhiên những ảnh hưởng này đến nay chưa được xem xét cụ thể. Vì vậy, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu về tình hình sức khỏe nghề nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động làm việc bốc dỡ và vận chuyển lúa gạo thủ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trên cơ sở đó, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động bốc dỡ vận chuyển thủ công lúa gạo.

Tình hình sức khỏe nghề nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động bốc dỡ, vận chuyển thủ công lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long

* Tình hình sức khỏe nghề nghiệp

Kết quả nghiên cứu cắt ngang thông qua khảo sát, điều tra 189 người lao động tại các cơ sở lao động trong khu vực cho thấy, các vấn để sức khỏe liên quan đến hệ cơ –xương – khớp thường gặp của người lao động bao gồm đau vùng lưng (33,9%), vùng thắt lưng (30,7%), vùng cổ (31,2%), vùng vai (24,3%), trong đó, các cơn đau của cơ – xương – khớp thường xuất hiện lúc bốc vác vận chuyển lúa gạo (45%). Tuy nhiên, vào ban đêm hoặc kể cả những lúc nghỉ ngơi vẫn có thể xuất hiện các cơn đau.

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến cơ –xương – khớp, người lao động còn có các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt thường xuất hiện vào buổi trưa (23,3%) và vào những lúc thời tiết nóng (13,8%). Bệnh lý hiện tại của người lao động hầu hết là các bệnh về hô hấp (18,5%); các bệnh khác như cao huyết áp, tim mạch chiếm tỉ lệ khá thấp với 1,6%.

* Ảnh hưởng của một số yếu tố trong lao động bốc vác liên quan đến đau mỏi cơ xương và các yếu tố nguy cơ liên quan

Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động về sức khỏe nghề nghiệp của lao động bốc vác thủ công lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long cho thấy vấn đề sức khỏe nghề nghiệp chủ yếu liên quan đến cơ xương khớp và triệu chứng đau chủ yếu ở vùng lưng và cổ. Nguy cơ gây rối loại vùng thắt lưng thấp, cao nhất là tư thế kết hợp giữa nâng vật nặng, cong vặn cột sống ở người lao động. Đặc biệt hoạt động nâng vật nặng lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày sẽ là yếu tố nguy cơ quan trọng gây đau lưng và tổn thương vùng cột sống thắt lưng. Bên cạnh đó, hoạt động thể lực gắng sức còn là yếu tố nguy cơ gây nên các chấn thương mệt mỏi ở người lao động.

Kết quả khảo sát, phân tích số liệu thống kê cũng cho thấy: Các yếu tố như ca lao động, mức thu nhập, năm làm việc, chỉ số BMI tăng, mang vác nặng, chấn thương cũ có liên quan đến sự xuất hiện của triệu chứng đau lưng, đau cổ vai, đau ở cánh tay và chân, ngoại trừ yếu tố tuổi tác của người lao động. Người lao động có mức thu nhập thấp hơn và thời gian làm việc nhiều năm hơn, hay có chấn thương trên hệ xương khớp, có tỉ lệ xuất hiện triệu chứng đau cơ-xương-khớp cao hơn những người còn lại (gấp 7 lần tương ứng). Về tư thế lao động ở các khâu có chỉ số REBA cao (8-10) cần điều tra và áp dụng giải pháp khắc phục là khâu người lao động chuyển hàng lên hoặc xuống ghe/tàu, đặc biệt ở tư thế đứng; người lao động làm công việc chuyển gạo lên băng chuyền để nhập kho, lên xe tải, từ tàu ghe lên bờ hoặc ngược lại.

Giải pháp bảo vệ sức khỏe của người lao động bốc dỡ, vận chuyển thủ công lúa gạo đồng bằng Sông Cửu Long

* Giải pháp chung về mang và nâng vật (bao lúa, gạo) an toàn, dự phòng tác hại gây đau mỏi cơ cơ xương

– Người lao động có tiền sử bệnh hay chấn thương liên quan đến cơ xương khớp nên tránh công việc nặng nhọc này.

– Người lao động được bố trí thay phiên làm việc để hạn chế mức độ nặng nhọc lặp đi lặp lại do tính chất công việc gây ra.

– Hạn chế việc nâng vật quá trọng lượng qui định, tuân thủ nghiêm túc giới hạn trọng lượng cho phép mang vác trong ca lao động theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

* Giải pháp cụ thể khi mang, vác và nâng vật (bao lúa, gạo) an toàn, dự phòng tác hại gây đau mỏi cơ xương

– Trình tự nhấc vật nặng (bao lúa, gạo) được thực hiện như sau:

+ Đặt hai chân cho vững, một chân đặt trước chân kia một chút để tạo thế thoải mái, hai chân giang ra cho vừa đủ để tạo thăng bằng.

+ Tiến sát tới vật nặng càng gần càng tốt, khụy hai chân khoảng 90 độ, co mình, không ngồi chồm hổm. Phải nhớ rằng lực nâng chủ yếu dựa vào cơ bắp của chân.

+ Giữ lưng càng thẳng càng tốt. Có thể khó giữ lưng thật thẳng nhưng không cho phép lưng cong vòng.

+ Bám thật chặt vào vật trong khi nhấc và khiêng. Trước khi đổi vị trí bám phải đặt vật nặng xuống.

+ Duỗi thẳng chân để khiêng vật nặng cùng một lúc với duỗi thẳng lưng.

+ Phải đảm bảo vật nặng không che khuất tầm nhìn khi vác, khiêng. Quá trình để vật nặng xuống được thực hiện ngược với động tác nhấc lên.

– Không nâng và mang, vác khi ta không nắm chắc được vật, ngay cả khi vật không nặng nhưng cồng kềnh hay quá rộng để ta có thể ôm chắc được.

– Không nâng hay mang vật một mình nếu chúng nặng hơn 20kg; hãy nhờ người giúp đỡ hay dùng các dụng cụ hỗ trợ.

– Để nâng vật nặng thấp hơn thắt lưng, giữ thật thẳng lưng, gập gối và hông. Không gập hông về trước và gối thẳng.

– Không xoay người khi đang mang vác nặng, xoay bằng chân, không xoay hông, vì xoay hông sẽ làm cột sống của bạn không thẳng trục và dễ bị chấn thương.

– Đứng với chân rộng và gần với vật cần nâng, giữ bàn chân thẳng trên sàn đảm bảo chân bước chắc chắn.

– Không với/nâng vật quá đầu, phải dùng bục hoặc thang để có chiều cao ngang mức vật cần nâng.

– Quan sát phía trên vật cần nhấc xuống xem có gì khuất tầm mắt có thể lăn, trượt hoặc rơi vào đầu, mặt của bạn.

– Luôn dùng cả hai tay khi nâng vật nặng

– Giữ vật nâng luôn luôn sát vào người, ép sát khuỷu tay vào thân mình.

– Khi mang vác các bao, tốt nhất để lên vai và giữ lưng với tư thế thẳng đứng.

* Huấn luyện, hướng dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động

Đơn vị được giao trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương tổ chức huấn luyện theo qui định của Nhà nước về các biện pháp an toàn , vệ sinh lao động, sức khỏe nghề nghiệp đối với đối tượng lao động không có hợp đồng lao động. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện theo qui định của Nhà nước về các biện pháp an toàn trong lao động đối với đối tượng lao động thuộc phạm vi mình quản lý. Nội dung huấn luyện theo quy định của Nhà nước, phù hợp với thực tế tại đơn vị, ví dụ như các dạng tai nạn, chấn thương, bệnh tật liên quan đến nghề nghiệp thường gặp,cách phòng ngừa tai nạn, lao động, các biện pháp dự phòng tác hại gây đau mỏi cơ xương, cách sử dụng đúng PTBVCN…

Nhằm ngăn ngừa, hạn chế các tai nạn tại nơi làm việc, tổn thương đặc biệt trên vùng cơ xương khớp ở người lao động trong lĩnh vực bốc vác và vận chuyển lúa gạo thủ công, công tác an toàn vệ sinh lao động cần được thực hiện và công tác chăm sóc sức khỏe cần được quan tâm đúng mức để bảo vệ sức khỏe người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lao động bốc vác lúa gạo thủ công nói riêng, điều này sẽ góp phần gia tăng năng suất lao động, ổn định sản xuất, giảm thiểu rủi ro kinh tế do mất sức lao động hay tai nạn nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe cho người lao động trong ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

——————————————-

Tài liệu tham khảo: Nguyễn Đắc Hiền (2018) “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong bốc dỡ vận chuyển thủ công lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.


(Nguồn tin: Vnniosh.vn)