Tiếng ồn tại nơi làm việc: Mối nguy hiểm tàng hình và lâu dài

Thứ Sáu, 01/12/2023, 03:46(GMT +7)

Người lao động ngành xây dựng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ liên quan đến việc làm, nhưng tiếng ồn thường không được xem là đáng ngại như một số mối nguy hiện hữu khác.

Không có thắc mắc gì về sự ồn ào của công trường xây dựng. Giữa những chiếc máy ủi chạy ầm ầm trên mặt đất, những chiếc búa khoan xuyên qua bê tông hay những lưỡi cưa cắt qua kim loại và gỗ, tiếng ồn gần như là không thể tránh khỏi. Theo Viện Quốc gia về An toàn, Vệ sinh lao động (NIOSH) – Hoa Kỳ, xây dựng là ngành đứng thứ hai về nguy cơ gây ra tình trạng mất thính lực do tiếp xúc với tiếng ồn hơn bất kỳ ngành nào khác. NIOSH cũng cho biết 23% người lao động tại Hoa Kỳ đối mặt với hiện tượng nghe khó sau khi phơi nhiễm với tiếng ồn tại nơi làm việc. 15% khác bị ù tai, cảm giác ù ở một hoặc cả hai bên tai.

Người lao động ngành xây dựng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ liên quan đến việc làm, nhưng tiếng ồn lại không được xem là đáng ngại như một số mối nguy hiện hữu khác. Mất thính lực thường xảy ra từ từ và không thể nhận thấy ngay tức thì, không giống như các chấn thương tiềm ẩn khác tại nơi làm việc như: các vết cắt, cứa, vết thương ở đầu hay gãy xương. Tổn thương thính lực là không thể tránh khỏi nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Không thể phẫu thuật hoặc chữa trị chứng mất thính giác do tiếng ồn. Tiếp xúc lặp đi lặp lại với các mức ồn cao như làm việc gần máy móc hoặc vận hành các thiết bị nặng có thể dẫn đến dần mất thính lực và ù tai. Hỏi bất kỳ công nhân xây dựng nào đang vấn đề về thính giác rằng họ nên làm gì khác đi, thì hầu hết sẽ đồng tình rằng họ nên đeo thiết bị bảo vệ thính giác trước khi xảy ra tổn thương liên quan.

Như thế nào là ồn quá mức?

Độ lớn của âm thanh được đo bằng đơn vị gọi là decibel (dB) và được đo trên thang đo logarit. Điều này có nghĩa là sự thay đổi nhỏ về số decibel dẫn đến sự thay đổi lớn về mức độ ồn và khả năng gây hại tiềm ẩn đối với thính giác của một người.

Mức decibel càng cao thì tiếng ồn càng lớn và thời gian xảy ra mất thính lực càng nhanh. Một cuộc đối thoại thông thường giữa hai cá nhân có thể tạo ra mức âm thanh khoảng 50-60 dB, trong khi động cơ phản lực hạ cánh có thể đo được khoảng 140 dB. Trung bình công trường xây dựng có mức decibel khoảng 80-90 dB, tuy nhiên nhiều nhiệm vụ công việc thông thường tại đó có thể vượt mức này. Ví dụ, xe nâng tạo ra âm thanh khoảng 90 dB, búa khoan là hơn 100 dB. Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) ước tính các mức trên 70 dB kéo dài có thể gây hại đến thính giác và các mức trên 120 dB có thể gây hại tức thì.

Mức decibel, khoảng cách giữa một người và nguồn phát ra tiếng ồn, và khoảng thời gian mà họ tiếp xúc có thể gây rủi ro mất thính lực. Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) đã đặt ra một giới hạn pháp lý về lượng tiếng ồn mà một người có thể tiếp xúc tại nơi làm việc. Các giới hạn này được tính toán dựa trên mức trung bình theo thời gian của người lao động trong suốt quá trình làm việc 8 tiếng. Giới hạn phơi nhiễm cho phép (PEL) của OSHA là 90 dB cho tất cả công nhân trong 1 ngày làm việc 8 tiếng. Tiêu chuẩn OSHA áp dụng tỉ lệ quy đổi là 5dB, nghĩa là nếu mức decibel được tăng thêm 5dB, thì khoảng thời gian một người có thể tiếp xúc với mức ồn đó giảm 50%. Ví dụ, một công nhân xây dựng có thể phơi nhiễm với mức ồn 90 dB trong 8 tiếng nhưng mức 95 dB chỉ trong vòng 4 tiếng.

Quy định ngành

Tiếng ồn tại nơi làm việc đôi khi được xem như “nguy cơ tàng hình và lâu dài” bởi hiện tượng mất thính lực xảy ra rất chậm, là một quá trình không gây đau đớn và diễn ra từ từ. Một nghiên cứu do CDC tiến hành cho thấy, 51% lao động ngành xây dựng đã phơi nhiễm với các mức ồn gây nguy hiểm. Trong số những lao động này, 31% được báo cáo là không đeo phương tiện bảo vệ tai. Các mức decibel cao phá hủy các tế bào và màng ở tai trong. Việc tiếp xúc nhiều lần sẽ tác động lên các tế bào này, khiến chúng chết và gây ra hiện tượng thính giác kém mà phẫu thuật không thể khắc phục được. Có thể dùng máy trợ thính, nhưng không thể giúp phục hồi thính giác.

Khi các mức decibel đạt hoặc trên 85 dB trong suốt 8 tiếng làm việc, Tiêu chuẩn tiếng ồn của OSHA yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ tai cho người lao động và triển khai chương trình bảo vệ thính giác. Theo OSHA, những chương trình này “cố gắng phòng ngừa mất thính lực ban đầu, giữ gìn và bảo vệ thính giác còn lại và trang bị kiến thức cũng như phương tiện bảo vệ thính giác cần thiết cho người lao động để họ tự bảo vệ bản thân”. Với mức giảm thậm chí chỉ một vài decibel, nguy cơ mất thính giác do tiếng ồn cũng giảm xuống. OSHA khuyến cáo 3 phương pháp kiểm soát mức decibel nhằm giảm bớt phơi nhiễm tiếng ồn gây hại và phòng ngừa mất thính giác như sau:

 – Kiểm soát kỹ thuật: Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật điều chỉnh hoặc thay thế thiết bị, có thể tạo ra những thay đổi vật lý tại nguồn gây ồn hoặc trên đường truyền dẫn tiếng ồn để giảm thiểu mức decibel mà người lao động phải trải qua trong quá trình làm việc. Biện pháp này có thể đơn giản như bôi trơn vòng bi phát ra tiếng rít hoặc cẩn trọng che chắn và cách ly hoàn toàn nguồn gây tiếng ồn.

– Kiểm soát hành chính: Những thay đổi này tại nơi làm việc có thể giảm thiểu hoặc xóa bỏ phơi nhiễm tiếng ồn của người lao động như hạn chế thời gian một người tiếp xúc với nguồn gây ồn hoặc thậm chí cung cấp môi trường yên tĩnh để tai người lao động có thời gian được “nghỉ ngơi” giữa các lần tiếp xúc với tiếng ồn.

Thiết bị bảo vệ thính giác (HPDs): HPDs là các thiết bị bảo vệ tai chủ động hoặc thụ động được đeo trong hoặc ra ngoài tai như nút bịt tai hoặc chụp tai nhằm giảm bớt phơi nhiễm độ ồn và chống mất thính lực.

Một cỡ không thể phù hợp cho tất cả mọi người

Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật và kiểm soát hành chính có thể cần thời gian hoặc không khả thi để triển khai, do vậy thiết bị bảo vệ thính giác (HPDs) là biện pháp cần thiết để phòng ngừa tổn thương thính giác. Tuy nhiên, về mặt lịch sử, HPDs ít được công nhân xây dựng sử dụng. Thường xuyên có những phản ánh về mức độ thoải mái và tiện lợi của thiết bị này. Nút bịt tai dễ bị thất lạc hoặc bị bẩn, chụp tai có thể gây khó khăn khi kết hợp cùng mũ bảo hộ. Phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) nhiều năm nay ít được cải tiến, nhưng một số công ty như Milwaukee Tool đang nỗ lực để cải thiện hiện trạng.

Theo nghiên cứu của công ty này thì mức độ thoải mãi và dễ tiếp cận là hai lĩnh vực mà dụng cụ bảo vệ thính giác có thể tập trung cải tiến. Nút bịt tai thường được xem là lựa chọn dễ dàng đối với công nhân xây dựng bởi mức độ sẵn có và không ảnh hưởng tới phương tiện cá nhân khác mà người lao động phải trang bị khi làm việc.

Có 3 điều tối quan trọng cần xem xét khi tiến hành lựa chọn nút bịt tai phù hợp. Đầu tiên chính là kích thước lỗ ống tai để xác định kích cỡ nút bịt tai phù hợp nhất. Tiếp theo là kiểm tra hình dạng ống tai vì vật liệu khác nhau có thể tạo cảm giác thoải mãi hơn phụ thuộc vào hình dạng của ống tai người dùng. Cuối cùng, xác định mức độ dễ dàng khi đeo nút bịt tai. Để bảo đảm những người đeo thiết bị bảo vệ thính giác đã giảm đủ lượng tiếng ồn đi vào tai của họ, OSHA đánh giá nút bịt tai bằng cách áp dụng Xếp hạng giảm tiếng ồn (NRR). Đơn vị đo lường này được sử dụng để xác định hiệu quả của thiết bị bảo vệ thính giác nhằm giảm mức độ tiếp xúc với âm thanh. Số NRR liên quan đến thiết bị bảo vệ thính giác càng cao thì khả năng giảm tiếng ồn càng lớn. Nút bịt tai nhãn hiệu Milwaukee’s được xếp hạng NRR ở mức 26 dB. Nút bịt tai của Milwaukee có mức NRR 32 và nút bịt tai có dây có thể tái sử dụng là NRR 26.

Kết luận

Mất thính lực là một trong những căn bệnh liên quan đến công việc phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. Do mất thính thực xảy ra qua thời gian nên khó phát hiện sớm, cho đến khi quá muộn và dẫn đến tổn thương không thể phục hồi ở tai. Các nhiệm vụ công việc cần được thực hiện trên công trường có thể tạo ra các mức độ ồn nguy hại, nhưng nếu kiểm soát tốt tiếng ồn tại công trường và sử dụng HPDs phù hợp thì việc tiếp xúc với các mức ồn này có thể làm giảm nguy cơ mất thính giác do tiếng ồn đối với công nhân xây dựng.

Biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: ohsonline.com)