Tư vấn của tổ chức công đoàn trong việc hỗ trợ người lao động mắc bệnh ung thư

Thứ Ba, 19/12/2023, 10:11(GMT +7)

Phối hợp cùng Tháng nhận thức về Ung thư vú, diễn ra vào tháng 10/2015, Liên hiệp các nghiệp đoàn Anh (TUC) đã cho ra mắt hướng dẫn dành cho đại diện công đoàn, người lao động, các nhà quản lý và người sử dụng lao động với mục đích cung cấp hướng dẫn hỗ trợ tốt nhất cho người lao động mắc bệnh ung thư tại nơi làm việc.

Tại Anh hiện nay có hơn 700,000 người trong độ tuổi lao động đang sống chung với căn bệnh ung thư. Do tỷ lệ sống sót sau điều trị được cải thiện, thời gian nghỉ hưu muộn hơn, nên nhiều người sẽ tiếp tục làm việc sau khi  – hoặc thậm chí đang trong quá trình điều trị bệnh.

TUC tin rằng trở lại làm việc vào đúng thời điểm, với đúng sự hỗ trợ cần thiết sẽ giúp đem lại những lợi ích về mặt tâm lý và tài chính cho người lao động mắc bệnh ung thư. Tuy vậy, một số người sử dụng lao động nỗ lực cung cấp hỗ trợ phù hợp cho người lao động của mình và đây chính là nơi hướng dẫn của TUC đóng vai trò cốt yếu.

Theo hướng dẫn của TUC (do Trung tâm đào tạo TUC phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ ung thư Macmillan (Macmillan Cancer Support biên soạn) thì:

1. Sự cẩn trọng: Lòng tin, sự trung thực và cẩn trọng là những yếu tố sống còn trong việc hỗ trợ người lao động mắc ung thư. Không được phép xử phạt, hạ cấp hoặc sa thải người lao động khi họ thông báovới chủ lao động về tình hình bệnh tật và những khó khăn của bản thân khi làm việc.

2. Sự linh động: Những người mắc bệnh ung thư đều được phân loại là người tàn tật theo Luật Bình đẳng (the Equality Act), do vậy người sử dụng lao động cần có những đánh giá hợp lý đối với người lao động và phân công công việc phù hợp khi người lao động được chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Đại diện công đoàn có thể hỗ trợ người sử dụng lao động về những thay đổi có thể xảy ra bao gồm việc cho phép cho người lao động được thăm khám, có thời gian biểu làm việc linh động, có thêm các khoảng thời gian nghỉ lấy sức, làm việc tại nhà nhiều hơn và được phép trở lại làm việc sau khoảng thời gian nghỉ ốm.

3. Giữ liên lạc: Đại diện công đoàn cần giữ liên lạc với người lao động bị bệnh khi họ nghỉ làm cũng như khi họ trở lại làm việc để hỗ trợ người lao động trong việc tham dự, đánh giá, đảm bảo sớm được thăm khám… và tham gia vào hoạt động quản lý ở mọi cấp trong quá trình phục hồi; đồng thời cũng giữ liên lạc với quản lý phụ trách sản xuất và chuyên viên về nhân sự.

4. Trở lại làm việc: Khi tới thời điểm một thành viên công đoàn trở lại làm việc, cần đề  ra một chính sách rõ ràng –  không gắn với bất kỳ một quy trình xử lý kỷ luật nào –  và cần tuân thủ theo tư vấn của bác sĩ điều trị cho người lao động hoặc chuyên gia y tế. Cần mở rộng hơn nữa các lựa chọn khi người lao động trở lại làm việc và nếu có thể nên thay đổi lại chỗ ngồi làm việc, đào tạo lại, thay đổi giờ làm, rà soát lại giao thông đi lại từ nhà đến chỗ làm và ngược lại.

5. Hỗ trợ sâu rộng hơn: Đại diện công đoàn cũng có thể làm việc cùng với người mà trong tương lai có thể trở thành người chăm sóc cho vợ hoặc chồng, con cái hay họ hàng khi những người này được chẩn đoán mắc ung thư; giúp đỡ họ có được những hỗ trợ tài chính cần thiết, gồm chi trả lương trong thời gian nghỉ phép theo đúng luật định; phụ cấp chăm sóc, phúc lợi nhà ở và các khoản thuế. Công đoàn cũng hỗ trợ đàm phán trong việc hưởng trợ cấp đối với  người chăm sóc trong thời gian phải nghỉ việc.

Người mắc ung thư có thể phải chịu những định kiến từ cán bộ quản  lý và đồng nghiệp tại nơi làm việc và có thể che dấu các thông tin về bệnh tình của bản thân với chủ lao động. Đại diện công đoàn cần bảo đảm hỗ trợ các thành viên công đoàn một cách có hiệu quả và mọi người nên tham gia vào bất kỳ tổ chức công đoàn nào để góp chung tiếng nói cũng như lên tiếng vì quyền lợi của bản thân tại nơi làm việc.

www.unionlearn.org.uk/publications/cancer-workplace-workbook-union-representatives

Sưu tầm và biên dịch: Bích Hà


(Nguồn tin: OSH World News)