Vận chuyển thủ công

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:48(GMT +7)

Người sử dụng lao động cần phải bảo vệ người lao động (NLĐ) của mình tránh khỏi rủi ro thương tật từ các hoạt động vận chuyển thủ công nguy hiểm tại nơi làm việc. Vận chuyển thủ công có nghĩa là vận chuyển hoặc nâng đỡ vật nặng bằng tay hoặc lực cơ thể. Những công việc này bao gồm nâng, hạ, đẩy, kéo, mang, vác, hoặc di chuyển vật nặng. Một vật nặng có thể là một đồ vật, một người hoặc động vật.

Một số điều mà người sử dụng lao động phải thực hiện nhằm đối phó với rủi ro từ vận chuyển thủ công:

– Tránh các công việc vận chuyển thủ công nguy hiểm, ở mức tối đa có thể thực hiện được

–  Đánh giá rủi ro xảy ra thương tích từ tất cả các hoạt động vận chuyển thủ công nguy hiểm không thể tránh được

– Giảm thiểu rủi ro xảy ra thương tích từ các hoạt động vận chuyển thủ công nguy hiểm tới mức tốt nhất có thể

Việc xác định khối lượng của một vật nặng là rất quan trọng, mặc dù luật pháp không quy định mức giới hạn cân nặng được phép mang vác.

Trong một số trường hợp, nếu xuất hiện rủi ro xảy ra chấn thương, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về cân nặng và vị trí trọng tâm của mỗi vật nặng cho NLĐ nếu điều này khả thi.

1. Tránh các hoạt động vận chuyển thủ công nguy hiểm

Doanh nghiệp có thể tránh các hoạt động vận chuyển thủ công nguy hiểm bằng cách:

– Thiết kế lại công việc để tránh phải di chuyển vật nặng

– Tự động hóa hoặc cơ khí hóa các quá trình

Thời gian tốt nhất để quyết định cơ khí hóa hoặc tự động hóa là khi thiết kế nhà xưởng hoặc các hệ thống sản xuất. Cần thiết kế sơ đồ của một quy trình sản xuất sao cho việc di chuyển nguyên vật liệu là ít nhất.

Cân nhắc việc bố trí thêm một số thiết bị, ví dụ, băng tải, máng trượt, ròng rọc, hoặc xe nâng để giảm thiểu rủi ro. Các hỗ trợ cơ giới cũng có thể giúp giảm thiểu hoặc loại bỏ rủi ro từ hoạt động vận chuyển thủ công.

2. Đánh giá các hoạt động vận chuyển thủ công không thể tránh được

Đánh giá rủi ro xảy ra thương tích từ tất cả các hoạt động vận chuyển thủ công nguy hiểm không thể tránh được.

Người sử dụng lao động nên đánh giá cả nhiệm vụ cần thực hiện, khối lượng vật nặng, điều kiện môi trường lao động và khả năng của mỗi cá nhân, ví dụ:

– Tư thế lao động

– Khoảng cách cần di chuyển, nâng nhấc hoặc hạ thấp vật nặng

– Tần suất của thao tác cần thực hiện

– Khối lượng của vật nặng

– Đặc điểm của vật nặng (ví dụ: nóng, sắc cạnh, hoặc trơn trượt)

– Khu vực làm việc chật hẹp

– Mặt sàn làm việc gồ gề

– Điều kiện chiếu sáng yếu, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh

– Sức khỏe, thể lực và tình trạng bệnh sử của NLĐ (ví dụ NLĐ từng có các vấn đề về lưng)

Đồng thời, người sử dụng lao động cũng cần phải để ý các trường hợp:

– NLĐ thở gấp và đổ mồ hôi

– NLĐ phàn nàn vì mệt mỏi quá sức

– NLĐ không tự nguyện thực hiện một nhiệm vụ nào đó

– Sự sẵn có của các thiết bị hỗ trợ hoạt động di chuyển

Hãy tham khảo ý kiến của người lao động

Hãy tham khảo ý kiến và lôi kéo sự tham gia của NLĐ vào hoạt động đánh giá rủi ro. NLĐ và các đại diện của họ biết rõ những rủi ro tại nơi làm việc và có thể giúp đưa ra các giải pháp thiết thực. Những người vận hành thường có thể chỉ rõ hoạt động nào là không phổ biến, nặng nhọc hay khó thực hiện.

3. Giảm thiểu rủi ro xảy ra thương tích

Các biện pháp kiểm soát rủi ro phụ thuộc vào công việc cụ thể cần thực hiện. Hãy giảm thiểu rủi ro xảy ra thương tích từ những hoạt động vận chuyển thủ công nguy hiểm không thể tránh được. Nếu có thể, hãy cung cấp các hỗ trợ cơ giới, ví dụ xe đẩy hàng hai bánh hoặc ròng rọc. Trong trường hợp điều này không khả thi, hãy tìm cách thay đổi các thao tác trong nhiệm vụ cần thực hiện, vật nặng cần di chuyển và môi trường lao động.

Nếu nâng nhấc thủ công là lựa chọn duy nhất thì người sử dụng lao động có thể thực hiện một số điều sau để giảm thiểu rủi ro:

– Giảm kích thước, khối lượng của vật nặng hoặc khiến chúng dễ mang đi

– Chia tải hàng lớn thành nhiều kiện nhỏ

– Thay đổi bố trí nơi làm việc để giảm khoảng cách di chuyển vật nặng, giảm các vận động vặn xoắn cơ thể hoặc động tác nâng vật từ sàn lên quá chiều cao vai

– Thay đổi chu kỳ làm việc để tránh tần suất làm việc quá dồn dập và hạn hoàn thành quá gấp

– Cải thiện môi trường lao động – mở rộng không gian, cải thiện chất lượng sàn, tăng cường chiếu sáng, hoặc tăng/giảm nhiệt độ môi trường tới mức phù hợp. Đây là những hoạt động có thể khiến vận chuyển thủ công trở nên dễ dàng và an toàn hơn.

– Đảm bảo rằng NLĐ thực hiện công việc nâng nhấc thủ công đã được huấn luyện để làm việc an toàn

4. Đào tạo

Hoạt động đào tạo là rất quan trọng giúp nâng cao nhận thức và giảm thiểu rủi ro, tuy nhiên chỉ riêng hoạt động này không thể đảm bảo an toàn khi vận chuyển thủ công. Trước hết, người sử dụng lao động cần thiết kế công việc sao cho hoạt động vận chuyển thủ công là an toàn nhất trong phạm vi có thể. Người sử dụng lao động cũng nên theo dõi và kiểm tra quy trình làm việc để đảm bảo rằng NLĐ hiểu và thực hiện đúng.

Hoạt động đào tạo cần thiết thực và phù hợp với loại công việc được tiến hành, và nên bao gồm:

– Các yếu tố rủi ro từ hoạt động vận chuyển thủ công và nguyên nhân xảy ra thương tích

– Cách sử dụng các hỗ trợ cơ giới

– Cách thực hiện các thao tác an toàn, bao gồm kỹ năng xử lý vật nặng

– Các hệ thống công việc có liên quan tới nhiệm vụ của NLĐ và môi trường lao động

– Công việc thực tế để giúp chuyên gia đào tạo nhận diện các hoạt động mà học viên thực hiện chưa an toàn và giúp điều chỉnh chúng

Nội dung của các hoạt động đào tạo về kỹ năng xử lý vật nặng an toàn cần được thiết kế theo từng nhiệm vụ và tư thế mà NLĐ cần thực hiện.

Biên dịch: Hoàng Phương


(Nguồn tin: Health and Safety Executive)