Vật liệu nano: Hiểu biết và quản lý rủi ro
Vật liệu nano là gì?
Vật liệu nano nhân tạo là những cấu trúc trên quy mô rất nhỏ, có thể so sánh với nguyên tử, phân tử, và vô hình dưới mắt thường. Kích thước nhỏ bé cho phép chúng được sử dụng để phát triển các loại vật liệu bền nhẹ, có độ dẫn điện tốt hay hoạt tính hóa học cao. Công nghệ nano thường được xem là một trong những bước đột phá quan trọng của thế kỷ 21.
Vật liệu nano hiện được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều sản phẩm và lĩnh vực sản xuất. Con người có thể tiếp xúc với chúng trong cuộc sống hàng ngày khi sử dụng bao gói thực phẩm, mỹ phẩm, sơn, và các thiết bị điện tử. Chúng cũng được sử dụng ngày càng nhiều trong các ngành công nghiệp như hàng không, xây dựng, công nghệ y tế và công nghiệp ô tô.
Tiếp xúc với vật liệu nano và những ảnh hưởng tới sức khỏe
Các nghiên cứu về vật liệu nano vẫn đang được tiến hành, và cần nhấn mạnh rằng không phải tất cả vật liệu nano đều độc hại. Việc sử dụng chúng phải được cân nhắc đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy một số vật liệu nano nguy hiểm hơn so với hình dung ban đầu về chúng và gây ra những rủi ro lớn hơn tới sức khỏe con người so với cùng loại vật liệu ở kích thước lớn. Một số thậm chí còn được xếp vào danh sách các chất tiềm ẩn khả năng gây ung thư ở người.
Việc tiếp xúc nghề nghiệp với các loại vật liệu nano nguy hiểm có thể xảy ra ở nhiều công đoạn khác nhau của chuỗi cung ứng, nghĩa là người lao động có thể không tự ý thức được nguy cơ này. Rủi ro chủ yếu tới từ các hạt trong không khí, phát sinh trong quá trình vận chuyển, bảo quản và xử lý vật liệu nano. Các phần tử này có thể thâm nhập thông qua đường hô hấp hay tiếp xúc qua da. Những rủi ro này có thể xuất hiện ở nhiều ngành/lĩnh vực khác nhau – từ chăm sóc sức khỏe tới bảo trì và xây dựng, v.v.
Hoạt động đánh giá rủi ro đối với các sản phẩm của công nghệ nano do Ủy ban Châu Âu tiến hành đã phát hiện ra rằng vật liệu nano đặc biệt ảnh hưởng tới phổi. Hệ thống tim mạch cũng có thể chịu tác động và một số chất đã cho thấy có thể tới được gan, thận, tim, não, xương và các mô mềm.
Quản lý rủi ro tại nơi làm việc
Hiện nay vẫn chưa có giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp cụ thể đối với vật liệu nano, do đó các công xưởng và nơi làm việc nên áp dụng nguyên tắc phòng ngừa khi xử lý các chất dạng này. Điều này có nghĩa là giảm thiểu sự tiếp xúc tới “Mức thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý” (As Low As Reasonably Achievable – ALARA). Nhìn chung, người sử dụng lao động nên sử dụng cách tiếp cận tương tự với cách tiếp cận các chất nguy hại khác. Đồng thời, hoạt động đánh giá rủi ro, sử dụng nguyên tắc STOP và hoạt động huấn luyện đào tạo cũng được khuyến khích thực hiện. Người sử dụng lao động cũng nên áp dụng các hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu về bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người lao động, tránh khỏi các rủi ro có liên quan tới vật liệu nano tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, cần cân nhắc tới một số khó khăn sau: Việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn hơn khi rất nhiều tính chất của vật liệu nano còn chưa được xác định; và các phương pháp và công cụ để định lượng mức tiếp xúc và các nguồn phát tán vật liệu nano vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu phát triển.
Biên dịch: Hoàng Phương
(Nguồn tin: Healthy Workplaces)