Ảnh hưởng của trường điện từ tần số công nghiệp và biện pháp phòng tránh

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:02(GMT +7)

Khái quát về điện từ trường: Điện từ trường là cụm từ chỉ về 2 đại lượng vật lý có đơn vị đo và cách tính riêng biệt.
– Điện trường sinh ra khi có điện áp. Khi điện áp tăng thì cường độ điện trường (E) cũng tăng. Đơn vị đo cường độ điện trường là kV/m.
– Từ trường sinh ra khi có dòng điện. Khi trị số dòng điện tăng thì cường độ từ trường (H) tăng. Đơn vị đo cường độ từ trường là Gaus (G) hoặc Tesla (T).

Ảnh hưởng của điện từ trường đối với sức khoẻ con người

            Từ những thập kỷ 60 đến 70- thế kỷ XX, khi xuất hiện hệ thống truyền tải điện 380kV, 500kV, 750kV ở một số nước trên thế giới người ta đã quan tâm đến việc nghiên cứu ảnh hưởng của thiết bị điện cao áp, siêu cao áp đến con người và môi trường, đồng thời đề xuất các biện pháp để hạn chế, phòng ngừa những ảnh hưởng nguy hiểm, có hại đối với con người, thiết bị  và môi trường.

            Để nghiên cứu ảnh hưởng của điện từ trường đến con người và định mức giá trị an toàn cho phép của cường độ điện trường, các nhà khoa học Liên Xô cũ cũng đã tiến hành nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và theo dõi bệnh lý của các nhóm công nhân vận hành, sửa chữa thiết bị điện cao áp, siêu cao áp.

            Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra những quy định, hướng dẫn thực hiện các biện pháp tổ chức và kỹ thuật để phòng ngừa ảnh hưởng như cách chế tạo, lắp đặt các loại chắn điện trường, quy định thời gian làm việc trong trạm và các biện pháp kỹ thuật liên quan.

            Ở Cộng hoà dân chủ Đức (cũ) người ta cũng đã quan tâm vấn đề điện từ trường khi đưa hệ thống điện 380kV vào vận hành và đã ban hành các quy định phục vụ cho việc vận hành, sửa chữa thiết bị điện cao áp. Họ đã chế tạo máy đo cường độ điện trường ở tần số 50Hz.

            Những nội dung nghiên cứu tương tự cũng được tiến hành ở Mỹ, Italy.

            Ở Việt Nam, sau khi tham khảo tiêu chuẩn cường độ điện trường của nhiều nước trên thế giới; khuyến cáo của Uỷ ban quốc tế về bảo vệ bức xạ ion hoá (ICNIRP); của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và kết luận của các hội thảo khoa học về ảnh hưởng của điện từ trường của lưới truyền tải điện đã đưa ra nhận định:

             Khi phải sống hoặc sinh hoạt lâu dài trong vùng ảnh hưởng của điện từ trường vượt quá giới hạn cho phép, sức khoẻ của những người này bị giảm sút, biểu hiện là: cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, uể oải, khó ngủ. Nếu nặng thì rối loạn chức năng của hệ thống thần kinh trung ương, của hệ thống tim mạch, dẫn đến đau đầu, đau nhói ở vùng tim, gia tăng sự mệt mỏi và làm tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim.

            Bên cạnh đó, điện từ trường còn gây nên hiện tượng cảm ứng tĩnh điện.

            Các vật dụng bằng kim loại cách điện đối với đất như: mái tôn, máng sối, dây phơi, dây ăng- ten… gần đường dây cao áp thì trên vật đó sẽ xuất hiện hiện tượng cảm ứng tĩnh điện.

            Khi dùng bút thử điện chạm vào những vật này thì bút thử điện đều đỏ.

            Nếu người vô tình chạm vào những vật này đều có cảm giác bị điện giật.

            Dòng điện này gây cảm giác đau đớn, đặc biệt ở thời điểm bắt đầu tiếp xúc, đôi khi có hiện tượng phóng tia lửa điện kèm theo.

            Tuy vậy, dù điện áp cảm ứng tương đối cao nhưng dòng điện thực tế tương đối nhỏ. Thường thì dòng điện này không đủ gây tai nạn chết người nhưng gây tâm lý hoang mang, lo sợ và khó chịu cho con người.

            Ngoài ra có một số giả thuyết cho rằng: điện từ trường có thể gây ung thư, bệnh máu trắng, vô sinh. Tuy nhiên, những giả thuyết này không đủ cơ sở chứng minh và không được tổ chức y tế thế giới công nhận.

Các biện pháp phòng tránh

            Để phòng tránh ảnh hưởng của điện từ trường tần số công nghiệp đối với sức khoẻ con người và môi trường, ở Việt Nam đã tiến hành các biện pháp sau:

            Ban hành các quy định về trang bị điện đối với các đường dây cao áp và siêu cao áp. Ban hành các tiêu chuẩn về mức cường độ điện trường cho phép và quy định việc kiểm tra ở chỗ làm việc. Theo đó:

            – Cường độ điện trường tác dụng trực tiếp lên người không được lớn hơn 25 kV/m.

            – Mức cho phép của cường độ điện trường (E) phụ thuộc vào thời gian (T) mà con người chịu tác động trực tiếp của điện trường được quy định theo biểu thức sau:

            + T = 0 giờ khi E > 25 kV/m

            + T = 1/6 giờ khi 20 kV/m < E ≤ 25 kV/m

            + T = 50/E – 2 giờ khi 5 kV/m ≤ E ≤ 20 kV/m

            + Không hạn chế khi E < 5 kV/m

            – Cụ thể ta có thời gian cho phép làm việc trong một ngày đêm:

            Không cho phép làm việc ở những nơi có cường độ điện trường lớn hơn 25 kV/m nếu không có phương tiện bảo vệ.

            – Tất cả các kết cấu kim loại của công trình, nhà cửa, cột, xà, dầm kim loại, hàng rào, dây căng kim loại…cách đường dây và trạm 500kV dưới 100m và 220kV dưới 50m hay giao chéo với đường dây điện cao áp đều phải được nối đất.

            – Hàng năm, các đơn vị cần tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ công nhân làm việc trong các trạm và đường dây 220kV, 500kV theo quy định.

            – Phải đo cường độ điện trường ở chỗ làm việc của người lao động trong các trường hợp:

            + Khi đưa thiết bị mới vào vận hành.

            + Khi tổ chức chỗ làm việc mới.

            + Khi thay đổi kết cấu của thiết bị và các phương tiện bảo vệ cố định để phòng tránh ảnh hưởng của điện trường.

            + Khi sử dụng các sơ đồ thao tác mới.

            + Kiểm tra vệ sinh định kỳ.

           Kết quả đo phải được ghi vào biên bản.


(Nguồn tin: Trích dẫn: An toàn vệ sinh lao động trong sử dụng điện, NXB Lao động)