Hội thảo chuyên đề “Nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp giai đoạn 2025 – 2030”

Thứ Tư, 28/08/2024, 02:14(GMT +7)

Ngày 27/08/2024, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp giai đoạn 2025 – 2030” với mục tiêu cung cấp thông tin giúp định hướng lựa chọn chủ đề nghiên cứu về sức khỏe nghề nghiệp và nâng cao kỹ năng nghiên cứu khi đề xuất, thực hiện các nội dung nghiên cứu khoa học cho các nghiên cứu viên trong Viện.

TS.BS. Vũ Xuân Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp chủ trì Hội thảo

Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại trụ sở của Viện tại Hà Nội và trực tuyến đến 2 điểm cầu Phân Viện An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung và miền Nam, do TS.BS. Vũ Xuân Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp chủ trì. Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Anh Thơ- Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện KH AN toàn và vệ sinh lao động cùng toàn thể các cán bộ nghiên cứu của Viện ở khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Anh Thơ- Viện trưởng Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động nhấn mạnh, Hội thảo “Nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp giai đoạn 2025 – 2030” là cơ hội để các cán bộ nghiên cứu thuộc lĩnh vực Sức khỏe nghề nghiệp nói riêng và các cán bộ nghiên cứu trong các lĩnh vực khác cập nhật thông tin, thảo luận các xu hướng giúp định hướng lựa chọn chủ đề nghiên cứu; Học tập, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu như lựa chọn phương pháp nghiên cứu, thu thập phân tích đánh giá số liệu và trình bày kết quả, báo cáo khoa học… TS. Nguyễn Anh Thơ mong muốn Hội thảo sẽ mang lại nhiều kiến thức bổ ích, những ý tưởng đề xuất hướng nghiên cứu mới cho các bộ tham dự và kết quả của hội thảo lần này sẽ là tiền đề, cơ sở để Viện tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề, định hướng nghiên cứu cho các lĩnh vực khác.

TS. Nguyễn Anh Thơ phát biểu khai mạc Hội thảo “Nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp giai đoạn 2025 – 2030”

Hội thảo chuyên đề “Nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp giai đoạn 2025 – 2030” được tổ chức trong thời gian 1 ngày, bao gồm hai phiên làm việc buổi sáng  và buổi chiều với tổng số 13 báo cáo tham luận được trình bày và 2 nội dung trao đổi thảo luận cuối mỗi phiên làm việc. Các báo cáo tham luận tập trung vào các nội dung chính: Nghiên cứu đề xuất bổ sung bệnh nghề nghiệp; Khảo sát, nghiên cứu thực trạng, mô hình chăm sóc sức khỏe và Nghiên cứu đề xuất các sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp.

Các báo cáo đều được trình bày ngắn gọn, xúc tích, nội dung cô đọng tập trung vào các vấn đề cấp thiết liên quan đến lĩnh vực Sức khỏe nghề nghiệp đang được quan tâm trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay. Các báo cáo đã Tổng quan, rà soát các hướng dẫn, danh mục Bệnh nghề nghiệp hiện nay ở trong và ngoài nước cũng như so sánh danh mục các Bệnh nghề nghiệp đã được công nhận ở Việt Nam so với các tổ chức, các nước trên thế giới và các nước trong khu vực; Tổng quan được các bệnh nghề nghiệp theo các yếu tố gây bệnh như nhóm kim loại nặng, nhóm dung môi hữu cơ hoặc các nhóm bệnh theo cơ quan bị bệnh như bệnh hô hấp, bệnh theo các ngành nghề, yếu tố cụ thể; Bên cạnh đó các báo cáo cũng đã đưa ra được các nguyên tắc, tiêu chí, hướng lựa chọn các bệnh theo yếu tố gây bệnh, theo cơ quan bị bệnh… để nghiên cứu đề xuất bổ sung vào danh mục Bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại nước ta.

Toàn cảnh buổi Hội thảo chuyên đề “Nghiên cứu sức khỏe nghề nghiệp giai đoạn 2025 – 2030”

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi và thảo luận về những vấn đề khó khăn trong việc định hướng, lựa chọn hướng nghiên cứu và thực hiện nghiên cứu. Đồng thời, thảo luận đưa ra các giải pháp tháo gỡ và một số kiến nghị đề xuất với lãnh đạo Viện để tạo thuận lợi cho công tác nghiên cứu khoa học của Viện trong thời gian tới.

Kết thúc Hội thảo, TS.BS. Vũ Xuân Trung đã tổng hợp và đưa ra một số Hướng đề xuất nghiên cứu bổ sung bệnh nghề nghiệp trong thời gian tới:

– Ưu tiên nghiên cứu đề xuất các bệnh có trong danh mục khuyến cáo của ILO và các nước trong khu vực; bệnh gây tổn thương mạn tính, bệnh để lại di chứng tổn thương cơ thể…

– Tập trung nghiên cứu các bệnh do nhiều yếu tố tác hại nghề nghiệp gây ra, ưu tiên nhóm hoá chất như kim loại nặng; dung môi hữu cơ; nhóm hoá chất sử dụng trong các ngành có nguy cao, ngành nghề sử dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo, tuần hoàn…

Hạnh Tú