Phát hiện sớm các mối nguy hóa học

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:26(GMT +7)

Việc quản lý cần phát hiện sớm hoặc ước lượng các mối nguy thực sự và tiềm tàng trước khi hóa chất hay quá trình liên quan đến việc sử dụng hóa chất được đưa vào thiết bị. Việc phân tích mối nguy ở giai đoạn thiết kế sẽ bảo đảm rằng các biện pháp hợp lý được thực hiện trước khi bắt đầu vận hành.

Một số nội dung cụ thể trước mắt về công tác quản lý an toàn của doanh nghiệp được quy định trong Thông tư 43/2010/TT-BCT như sau.

1. Nội dung công tác quản lý an toàn:

Hệ thống quản lý an toàn.

Quản lý rủi ro.

Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp.

An toàn khu vực sản xuất.

2. Trong quản lý rủi ro, các doanh nghiệp có trách nhiệm:

2.1. Xây dựng nội dung đánh giá rủi ro, bao gồm:

– Xác định mối nguy hiểm;

– Đánh giá mức độ rủi ro;

– Các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu rủi ro.

2.2. Đánh giá rủi ro thực hiện theo phương pháp định lượng hoặc phương pháp định tính. Trường hợp không có quy định phải đánh giá rủi ro theo phương pháp định lượng thì doanh nghiệp có thể lựa chọn đánh giá rủi ro theo phương pháp định tính.

2.3. Định kỳ cập nhật Báo cáo phân tích, đánh giá rủi ro (được xác định, phân tích, đánh giá đối với tất cả các công trình, dây chuyền, máy, thiết bị, chất nguy hiểm…) theo quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể hoặc định kỳ 3 năm đối với các lĩnh vực chưa có quy định cụ thể.

2.4. Trường hợp doanh nghiệp có thay đổi về công nghệ, các máy, thiết bị, quy mô, địa điểm sản xuất hoặc sau các tai nạn, sự cố cần phải tiến hành đánh giá rủi ro lại để phù hợp với các thay đổi đó.

Để phát hiện sớm mối nguy, cần lưu ý các điểm sau đây:

– Trước khi sử dụng hoặc mua hóa chất, sản phẩm hóa học và quá trình hóa học mới
cần nghiên cứu các mối nguy tiềm tàng. Cũng cần thiết lập một quy trình thích hợp phân phối hóa chất.

– Các nhà cung cấp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về các mối nguy của hóa chất và yêu cầu bảo vệ trước các mối nguy đó, nếu cần thì những thông tin đó cần được cung cấp từ các nguồn khác. Không nên mua các sản phẩm hóa chất thiếu thông tin đó.

– Chỉ nên sử dụng các hóa chất độc hoặc nguy hiểm sau khi xem xét mức độ nguy cơ liên quan và cân nhắc các ảnh hưởng về mặt kinh tế và việc vận hành của cơ sở, nếu thay thế bằng các hóa chất ít độc và ít nguy hiểm hơn.

3. Một số chỉ dẫn về mối nguy sức khỏe và an toàn

Dưới đây là một số chỉ dẫn về mối nguy tới sức khỏe và an toàn:

– Quá trình hở nguy hiểm hơn quá trình kín;

– Vận hành thủ công (bằng tay) nguy hiểm hơn vận hành tự động;

– Quá trình nhiệt độ cao nguy hiểm hơn quá trình nhiệt độ thấp;

– Hệ thống áp suất cao nguy hiểm hơn hệ thống áp suất thấp;

– Chất khí thường nguy hiểm chất lỏng;

– Chất lỏng thường nguy hiểm hơn chất rắn;

– Dung môi hữu cơ thường nguy hiểm hơn dung môi là nước;

– Chất rắn tán nhỏ hoặc nghiền mịn nguy hiểm hơn chất rắn được vo viên;

– Chất lỏng có áp suất hơi cao nguy hiểm hơn chất lỏng có áp suất hơi thấp;

– Chất lỏng dễ cháy có nhiệt độ bốc cháy thấp nguy hiểm hơn chất lỏng có nhiệt độ bốc cháy cao;

– Chất lỏng có nhiệt độ tự bốc cháy thấp nguy hiểm hơn chất lỏng có nhiệt độ tự bốc
cháy cao;

– Khí hoặc hơi có khoảng cháy rộng thì nguy hiểm hơn khí hoặc hơi có khoảng cháy hẹp;

– Khí nén và khí được sử dụng trong môi trường áp suất cao thường nguy hiểm hơn khí được sử dụng ở áp suất khí quyển hay áp suất bình thường;

– Chất có nhiệt độ sôi thấp thường nguy hiểm hơn chất có nhiệt độ sôi cao.


(Nguồn tin: Tài liệu – Bảo hộ lao động, NXB Lao động, 2012)