Vẻ vang 95 năm Công đoàn Việt Nam và một số nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới

Thứ Hai, 29/07/2024, 04:14(GMT +7)

Lịch sử hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam

Lịch sử hình thành và phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 phố Hàng Nón – Hà Nội, Công hội đỏ Bắc Kỳ ra đời. Đây là tổ chức Công đoàn đầu tiên ở Việt Nam do Đảng ta sáng lập và rèn luyện, là tổ chức tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam ngày nay. Đó là sự kế thừa truyền thống Công hội Ba Son, là kết quả tất yếu của phong trào công nhân kết hợp với sự truyền bá và vận dụng tài tình, sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác- Lênin về tổ chức Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, là thành quả tất yếu của quá trình đấu tranh bảo vệ lợi ích dân tộc và quyền lợi của công nhân lao động. Sự ra đời của Công hội đỏ Bắc kỳ đã đánh dấu bước trưởng thành quan trọng về chính trị và tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ đây giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam nhanh chóng hòa nhập vào dòng thác cách mạng của dân tộc, của phong trào công nhân và Công hội đỏ quốc tế, trở thành lực lượng chính trị lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
trao Huân chương lao động hạng nhất cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập.
Ảnh Anh Thơ

Gần một thế kỷ qua, Công đoàn Việt Nam đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, khi hoạt động bí mật, lúc công khai và đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử: Công hội đỏ (1929 -1935), Nghiệp đoàn Ái Hữu (1935-1939), Hội công nhân Phản đế (1939 – 1941), Hội Công nhân cứu quốc (1941 – 1946), Tổng LĐLĐ Việt Nam (1946 -1961), Tổng Công đoàn Việt Nam (1961 – 1988) và từ năm 1988 đến nay là Tổng LĐLĐ Việt Nam. Song dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tên gọi nào, bản chất giai cấp của Công đoàn Việt Nam vẫn không thay đổi. Công đoàn Việt Nam luôn tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc, lợi ích của giai cấp và của người lao động, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết vận động CNVCLĐ cùng với quân, dân cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công đoàn Việt Nam đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, khẳng định vai trò nòng cốt trong xây dựng giai cấp công nhân

Trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động; đóng góp quan trọng, trực tiếp vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn luôn là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, tổ chức công đoàn đã có nhiều đột phá, đổi mới cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động. Cùng với sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn, giai cấp công nhân được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng; các cấp công đoàn đã chăm lo bồi dưỡng và giới thiệu hàng vạn công nhân, viên chức, lao động ưu tú để Ðảng, Nhà nước xem xét, bổ nhiệm, đề bạt vào các vị trí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp…

Yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra cho tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Bên cạnh cơ hội về việc làm, tiếp cận khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp và người lao động đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng để nâng cao năng suất lao động, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, cần thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, khẳng định được vai trò nòng cốt, trực tiếp trong xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh.

Công đoàn các cấp tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tổ chức, hoạt động của Công đoàn.

Tổ chức công đoàn thường xuyên thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền các cấp; xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đáp ứng nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, xã hội và toàn thể công nhân, viên chức, người lao động tin tưởng, giao phó. Đồng thời, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động và tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Các cấp công đoàn, cán bộ công đoàn và các hệ thống cần nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và cán bộ công đoàn để xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác sát hợp, khoa học, khả thi và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả; chú trọng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi hoạt động của công đoàn.

Ngoài ra, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; chăm lo bồi dưỡng để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; nhất định phải bảo đảm an toàn – vệ sinh lao động.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm đặc biệt, khẳng định vị trí quan trọng và tin tưởng, kỳ vọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Nhiệm kỳ 2023-2028, nhiệm kỳ hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, tổ chức công đoàn và phong trào công nhân, lao động Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển mới, lập nên những thành tích to lớn và ấn tượng hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân với đất nước và dân tộc; xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”.

Phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong thời gian tới, chúng ta tin tưởng rằng công đoàn sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu lao động, sản xuất, tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, góp phần tích cực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Anh Thơ