Kỹ thuật vi sinh an toàn – Kế hoạch dự phòng và xử lý trong trường hợp khẩn cấp

Thứ Ba, 19/12/2023, 10:36(GMT +7)

1. Kế hoạch dự phòng

Hầu hết các phòng thí nghiệm làm việc với vi sinh vật gây bệnh đều cần đề ra những nội quy an toàn phù hợp, để phòng ngừa sự lây nhiễm từ các vi sinh vật và động vật sang người trong khi thao tác.

Tất cả các phòng thí nghiệm và cơ sở nuôi động vật đều cần có kế hoạch dự phòng những rủi ro khi làm việc hoặc lưu giữ các vi sinh vật thuộc nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Các cơ quan quản lý địa phương và/hoặc quốc gia nên tham gia vào việc xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với các tình trạng khẩn cấp.

1.1. Kế hoạch phòng chống phơi nhiễm

Các hoạt động cần quan tâm:

  1. Phòng ngừa các thảm họa tự nhiên như cháy, nổ, lũ lụt, động đất …
  2. Đánh giá các nguy cơ (rủi ro) sinh học.
  3. Quản lý và khử trùng các vật liệu có nguy cơ lây nhiễm.
  4. Sơ tán người và động vật trong trường hợp khẩn cấp.
  5. Xử lý cấp cứu những người bị phơi nhiễm và tổn thương.
  6. Giám sát y khoa với những người bị phơi nhiễm.
  7. Khám và điều trị cho những người bị phơi nhiễm.
  8. Điều tra dịch tễ học.
  9. Các hoạt động cần làm sau tai nạn.

Khi xây dựng kế hoạch này, cần quan tâm đến các yếu tố và vấn đề sau:

  1. Xác định các sinh vật có độ nguy cơ và nguy hiểm cao.
  2. Khoanh vùng nguy hiểm cao (ví dụ: phòng thí nghiệm, khu vực cất giữ).
  3. Xác định cá nhân hay cộng đồng (nhóm người) có nguy cơ lây nhiễm.
  4. Xác định người có trách nhiệm và nhiệm vụ của họ, như: chuyên viên an toàn sinh học, nhân viên an toàn, cán bộ quản lý y tế địa phương, thầy thuốc lâm sàng, bác sỹ thú y, nhà dịch tễ học, nhà sinh vật học, cơ quan công an và phòng cháy, chữa cháy.
  5. Danh sách các cơ sở cách ly và điều trị bệnh nhân bị phơi nhiễm hoặc lây nhiễm.
  6. Phương tiện vận chuyển bệnh nhân bị phơi nhiễm và lây nhiễm.
  7. Danh sách nguồn huyết thanh miễn dịch, vắcxin, thuốc, trang thiết bị và vật tư chuyên dụng.
  8. Dự phòng các thiết bị khẩn cấp, như quần áo bảo hộ, thuốc tẩy trùng, các bộ chẩn đoán sinh học và hóa học, thiết bị và vật tư khử trùng.

1.2. Phòng ngừa các vật chứa prion

Prion được xem là “virut chậm”, liên quan tới một số bệnh như viêm não xốp truyền nhiễm, bệnh bò điên… liên quan đến hệ thần kinh trung ương, lách, đồi thị, hạch bạch huyết, phổi, lưỡi, mô cơ xương. Bất hoạt hoàn toàn prion khó đạt được, vì vậy nên dùng các dụng cụ dùng một lần và sử dụng vật che phủ dùng một lần trong tủ ATSH. Nhân viên PTN phải thận trọng để tránh nuốt phải các vật liệu nhiễm trùng hoặc bị chúng đâm vào da. Cần thực hiện các phòng ngừa sau vì quá trình khử trùng và tiệt trùng phòng thí nghiệm thông thường không tiêu diệt được vi sinh vật:

  1. Nên sử dụng thiết bị chuyên dụng, tức là không nên dùng chung các thiết bị đó với các phòng thí nghiệm khác.
  2. Phải mặc quần áo bảo hộ (áo choàng và tạp dề) và đeo găng tay dùng một lần (các nhà nghiên cứu bệnh học dùng găng có lưới kim loại ở giữa các găng cao su).
  3. Rất cần dùng đồ bằng nhựa tổng hợp loại dùng một lần; chúng được xử lý và vứt bỏ như rác khô.
  4. Những thiết bị xử lý mô không nên dùng vì có thể gặp khó khăn về tẩy trùng. Nên dùng thay thế bằng các lọ và cốc nhựa.
  5. Các thao tác cần được thực hiện trong tủ ATSH.
  6. Cần thận trọng khi làm việc nhằm tránh sự tạo thành các sol khí, nuốt phải chất nhiễm trùng, bị đứt hay bị vật nhọn đâm vào da.
  7. Mô được cố định bằng formalin nên được xem là còn khả năng lây nhiễm, ngay cả khi mẫu đã được ngâm trong formalin một thời gian dài.
  8. Về căn bản, các prion bị bất hoạt sau khi xử lý với axit formic 96% trong 1 giờ.
  9. Các rác thải, bao gồm găng tay dùng một lần, áo bảo hộ, tạp dề,… cần được hấp tiệt trùng ở áp suất cao tương đương 134 – 1370 C trong một chu trình dài (~18 phút), hoặc bằng 6 chu trình ngắn (3 phút) liên tục, rồi đem thiêu hủy.
  10. Các vật dụng dùng lại, như găng tay bằng lưới kim loại, cần thu gom để đem khử trùng.
  11. Các dịch lỏng nhiễm prion trước khi bỏ đi cần được xử lý với natri hypoclorit chứa clorine hoạt tính ở nồng độ cuối cùng là 20g/l (2%) trong 1 giờ.
  12. Các quy trình tiệt trùng bằng hơi paraformaldehyde không làm giảm prion và các prion chịu được tia tử ngoại. Tuy vậy, các tủ ATSH cần được khử trùng theo phương pháp chuẩn (dùng khí formaldehyt) để làm bất hoạt các tác nhân khác nếu có.
  13. Các tủ ATSH và các bề mặt nhẵn bị nhiễm prion có thể được làm sạch bằng dung dịch natri hypoclorit ở nồng độ cuối cùng là 20g/l (2%) trong 1 giờ.
  14. Các bộ lọc HEPA sau khi dùng nên đem thiêu ở nhiệt độ tối thiểu là 10000 C. Trước khi thiêu đốt cần:

           – Phun vào bề mặt phơi nhiễm của màng lọc bằng keo xịt tóc trước khi tháo rời.

           – Bao bọc kín màng lọc HEPA trong khi tháo dỡ.

           – Bỏ màng lọc HEPA ra khỏi không gian làm việc để không làm lây nhiễm đến hệ thống thông khí tổng của tủ ATSH.

  1. Các dụng cụ nên được ngâm trong dung dịch natri hypoclorit chứa 2% clorine trong vòng 1 giờ, rồi sau đó rửa sạch bằng nước và đem hấp tiệt trùng.
  2. Các dụng cụ không thể hấp tiệt trùng được làm sạch bằng cách rửa lặp lại với dung dịch natri hyproclorit chứa 2% clorine trong thời gian trên 1 giờ. Sau đó, dùng nước rửa sạch dung dịch natri hyproclorit dính vào dụng cụ một số lần.

1.3. Mở ống, lọ chứa vật liệu nhiễm trùng

Cần thận trọng khi mở các ống chứa vật liệu đông khô, vì các vật liệu trong ống đang ở áp suất thấp và không khí tràn vào có thể làm bắn một phần ra ngoài khoảng không xung quanh. Cần mở các ống đó trong tủ ATSH theo các bước như sau:

  1. Đầu tiên làm sạch bề mặt ngoài của ống (ví dụ: bằng cồn ethanol 70%).
  2. Giũa thành vòng quanh ống về phía nửa đầu có nút bông hoặc giấy, nếu có.
  3. Giữ ống bằng bông tẩm cồn để bảo vệ tay trước khi bẻ ống.
  4. Gỡ bỏ phần đầu ống nhẹ nhàng và xử lý như với vật bị nhiễm khuẩn.
  5. Nếu nút vẫn còn trên ống, gỡ bỏ nó bằng kẹp vô khuẩn.
  6. Thêm dung dịch tạo huyền phù vào ống một cách chậm rãi để tránh tạo bọt.

1.4. Phòng ngừa chuẩn khỏi mẫu máu, dịch tiết, mô và các dịch cơ thể khác

Những biện pháp phòng ngừa chuẩn được đua ra nhằm làm giảm nguy cơ lan truyền vi sinh vật từ cả các nguồn nhiễm trùng xác định hoặc chưa xác định.

Thu thập, dán nhãn và vận chuyển mẫu

– Luôn tuân thủ các phòng ngừa chuẩn; đeo găng tay trong tất cả các quy trình.

– Chỉ để nhân viên đã qua đào tạo thu thập mẫu máu từ bệnh nhân và động vật.

– Để lấy máu tĩnh mạch, nên dùng dụng cụ hút chân không an toàn thay cho xilanh và kim tiêm thông thường để có thể thu máu trực tiếp vào ống nghiệm có nắp và/hoặc ông nghiệm nuôi cấy; đầu kim tự hủy sau khi dùng.

– Các ống nghiệm nên đặt trong vật chứa phù hợp để vận chuyển đến phòng thí nghiệm (xem mục về các yêu cầu vận chuyển) và trong các cơ sở phòng thí nghiệm (xem mục vận chuyển mẫu trong các cơ sở phòng thí nghiệm ở cuối chương này). Phiếu yêu cầu nên được đặt riêng trong các túi hay phong bì không thấm nước.

– Người nhận mẫu không nên mở những túi này.

Mở mẫu và các ống đựng mẫu

– Nên mở các ống đựng mẫu trong tủ ATSH

– Phải đeo găng. Nên dùng kính bảo hộ mắt hoặc mặt nạ bảo hộ.

– Nên đeo tạp dề bằng nhựa tổng hợp bên ngoài quần áo bảo hộ.

– Các nút đậy nên có miếng lót giấy hoặc gạc để tránh chất lỏng văng bắn.

Thủy tinh và các dụng cụ sắc nhọn

– Nếu có thể, nên dùng nhựa tổng hợp thay cho thủy tinh. Chỉ dùng loại thủy tinh cho phòng thí nghiệm (borosilicate) và phải vứt bỏ mọi vật dụng bị nứt hoặc vỡ.

– Không được dùng kim tiêm với xylanh thay cho pipet.

Tiêu bản và bệnh phẩm để soi kính hiển vi

Việc cố định và nhuộm mẫu máu, đờm hoặc phân để làm tiêu bản hiển vi không diệt được hết các vi sinh vật hay virut của mẫu bệnh phẩm. Các tiêu bản và bệnh phẩm nên thao tác bằng panh, lưu giữ và được tẩy trùng hoặc hấp tiệt trùng trước khi vứt bỏ.

Thiết bị tự động (máy siêu âm, máy khuấy trộn)

– Thiết bị cần được thiết kế kín để tránh gây tràn dịch hay phát tán sol khí.

– Vật rơi vãi cần được bỏ vào bình kín để đem hấp tiệt trùng hoặc vứt bỏ.

– Tẩy trùng thiết bị vào cuối ngày làm việc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các mẫu mô

– Nên dùng formalin để cố định mẫu.

– Không cắt các mẫu mô đông lạnh. Nếu cần thiết, phải dùng tấm chắn phủ ngoài mẫu đông lạnh và người thực hiện phải mang mặt nạ bảo hộ. Để tiệt trùng, nhiệt độ của thiết bị phải tăng lên ít nhất 200 C.

Tẩy trùng

Nên sử dụng hyproclorit hoặc một số chất tẩy trùng mạnh khác cho các quy trình tẩy trùng. Các dung dịch hyproclorit chuẩn bị mới có nồng độ chlorine hoạt động là 1g/l được dùng cho các mục đích chung và 5g/l để tẩy trùng các vết máu. Glutaraldehyde có thể dùng để tẩy trùng các bề mặt.

2. Cách xử lý trong tình trạng khẩn cấp

Tổn thương, vết cắt và trầy gia: người bị tổn thương cần chở bỏ quần áo bảo hộ, rửa và lau sạch vùng bị tổn thương bằng thuốc sát trùng phù hợp và yêu cầu chăm sóc y tế theo mức độ cần thiết. Cần báo cáo nguyên nhân của tổn thương, cũng như lưu giữ hồ sơ y khoa đầy đủ và chính xác.

Nuốt phải các vật có nguy cơ lây nhiễm: cởi bỏ quần áo bảo hộ và yêu cầu chăm sóc y tế. Xác định vật liệu nuốt phải, báo cáo tình huống tai nạn và lưu giữ hồ sơ y khoa đầy đủ, chính xác.

Phát tán nguồn sol khí có khả năng lây nhiễm (bên ngoài tủ ATSH): Sơ tán người lập tức khỏi khu vực bị nhiễm, người bị phơi nhiễm nên được xử lý theo hướng dẫ y tế. Thông báo ngay cho giám sát viên phòng thí nghiệm và nhân viên an toàn sinh học. Không ai được vào phòng thí nghiệm trong thời gian nhất định (ví dụ: 1 giờ) để nguồn sol khí được hút ra. Nếu phòng thí nghiệm không có hệ thống thoát khí trung tâm, thì thời gian chờ này phải dài hơn (ví dụ:24 giờ). Dán biển báo cấm vào. Sau một thời gian phù hợp, tiến hành khử độc dưới sự giám sát của nhân viên an toàn sinh học. Mặc quần áo bảo hộ phù hợp, đeo khẩu trang hoặc mặt nạ phòng độc (nếu cần).

Vỡ vật chứa và đổ chất nhiễm khuẩn: khi chất nhiễm khuẩn bị đổ ra ngoài, lấy một tấm vải hoặc khăn giấy phủ lên, rồi dùng chất tẩy trùng phun lên bề mặt chỗ chất nhiễm khuẩn bị đổ ra và để một thời gian nhất định. Sau đó, dọn vải hay khăn giấy và vật liệu bị đi, nên dùng panh hoặc kẹp để nhặt các mảnh vỡ. Khu vực bị nhiễm được lau chùi bằng chất tẩy trùng. Dụng cụ hốt rác sau đó được khử trùng hoặc ngâm trong chất tẩy trùng thích hợp. Bỏ vải, khăn giấy và giẻ lau vào thùng chất thải nhiễm khuẩn. Luôn mang găng tay khi thực hiện các thao tác trên. Nếu chất nhiễm khuẩn rơi rớt vào tài liệu in ấn, thì cần sao chép lại thông tin rồi vứt bản chính đó vào thùng chứa chất thải nhiễm trùng.

Vỡ ống ly tâm chứa chất nhiễm trùng trong rôto không có nắp kín: Nếu đổ vỡ xẩy ra khi máy đang chạy, thì tắt động cơ và để yên máy (khoảng 30 phút). Nếu đổ vỡ được phát hiện sau khi máy đã dừng, thì nên thay nắp đậy, đóng máy lại và để yên (khoảng 30 phút). Trong cả 2 trường hợp, phải báo với nhân viên an toàn sinh học.

Sử dụng loại găng tốt (bằng cao su dày), thậm chí loại chỉ dùng một lần, cùng với các panh kẹp (có thể cặp với bông) để thu nhặt các mảnh vỡ thủy tinh. Tất cả các ống bị vỡ, mãnh thủy tinh, thùng đựng ống ly tâm, trục quay và roto nên được ngâm chất tẩy trùng không ăn mòn và diệt được các vi sinh vật liên quan. Các ống có nắp không bị vỡ cần ngâm với chất tẩy trùng trong vật chứa riêng, sau đó rửa sạch và có thể dùng lại. Bát của máy ly tâm cũng nên được lau bằng chất tẩy trùng tương tự với nồng độ pha loãng hợp lý, sau đó lau sạch bằng nước rồi lau khô. Tất cả giẻ lau sau đó được xử lý như rác thải nhiễm khuẩn.

Vỡ ống nghiệm trong thùng ly tâm kín: Tất cả các thao tác xếp ống nghiệm vào và lấy ra khỏi thùng đựng ống nghiệm kín của máy ly tâm được thực hiện trong tủ BSC. Nếu nghi ngờ có đổ vỡ trong thùng, cần tháo nắp thùng rồi tiến hành khử trùng các vật liệu và thiết bị bằng phương pháp hấp tiệt trùng hoặc hóa học.

Hỏa hoạn và thiên tai: Khi xây dựng quy trình ứng phó với tình trạng khẩn cấp không thể không quan tâm đến nguy cơ hỏa hoạn. Cần có sự tư vấn của cơ quan phòng cháy, chữa cháy địa phương. Sắp xếp để cơ quan này thăm để làm quen mặt bằng bố trí và các nội dung có trong phòng thí nghiệm là việc làm cần thiết.

Sau thảm họa thiên nhiên, cần thông báo với cơ quan có thẩm quyền địa phương về các nguy cơ bên trong phòng thí nghiệm hoặc ở các tòa nhà gần phòng thí nghiệm. Người của các tổ chức này chỉ vào phòng thí nghiệm khi có nhân viên phòng thí nghiệm đi cùng. Vật liệu lây nhiễm cần được thu dọn vào các vật chứa không rò rỉ hoặc các túi dày dùng một lần. Công việc thải loại cuối cùng do chuyên viên an toàn sinh học quyết định căn cứ theo quy định của địa phương.

Ứng phó khẩn cấp: những ai cần liên lạc?

Điện thoại và địa chỉ sau đây cần đặt ở những nơi dễ cháy của phòng thí nghiệm:

– Chính cơ quan hay phòng thí nghiệm đó (người gọi đến hoặc người được gọi đôi khi không biết hoặc nhớ thông tin cụ thể).

– Lãnh đạo cơ quan hay phòng thí nghiệm.

– Giám sát viên phòng thí nghiệm.

– Chuyên gia an toàn sinh học.

– Cơ quan phòng cháy, chữa cháy.

– Bệnh viên/dịch vụ cấp cứu/nhân viên y tế (tên chuyên khoa, nhân viên – nếu có).

– Cơ quan công an.

– Bác sĩ.

– Kỹ thuật viên chuyên trách.

– Các cơ quan cấp nước khí và điện.

Trang thiết bị sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp:

Phải có sẵn các trang thiết bị câp cứu sau:

– Bộ thiết bị sơ cứu, gồm cả thuốc giải độc chung và đặc hiệu.

– Bình chữa cháy, mền dập lửa (đặt ở vị trí phù hợp và dễ lấy).

Các thiết bị sau cũng nên có, nhưng có thể thay đổi tùy trường hợp cụ thể:

– Quần áo bảo hộ (áo liền quần, găng tay, mũ … tùy loại ứng với các sinh vật thuộc nhóm nguy cơ 3 và 4).

– Mặt nạ phòng độc che kín mặt và có hộp thở chứa các hạt lọc.

– Thiết bị khử trùng trong phòng, ví dụ: bình xịt và phun hơi formaldehyde.

– Cáng cứu thương.

– Các dụng cụ nhỏ thông dụng như cưa, búa, cờ lê, thang, dây thừng…

– Bảng thông báo ranh giới khu vực nguy hiểm và các cảnh báo khác.

3. Kỹ thuật tẩy uế và khử trùng

Các kiến thức cơ bản về khử trùng và tiệt trùng rất quan trọng đối với an toàn sinh học phòng thí nghiệm. Vì những vật nhiễm bẩn nặng không thể khử trùng hoặc tiệt trùng ngay được, nên những hiểu biết cơ bản về các nguyên tắc lau chùi trước khi khử trùng có tầm quan trọng không kém. Về mặt này, những nguyên tắc chung sau đây được áp dụng cho tất cả các loại vi sinh vật gây bệnh đã biết.

Các yêu cầu khử trùng cụ thể phụ thuộc vào dạng công việc thực nghiệm và bản chất của tác nhân lây nhiễm khuẩn. Những thông tin chung nêu ra ở đây có thể dùng để xây dựng những quy trình chung hoặc đặc thù để giải quyết các nguy hiểm sinh học ở một phòng thí nghiệm cụ thể. Thời gian ngâm với các chất khử trùng phụ thuộc vào từng loại vật liệu và chất khử trùng. Vì vậy, việc sử dụng chất khử trùng để làm sạch những vật liệu nhất định nên theo khuyến cáo của các nhà sản xuất.

3.1. Các khái niệm

Có nhiều thuật ngữ khác nhau về sự khử trùng (disinfection) và tiệt trùng (sterilization). Sau đây là những thuật ngữ thường được dùng trong an toàn sinh học.

  1. Kháng vi sinh (antimicrobal): là tác nhân diệt vi sinh vật hoặc ức chế sự sinh trưởng và nhân lên của chúng.
  2. Chất sát trùng (antiseptic): là chất ức chế sinh trưởng của vi sinh vật nhưng không nhất thiết tiêu diệt chúng. Sát trùng thường dùng trên bề mặt cơ thể.
  3. Chất hủy diệt (biocide): thuật ngữ cho tất cả các tác nhân diệt vi sinh vật.
  4. Chất diệt trùng (chemical germicide): một chất hoặc hỗn hợp các chất dùng để diệt vi sinh vật.
  5. Khử nhiễm (decontamination): là quá trình loại bỏ hoặc diệt vi sinh vật. Thuật ngữ ngày còn được dùng mô tả quá trình loại bỏ hoặc trung hòa các chất hóa học nguy hiểm và/hoặc vật liệu phóng xạ.
  6. Chất khử trùng (disinfectant): là một chất hoặc hỗn hợp các chất hóa học diệt vi sinh vật nhưng không triệt để với bào tử. Chất khử trùng thường được dùng cho bề mặt đồ vật hoặc cả đồ vật.
  7. Sự khử trùng (disinfection): việc sử dụng phương pháp vật lý hoặc hóa học để diệt vi sinh vật, nhưng không triệt để với bào tử.
  8. Chất diệt khuẩn (microbicide): là hóa chất hoặc hỗn hợp các hóa chất diệt vi sinh vật. Thuật ngữ này cũng được dùng thay cho “chất hủy diệt”, “hóa chất diệt trùng” hay “kháng vi sinh”.
  9. Chất diệt bào tử (sporocide): là hóa chất hoặc hỗn hợp các hóa chất được dùng để diệt vi sinh vật và bào tử.
  10. Sự tiệt trùng (sterilization): là quá trình diệt và/hoặc loại bỏ tất cả các vi sinh vật và bào tử.

3.2. Làm sạch vật liệu thí nghiệm

Làm sạch là loại bỏ bụi bẩn, chất hữu cơ, thuốc nhuộm và các vết hoen ố; bằng cách quét, hút bụi, lau khô, rửa hay lau chùi bằng nước xà phòng hoặc chất tẩy. Bụi, chất bẩn hay chất hữu cơ có thể bao bọc vi sinh vật và gây cản trở hoạt động diệt vi sinh vật của chất khử khuẩn (chất sát trùng, chất diệt trùng và chất khử trùng).

Làm sạch mẫu, vật là cần thiết để đạt được hiệu quả khử trùng hoặc tiệt trùng tốt nhất. Nhiều chất diệt trùng chỉ phát huy hiệu quả trên các mẫu, vật đã được làm sạch. Thao tác làm sạch ban đầu cần thận trọng nhằm tránh phơi nhiễm với các tác nhân lây nhiễm (chưa được tiệt trùng).

Phải dùng các vật liệu tương thích với chất diệt trùng. việc sử dụng cùng một loại chất sát trùng để lau chùi và tiệt trùng sau đó là khá phổ biến.

3.3. Các chất hóa học diệt khuẩn

Nhiều loại hóa chất được dùng làm chất sát trùng hoặc khử trùng. Vì số lượng và chủng loại các biệt dược được bán trên thị trường ngày càng tăng lên nhanh chóng, cần có sự thận trọng trong việc lựa chọn loại hóa chất phù hợp theo yêu cầu cụ thể.

Hiệu quả diệt khuẩn của nhiều hóa chất khử trùng nhanh hơn và tốt hơn ở nhiệt độ cao. Tuy vậy, ở nhiệt độ cao các chất khử trùng lại dễ bay hơi, đồng thời dễ bị phân hủy. Cần phải cẩn thận đặc biệt khi cất giữ và sử dụng những hóa chất đó trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nơi mà thời hạn sử dụng của chúng có thể bị giảm vì nhiệt độ môi trường xung quanh cao. Nhiều chất khử trùng có thể gây hại cho người và môi trường. Chúng cần được lựa chọn, bảo quản, vận chuyển, sử dụng và loại bỏ đúng quy cách. Cần tuân thủ các chỉ dẫn của nhà sản xuất và mang đồ bảo hộ (găng tay, kính mắt, áo choàng …) trong quá trình chuẩn bị, pha loãng và tiến hành khử trùng.

Các chất khử trùng thường không được dùng hàng ngày để lau sàn nhà, tường hay các dụng cụ, đồ đạc. Nhưng chúng có thể dùng cho mục đích này trong một số trường hợp phòng chống dịch. Sử dụng đúng các hóa chất khử trùng góp phần làm tăng tính an toàn nơi làm việc, đồng thời làm giảm nguy cơ của các tác nhân nhiễm trùng. Trong chừng mực có thể, nên hạn chế sử dụng lượng hóa chất khử trùng vừa để tiết kiệm, vừa dễ kiểm soát lượng tồn dư và giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Dưới đây mô tả các chất khử trùng thông dụng và đặc tính an toàn của chúng. Nếu không có chỉ dẫn thêm, nồng độ các chất được tính theo khối lượng/thể tích (w/v). Bảng 1 tóm tắt các nồng độ pha loãng được khuyến cáo đối với chất chứa clo.

a) Chất tẩy chứa clo – Natri hypoclorit NaCl và Canxi hypoclorit Ca(ClO­­2 )

Clo là một chất oxy hóa mạnh, phổ rộng, phổ biến. Nó thường được bán ở dạng chất tẩy (NaOCl), có thể pha với nước để cung cấp clo ở các nồng độ khác nhau.

Clo, nhất là dạng chất tẩy trắng, có tính kiềm cao, có thể ăn mòn kim loại. Hoạt tính của nó bị giảm đi đáng kể bởi các chất hữu cơ ( như protein). Khi vật đựng chất tẩy bị hở, hoặc khi ở dạng khô, hoạt lực diệt trùng giảm đi đáng kể do clo bị giải phóng; điều này đặc biệt đúng khi ở nhiệt độ cao. Cần thay dung dịch tẩy trùng sau bao lâu phụ thuộc vào điều kiện bảo quản và nồng độ clo ban đầu. Hướng dẫn chúng là: nếu dung dịch tẩy trùng tiếp xúc với các chất hữu cơ nhiều lần trong ngày thì phải thay dung dịch hàng ngày, còn với tần suất ít hơn thì có thể sử dụng trong một tuần.

Các chất clo thường được dùng với mục đích tẩy trùng thông thường ở nồng độ 1g/l clo hoạt tính. Dung dịch mạnh hơn chứa 5g/l clo được dùng để xử lý sự cố tràn đổ các chất nguy hiểm sinh học (ở lượng lớn) hoặc khi có nhiều chất hữu cơ. Dung dịch natri hypocloride ở dạng chất tẩy gia dụng thường chứa 50g/l clo, do đó cần được pha loãng với tỷ lệ 1:50 hoặc 1:10 để có nồng độ cuối cùng tương ứng là 1g/l và 5g/l. Các dung dịch tẩy công nghiệp thường có nồng độ natri hypoclorit gần 120g/l, cần được pha loãng hơn theo tỷ lệ phù hợp để có được nồng độ mong muốn.

Chất khử trùng canxi hypoclorit Ca(ClO)2, thường được bán ở dạng hạt hoặc viên nhỏ có hàm lượng 70% clo. Các dung dịch được pha từ các hạt hoặc viên theo tỉ lệ w/v là 1,4g/l và 7,0% để thu được nồng độ tương ứng là 1g/l và 5g/l clo. Chất tẩy công nghiệp không được coi là chất diệt trùng, nhưng có thể được dùng để ngâm các dụng cụ phi kim loại bị ô nhiễm. Trong tình trạng khẩn cấp, chất tẩy trắng cũng có thể được dùng để khử trùng nước uống ở nồng độ cuối cùng là 1 – 2 mg/l clo.

Khí clo rất độc. Vì thế chất tẩy phải được giữ ở những nơi thoáng gió. Ngoài ra, các chất tẩy không được trộn với axit để tránh giải phòng nhanh khí clo. Nhiều sản phẩm phụ của khí clo có thể gây hại cho người và môi trường. Vì vậy, không lạm dụng chất tẩy chứa clo một cách tùy tiện, bao gồm cả việc hạn chế sử dụng chất tẩy trắng.

  1. Natri dichloroisocyanurate (NaDCC – C3N3O3Cl2Na)

NaDCC dạng bột chứa 60% clo. Dung dịch pha NaDCC bột với nồng độ 1,7g/l và 8,5g/l chứa 1g/l hoặc 5g/l clo. Mỗi viên NaDCC thường chứa khoảng 1,5g clo. Một hoặc bốn viên hòa tan trong một lít nước sẽ cho nồng độ tương ứng là 1g/l hoặc 5g/l. NaDCC ở dạng viên hay bột đều dễ bảo quản và an toàn. Các dịch máu hoặc dịch sinh học khác tràn đổ có thể xử lý bằng bột NaDCC trong 10 phút trước khi hốt bỏ. Sau đó, có thể làm sạch kỹ hơn khu vực bị nhiễm.

  1. Các hợp chất cloramin

Các hợp chất cloramin (ví dụ: cloramin T- CH3C6H4SO2NclNa.3H2O) thường ở dạng bột chứa 25% clo. Cloramin phóng thích clo chậm hơn hypoclorit. Vì vậy, nồng độ cloramin ban đầu phải cao hơn mới có hiệu quả tiệt trùng tương đương. Tuy vậy, nồng độ cloramin ban đầu phải cao hơn mới có hiệu quả tiệt trùng tương đương. Tuy vậy, do hiệu suất tiệt trùng của loramin ít bị ảnh hưởng bởi chất hữu cơ hơn so với hypoclorit, nên nồng độ cloramin gần như không mùi; vì vậy, cần xả nước cẩn thận nhiều lần những vật dụng ngâm trong nó nếu muốn loại bỏ hết chất khử trùng.

  1. Clodioxit (ClO2)

Clo dioxit là chất diệt trùng, khử nhiễm và ôxy hóa tác động nhanh và mạnh, thường được ghi nhận là hoạt động ở nồng độ thấp hơn so với các hợp chất clo dùng để tẩy trắng. Clo dioxit là chất không bền, dễ bị phân hũy thành khí Cl­2 và O2, đồng thời tỏa nhiệt. Tuy nhiên ClO2 có thể hòa tan trong nước và bền ở dạng dung dịch. Người ta thu nhận Clo2 bằng 2 cách: (1) cho phản ứng giữa HCl và NaClO2 để tạo ClO2, (2) để ở dạng ổn định và được hoạt hóa khi cần.

Trong các chất hủy diệt ôxy hóa, clo dioxit là chất oxy hóa có tính chọn lọc nhất. Ozon và clo có tính phản ứng rộng hơn so với clo dioxit, và chúng bị “bắt giữ” bởi hầu hết các chất hữu cơ. Trong khi đó, clo dioxit chỉ phản ứng với các hợp chất khử chứa lưu huỳnh, với các amin bậc 2 và 3, và với một vài hợp chất hữu cơ khác có tính khử hoặc phản ứng mạnh. Vì thế, nếu dùng với một lượng clo dioxit thấp hơn so với các chất tẩy chứa clo hoặc ozone, có thể còn một lượng tồn dư bền vững. Nói cách khác, nếu được tạo ra hợp lý, clo dioxit hiệu quả hơn so với ozon hoặc clo trong những trường hợp lượng chất hữu cơ lớn, nhờ tính chọn lọc của nó.

  1. Formaldehyt (HCHO)

Formaldehyt là một chất khí diệt được tất cả các vi sinh vật và bào tử của chúng ở nhiệt độ trên 20oC. Tuy nhiên, nó không diệt được các prion.

Hiệu quả tác động của Formaldehyt tương đối chậm và cần độ ẩm tương đối trên 70%. Nó thường được bán trên thị trường ở hai dạng: cao phân tử rắn (paraformaldehyt) ở dạng bột hoặc viên; hoặc ở dạng dung dịch khí (formalin) tan trong nước ở nồng độ 370g/l (37%) hay được bổ sung chất ổn định metanol (100ml/l). Cả hai dạng sản phẩm này đều được làm nóng để giải phóng khí, và khí này có tác dụng diệt trùng trong một không gian kín như tủ an toàn sinh học hay phòng thí nghiệm (xem phần khử khuẩn trong môi trường kín ở chương này). Formaldehyt (5% formalin trong nước) có thể dùng như chất khử nhiễm lỏng.

Formaldehyt bị nghi ngờ có khả năng gây ung thư. Đây là chất gây kích ứng, nguy hiểm, có mùi hăng và hơi của nó có thể gây kích thích mắt và màng nhầy. Vì thế, phải bảo quản và chỉ sử dụng trong tủ hút hoặc những nơi thoáng gió. Việc sử dụng chất tiệt trùng này phải tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hóa học của quốc gia.

  1. Glutaraladehyt

Giống như formaldehyt, glutaraladehyt (OHC (CH2)3CHO) cũng có hoạt tính diệt khuẩn, bào tử, nấm và virut có hoặc không có lipit. Nó không có tính ăn mòn và hoạt tính cao hơn formaldehyt. Tuy nhiên, hiệu suất diệt bào tử cần nhiều giờ.

Glutaraladehyt thường được bán ở dạng dung dịch với nồng độ khoảng 20mg/l (2%) và một số sản phẩm cần được hoạt hóa (kiềm hóa) trước khi sử dụng bằng bổ sung bicacbonat. Dung dịch có thể dùng lại trong thời gian từ 1 đến 4 tuần tùy thuộc vào vật liệu được khử trùng và tần suất sử dụng. Một số que thử nhanh cung cấp thông tin về mức hoạt động của glutaraladehyt. Dung dịch glutaraladehyt cần được loại bỏ khi trở nên vẫn đục.

Glutaraladehyt độc, gây kích ứng da và màng nhầy; vì vậy, cần tránh tiếp xúc trực tiếp. Phải dùng trong tủ hút hoặc ở những nơi thoáng gió. Không nên dùng kiểu phun sương hay để khử trùng bề mặt làm việc. Cần tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn hóa học của quốc gia.

  1. Các hợp chất phenol

Các hợp chất phenol là một nhóm lớn gồm nhiều chất, thuộc những chất diệt khuẩn được con người sử dụng sớm nhất. Tuy vậy, một số vấn đề về an toàn gần đây dẫn đến xu hướng giảm sử dụng nhóm hợp chất này. Chúng có hoạt tính diệt các vi khuẩn đang sinh trưởng và các virut chứa lipit; ngoài ra, có hoạt tính diệt mycobacteria nếu được pha loãng phù hợp. Tuy vậy, nó không có hoạt tính diệt bào tử, còn hoạt tính diệt các virut không chứa lipit thì không ổn đinh. Nhiều hợp chất phenol được dùng để khử nhiễm bề mặt và một số chất (như triclosan và cloroxylenol) là những chất sát trùng được dùng rộng rãi.

Triclosan thường được bổ sung vào các nước xà phòng rửa tay. Nó chủ yếu có hoạt tính chống vi khuẩn đang sinh trưởng, và an toàn với da và các màng nhầy. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy vi khuẩn kháng lại triclosan ở nồng độ thấp thường đồng thời có hoạt tính kháng các chất kháng sinh. Các hợp chất phenol không nên dùng để làm sạch các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, hoặc nơi vui chơi của trẻ nhỏ. Chúng có thể được hấp thụ qua cao su hoặc ngấm qua da. Nên sử dụng tuân theo các tiêu chuẩn an toàn hóa học của quốc gia.

  1. Hợp chất amini bậc 4

Nhiều hợp chất amoni bậc 4 được dùng ở dạng hỗn hợp với một số chất diệt trùng khác như etanol. Chúng có tác dụng tốt với vi khuẩn đang sinh trưởng và virut không chứa lipit. Một số loại (như benzakoni clorit) được dùng như chất khử trùng.

Tác dụng tẩy trùng của một vài hợp chất amoni bậc 4 giảm đáng kể bởi các chất hữu cơ, nước cứng và các anion. Do vậy, cần quan tâm chọn lựa tác nhân lau chìu mẫu, vật trước khi khử trùng bằng amoni bậc 4. Một số vi khuẩn gây hại có thể mọc trong dung dịch chứa amoni bậc 4. Vì tốc độ phân hủy chậm, nên các hợp chất này thường tồn dư lâu trong môi trường.

  1. Các alcohol (cồn)

Ethanol (ethyl alcohol, C2H5OH) và 2 – propanol (CH3)2CHOH) là các chất có đặc tính khử trùng tương tự nhau. Chúng có khả năng diệt các vi khuẩn đang sinh trưởng, nấm và các virut chứa lipit, nhưng không diệt được các bào tử. Hoạt tính của chúng trên các virut không chứa lipit không ổn định. Để đạt hiệu quả cao nhất, cần dùng ở nồng độ 70% (thể tích/thể tích); ở các nồng độ cao hoặc thấp, tác dụng diệt trùng có thể bị giảm hoặc mất. Ưu điểm rõ nhất của dung dịch cồn là chugns không lưu lại trên vật được xử lý.

Hỗn hợp với các tác nhân khác có hiệu quả hơn khi dùng riêng lẻ, ví dụ cồn 70% kết hợp với 100g/l formaldehyt hoặc cồn chứa 2g/l clo. Cồn 70% có thể bôi trên da, lau chùi bề mặt làm việc trong phòng thí nghiệm, ghế, tủ an toàn sinh học và ngâm các dụng cụ thao tác nhỏ. Vì etanol có thể làm khô da, nên chúng thường được trộn với chất làm mềm da. Nước rửa tay chứa cồn được dùng để diệt khuẩn, hoặc rửa các chất bẩn nhẹ ở tay mà vốn không rửa hết bằng nước thông thường. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, cồn không có hoạt tính diệt các bào tử và các virut không chứa lipit.

Vì cồn dễ bay hơi và dễ cháy nên không được để gần nguồn lửa (ví dụ: đèn cồn) và cần được cất giữ trong các bình kín. Cồn có thể làm cứng cao su và hòa tan một số keo dính. Việc quản lý và bảo quản etanol dùng để diệt khuẩn cần tiến hành đúng cách để tránh dùng nhầm vào mục đích (ví dụ: làm chất đốt). Chai đựng cồn cần có nhãn ghi rõ ràng để tránh đem hấp tiệt trùng do nhầm lẫn.

  1. Iot và các hợp chất chứa iot

Hoạt tính của những chất này tương tự như của clo, mặc dù chúng có thể ít bị hạn chế hơn bởi các chất hữu cơ. Iot làm biến màu vải và các bề mặt, nên không phù hợp làm chất tẩy. Tuy vậy, các hợp chất chứa iot có hoạt tính diệt khuẩn tốt. Polyvidoniot là chất khử trùng tin cậy và an toàn cho do, thường được dùng rửa tay trước khi phẫu thuật. Các chất khử trùng chứa iốt thường không phù hợp để khử trùng các dụng cụ y khoa/nha khoa. Tránh sử dụng các chất chứa iốt với đồng hoặc nhôm.

Iot có thể gây độc. Các sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc iot cần được bảo quản ở nhiệt độ 4-100C để tránh sự phát triển có thể của một số vi khuẩn gây hại.

  1. Hydro peroxit (ôxy già) và các peraxit

Giống với các chất chứa clo, nước ôxy già (H202) và các peraxit (axit có chứa nhóm peroxy, -O-O-) là những chất oxy hóa mạnh, có hiệu quả diệt khuẩn phổ rộng. So với clo, chúng an toàn hơn đối với người và môi trường.

Ôxy già thường được cung cấp hoặc ở dạng dung dịch 3% để sử dụng ngay, hoặc ở dạng dung dịch 30% để pha loãng với thể tích nước gấp 5 – 10 lần thể tích của nó. Tuy nhiên, dung dịch ôxy già 3 – 6% tác động chậm và ít được dùng như chất tiệt trùng. Các sản phẩm được bán trên thị trường thường được bổ sung thêm các thành phần khác làm tăng tính ổn định, làm tăng hoạt tính và giảm tính ăn mòn của ôxy già.

Ôxy già có thể được dùng để lau chùi bề mặt làm việc trong phòng thí nghiệm và tủ an toàn sinh học. Dung dịch đậm đặc có thể dùng để khử trùng các dụng cụ y khoa/nha khoa không chịu nhiệt. Để khử trùng các dụng cụ bằng hơi ôxy già hoặc axit của nó (CH3COOH), cần sử dụng thiết bị chuyên dụng. Trong quá trình này, cần lưu ý là ôxy già và axit của nó có thể ăn mòn kim loại (như nhôm, đồng, đồng thau, kẽm) và cũng có thể làm biến màu vải, tóc, da và các màng nhầy. Các vật dụng được rửa với ôxy già và peraxit phải được rửa lại bằng nước trước khi tiếp xúc với mắt, màng nhầy. Ôxy già cần cất giữ ở nơi tránh ánh sáng (trong tối) và nhiệt độ cao.

3.4. Làm sạch môi trường xung quanh

Để khử trùng không gian phòng thí nghiệm và các đồ đạc, trang thiết bị trong đó, cần kết hợp các chất khử trùng dạng lỏng và khí. Bề mặt có thể khử trùng bằng dung dịch natri hypoclorit (NaOCl). Dung dịch chứa clo 1g/l có thể dùng để làm sạch chung, nhưng để lau sạch những nơi nhiễm bẩn hơn cần dùng dung dịch mạnh hơn (5g/l). Để làm sạch các bề mặt, có thể sử dụng các dung dịch 3% H2O2 để thay thế.

Không khí trong phòng thí nghiệm có thể được khử trùng bằng cách xông khí formaldehyt (tạo ra khi đun nóng paraformadehyt) hoặc đun sôi formalin. Cách khử trùng này có thể nguy hiểm với người thực hiện, nên cần được tiến hành bởi các nhân viên lành nghề. Tất cả các khe hở trong phòng (cửa sổ, cửa ra vào…) cần được bịt kín bằng băng dính hoặc các vật liệu phù hợp khác. Quá trình xông hơi nên được tiến hành ở nhiệt độ phòng hoặc ít nhất ở 210C và độ ẩm tương đối 70%. Sau khi xông hơi formaldehyt, khu vực khử trùng cần được cho bay hơi hết, nên đeo mặt nạ phòng độc. Có thể dùng khí amoni bicacbonat để trung hòa formaldehyt.

Để khử trùng không khí trong không gian nhỏ, cũng có thể sử dụng hơi H2O2, nhưng cần một thiết bị chuyên dụng để tạo H2O2 dạng hơi.

3.5. Làm sạch tủ ATSH

Để khử trùng các tủ BSC loại I và II, có thể dùng thiết bị chuyên dụng để tạo, tuần hoàn và trung hòa khí formaldehyt. Theo một cách khác, có thể đun paraformaldehyt trong một chiếc chảo đặt trên bếp điện (loại điều khiển được nhiệt độ) hoặc máy khuấy từ ra nhiệt, sao cho nồng độ formaldehyt cuối cùng đạt được khoảng 0,8% trong không khí. Một chiếc chảo thứ 2 chứa amoni bicacbonat nhiều hơn 10% so với lượng paraformaldehyt cũng được đặt trong tủ và đun. Các thiết bị ra nhiệt được nối nguồn điện ngoài tủ, nhằm có thể bật hoặc tắt khi cần. Nếu độ ẩm thấp hơn 70%, nên đặt vào trong tủ một chậu nước mở nắp trước khi bịt kín các khe hở bằng băng dính. Phần mở phía trước tủ được che bằng một tấm chất dẻo (ví dụ:nilông) phù hợp. Đường điện dẫn vào tủ cũng cần được dán kín bằng băng dính để bịt mọi lỗ hở. Chảo chứa paraformaldehyt được cắm điện và đun cho đến khi paraformaldehyt bay hơi hết. Sau đó tủ được giữ nguyên trong vòng 6 giờ, rồi chảo thứ hai chứa amoni bicacbonat được đun cho đến bay hơi hết. Chảo này sau đó được ngắt điện và quạt gió được bật lên 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 giây, nhằm thổi và lưu thông khí amoni cacbonat. Trước khi sử dụng lại, lau sạch tủ theo quy trình thông thường.

3.6. Làm sạch bằng tay

Cần đeo găng tay bất cứ khi nào thao tác với các hóa chất hoặc vật liệu nguy hiểm sinh học. Tuy vậy, điều này không đủ để thay thế cho yêu cầu là các nhân viên phòng thí nghiệm phải rửa tay thường xuyên và đúng cách. Phải rửa tay sau khi thao tác với các vật liệu và động vật nguy hiểm sinh học trước khi rời phòng thí nghiệm.

Thường thì trong hầu hết các trường hợp, rửa tay bằng xà phòng và nước rửa bình thường là đủ, nhưng trong một số trường hợp có nguy cơ nhiễm cao, nên dùng xà phòng diệt khuẩn. Xát xà phòng kín hai tay chà hai tay vào nhau ít nhất trong 10 giây, rửa bằng nước sạch, rồi lau bằng giấy sạch, khăn khô hoặc máy sấy tay.

Nên dùng các loại vòi nước mở bằng khuỷu tay, bằng chân, hoặc vòi chảy tự động. Ở nơi thiếu những loại vòi trên, nên dùng khăn giấy hoặc khăn vải để đóng vòi nước nhằm hạn chế làm rây bẩn tay sau khi đã rửa. Ngoài ra, cũng có thể dùng cồn 70% để làm sạch tay ở những nơi không có điều kiện rửa tay thuận lợi.

3.7. Khử trùng và vô trùng bằng nhiệt độ

Nhiệt độ là tác nhân vật lý phổ biến và hiệu quả nhất để khử trùng các mầm bệnh. Nhiệt “khô” (hoàn toàn không gây ăn mòn) được dùng để khử trùng các dụng cụ phòng thí nghiệm có khả năng chịu nhiệt đến 1600C (hoặc cao hơn) trong vòng từ 2 đến 4 giờ. Phương pháp đốt hoặc nung (xem phần dưới đây) là các dạng nhiệt khô. Tuy vậy, nhiệt “ẩm” (hấp tiệt trùng) là phương thức khử trùng hiệu quả nhất.

Đun sôi không đủ tiêu diệt tất cả các vi sinh vật, nhưng là phương pháp tiệt tối thiểu thường được dùng bất cứ khi nào không có các phương pháp tiệt trùng khác (ví dụ: tiệt trùng bằng hóa chất hay hấp tiệt trùng). Các vật dụng sau khi khử trùng cần được lưu giữ sao cho không bị nhiễm bẩn trở lại trước khi sử dụng.

  1. Hấp tiệt trùng

Áp suất hơi nước bão hòa (khử trùng hơi) là phương pháp hiệu quả nhất để tiệt trùng các dung dịch hóa chất trong phòng thí nghiệm. Trong hầu hết các mục đích thí nghiệm, những chế độ khử trùng dưới đây thường là đủ để đạt hiệu quả khử trùng:

– 3 phút ở 1340C

– 10 phút ở 1260C

– 15 phút ở 1210C

– 25 phút ở 1150C

Các ví dụ về các loại nồi hấp tiệt trùng được nêu dưới đây:

– Nồi hấp thay thế trọng lực: hơi nước đi vào khoang áp suất và thay thế dòng khí nặng đi xuống và đi qua van nối với ống thải được nối với bộ lọc HEPA.

– Nồi hấp tiền chân không: Loại nồi này cho phép loại bỏ không khí trong khoang trước khi hơi nước đi vào. Khí thải ra ngoài đi qua một van gắn với bộ lọc HEPA. Vào cuối chu kỳ, hơi nước tự động rút ra ngoài. Loại nồi này có thể đưa nhiệt độ lên 1340C và vì thế chu kỳ khử trùng có thể giảm xuống còn 3 phút. Nó lý tưởng để khử trùng các vật liệu thoáng khí, nhưng không tối ưu với chất lỏng vì có chân không.

– Nồi hấp áp suất bằng nhiệt: chỉ dùng loại nồi này khi không có nồi hấp thay thế trọng lực. Nồi loại này thường có miệng đưa vật liệu vào từ phía trên và được đun nóng bởi điện, khí hoặc nhiên liệu khác. Hơi nước hình thành từ lượng nước được đun từ  dưới đáy nồi; còn không khí bên trên được liên tục thay thế qua van an toàn. Khi tất cả không khí đã được đẩy ra ngoài, van an toàn đóng lại và nhiệt độ giảm đi. Áp suất hơi nước và nhiệt độ sau đó tăng trở lại đến khi van an toàn đạt mức được thiết đặt sẵn. Mức thiết đặt này tương ứng với nhiệt độ và áp suất khử trùng mong đợi. Khi chu kỳ khử trùng kết thúc, nhiệt độ giảm dần xuống 800 hoặc thấp hơn là lúc có thể mở nồi và lấy vật liệu khử trùng ra ngoài.

  1. Xếp đồ vật vào nồi khử trùng

Nên xếp đồ vật vào nồi khử trùng sao cho hơi nước có thể đi qua và tiếp xúc với toàn bộ bề mặt của các bề mặt cần khử trùng, cũng như để khí thải dễ thoát ra ngoài. Túi đựng phải có lỗ cho hơi khử trùng đi vào và tiếp cận các đồ vật bên trong.

  1. Các điểm cần lưu ý khi dùng nồi hấp tiệt trùng

Những quy tắc sau giúp vận hành nồi hấp tiệt trùng hiệu quả và an toàn:

– Nên phân công việc vận hành và bảo dưỡng cho cán bộ chuyên trách.

– Việc bảo dưỡng (bao gồm kiểm tra khoang nồi, nắp, các đồng hồ đo áp lực và các nút điều khiển) cần thực hiện thường kỳ bởi kỹ thuật viên có chuyên môn.

– Trong quá trình khử trùng, hơi nước cần bảo hòa và không nhiễm hóa chất (như chất ăn mòn), những hóa chất này có thể làm hỏng các dụng cụ khử trùng.

– Tất cả vật liệu được khử trùng nên dựng trong các vật chứa cho phép không khí di chuyển nhanh và truyền qua. Cần xếp vật liệu trong nồi một cách lỏng lẻo để hơi nước tỏa đều khắp.

– Đối với nồi hấp tiệt trùng không có khóa liên động, thì cần đóng van hơi nước làm hạ nhiệt độ trong nồi xuống dưới 800C, rồi mới được mở nồi.

– Nên đặt chế độ xả khí chậm khi hấp tiệt trùng dung dịch, bởi vì nhiệt độ cao có thể làm chúng sôi tràn ra ngoài.

– Người vận hành nên đeo găng và mặt nạ bảo hộ khi mở nồi, ngay cả khi nhiệt độ đã xướng dưới 800C.

– Khi kiểm tra thường quy nồi, nên dùng chỉ thị sinh học hoặc nhiệt kế chịu nhiệt đặt vào giữa các vật được khử trùng. Nên dùng nhiệt kế chịu nhiệt ghi lại được sự biến thiên nhiệt độ của những mẻ khử trùng “xấu nhất” (chất nhiều vật liệu nhất) làm cơ sở để xác định chế độ khử trùng thích hợp.

– Hàng ngày nên tháo và làm sạch màng lọc ống thải (nếu có).

– Cần đảm bảo van an toàn của nồi hấp tiệt trùng không bị bịt kín bởi bông, vải, giấy hoặc bất cứ vật liệu nào khác khi đưa các vật liệu cần khử trùng vào trong nồi.

3.8. Đốt

Đốt là cách hiệu quả để xử lý xác động vật hoặc các mẫu sinh phẩm sau phẫu thuật hoặc từ phòng thí nghiệm mà không nhất thiết phải khử trùng trước. Chỉ dùng phương pháp đốt như một cách thay thế cho phương pháp hấp tiệt trùng khi lò nung được trực tiếp vận hành bởi phòng thí nghiệm.

Sự thiêu đốt vật liệu sinh học cần thiết bị điều nhiệt chính xác và một buồng đốt thứ hai. Nhiều loại lò thiêu (đặc biệt những loại chỉ có một buồng đốt) không hiệu quả khi thiêu đốt những chất lây nhiễm, xác động vật và vật dụng bằng chất dẻo nhiễm khuẩn. Những vật liệu này không được phân hủy hoàn toàn, hoặc khí thải còn chứa vi sinh vật, chất độc hại và khói gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, cũng có nhiều buồng đốt được thiết kế hiệu quả. Nhiệt độ lý tưởng trong buồng đầu tiên cần tối thiểu là 8000C, còn ở buồng thứ hai là 10000C.

Vật liệu đem đốt (ngay cả khi đã được khử nhiễm trước) nên được chuyển đến các lò đốt trong túi đựng (nên bằng chất dẻo). Người vận hành lò đốt cần có hiểu biết về cách xếp các vật liệu cần đốt vào lò và cách đặt chết độ nhiệt. Cần lưu ý rằng hiệu quả vận hành lò phụ thuộc nhiều vào việc sắp xếp hợp lý các vật liệu thải trong lò.

Hiện còn có những băn khoăn về tác động tiêu cực đối với môi trường của những lò thiêu hiện có. Tuy vậy, các nổ lực cũng không ngừng được thực hiện nhằm chế tạo ra những lò đốt ngày càng tiết kiệm năng lượng và thân thiện hơn với môi trường.

4. Sự vận chuyển các chất lây nhiễm và vật liệu chuyển gen

Vận chuyển những chất lây nhiễm và vật liệu chuyển gen phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc gia và quốc tế. Những quy định đó thường mô tả cách lựa chọn vật liệu đóng gói, cách đóng gói đúng quy cách, cũng như các yêu cầu về vận chuyển khác. Việc vận chuyển vật liệu có nguy cơ lây nhiễm đúng quy tắc sẽ:

  1. Giảm nguy cơ đổ vỡ và rò rỉ vật liệu lây nhiễm, do đó
  2. Giảm nguy cơ phơi nhiễm của con người với vật liệu lây nhiễm
  3. Cải thiện hiệu quả giao gói hàng.

4.1. Những nguyên tắc vận chuyển quốc tế

Những quy tắc vận chuyển các chất lây nhiễm và vật liệu chuyển gen (bằng bất kỳ phương tiện vận chuyển nào) đều phải tuân theo Quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm của Liên hiệp quốc. Những khuyến nghị này được xây dựng và đưa ra bởi Hội đồng chuyên gia về vận chuyển các hàng hóa nguy hiểm thuộc Liên hợp quốc (UNCETDG). Trong quá trình xây dựng các Quy định mẫu của Liên hợp quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đóng vai trò tư vấn đối với UNCETDG. Để tạo sự ràng buộc pháp lý, những quy định này của Liên hiệp quốc phải được các cơ quan có thẩm quyền hoặc ở mỗi quốc gia hoặc thuộc các hiệp hội vận chuyển quốc tế đưa thành các điều lệ quốc gia và quốc tế, ví dụ như Hướng dẫn kỹ thuật về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đường hàng không của Tổ chức hàng không dân sự quốc tế (ICAO), hay như Hiệp định vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường bộ của Châu Âu (ADR).

Hàng năm, Hiệp hội vận chuyển hàng không quốc tế (IATA) đều phát hành Hướng dẫn vận chuyển đường không chất lây nhiễm. Hướng dẫn của IATA phải tuân theo các chỉ dẫn của ICAO, nhưng có thể có thêm nhiều chế định bổ sung. Những hướng dẫ của IATA phải được tuân thủ bởi các thành viên của tổ chức này.

Qui đinh mẫu về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm của Liên hiệp quốc được cập nhật định kỳ hai năm một lần, nên người đọc được tiếp cận những thông tin và điều chỉnh mới nhất liên quan đến các qui định mẫu của quốc gia và quốc tế.

Những quy định quốc tế không dùng để thay thế bất cứ qui định nào của quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, nếu không có qui định quốc gia thì nên thực hiện theo các qui định quốc tế. Một điều cần chú ý là vận chuyển quốc tế các chất lây nhiễm và vật liệu chuyển gen cũng tuân theo các qui định xuất nhập khẩu của quốc gia.

4.2. Hệ thống bao bì ba lớp cơ bản

Hệ thống đóng gói ba lớp cơ bản dùng để vận chuyển các chất lây nhiễm và các chất có nguy cơ lây nhiễm. Hệ thống này gồm 3 lớp: vật chứa đầu tiên (lớp sơ cấp), bao bì thứ hai (lớp thứ cấp) và bao bì ngoài cùng (lớp vỏ ngoài).

Vật chứa đầu tiên (trực tiếp chứa vật liệu lây nhiễm) phải kín nước, không bị rò rỉ và được dán nhãn ghi rõ nội dung bên trong. Vật chứa đầu tiên được gói trong vật liệu thấm nước vừa đủ để hút chất lỏng trong trường hợp nó bị vỡ, rách hoặc rò rỉ.

Bao bì thứ hai (được dùng để chứa và bảo vệ vật chứa đầu tiên) cũng cần kín nước khi đặt vào bao bì thứ hai. Giới hạn về thể tích và khối lượng của chất lây nhiễm được đóng gói trong cùng một bao bì được mô tả trong các qui định quốc gia và quốc tế.

Bao bì ngoài cùng có vai trò chính là bảo vệ lớp thứ hai không bị vỡ, rách do các nguyên nhân vật lý trên đường vận chuyển. Trên bao bì ngoài cùng, có dán nhãn ghi các thông tin về mẫu vật, thư tín (tên và địa chỉ người gửi, người nhận), các cảnh báo sinh học và các tài liệu cần thiết khác tuân theo các qui định mới nhất.

Qui định chuẩn của Liên hiệp quốc qui định sử dụng hai hệ thống đóng gói ba lớp khác nhau. Hệ thống cơ bản dùng cho vận chuyển nhiều loại vật liệu lây nhiễm khác nhau. Nhưng, những vi sinh vật nguy hiểm cao, cần được vận chuyển theo những qui định nghiêm ngặt hơn. Để biết thông tin chi tiết về loại bao bì và cách đóng gói các vật liệu lây nhiễm, nên tham khảo các qui định chuẩn của quốc gia hoặc quốc tế.

4.3. Phương pháp khăc phục sự cố vận chuyển

Trong trường hợp có sự cố là đổ vỡ hoặc tràn các chất lây nhiễm hoặc có nguy cơ lây nhiễm, nên áp dụng quy trình làm sạch sau đây:

  1. Đeo găng tay và mặc quần áo bảo hộ, mang mặt nạ và kính bảo vệ mắt (nếu cần).
  2. Phủ vật liệu đổ ra bằng khăn vải hoặc giấy để ngăn chặn và cách ly.
  3. Đổ chất tẩy trùng phù hợp lên khăn vải/giấy và xung quanh (thông thường, dung dịch 5% NaOCl là phù hợp; nhưng trên máy bay, nên dùng chất tẩy amoni bậc 4).
  4. Đổ chất tẩy trùng thành đường đồng tâm bắt đầu từ mép ngoài của vùng lây nhiễm hướng dần vào trung tâm
  5. Sau một thời gian thích hợp (khoảng 30 phút), hốt sạch các vật liệu đó đi. Nếu có thủy tinh vỡ hoặc vật sắc nhọn, thì dùng dụng cụ hốt rác hoặc một mảnh bìa cứng để dọn các vật rơi vãi và cho vào vật đựng rác thải chống xuyên thủng để thải bỏ.
  6. Lau chùi và làm sạch khu vực nhiễm bẩn (nếu cần, lặp lại các bước 2 -5).
  7. Bỏ vật liệu nhiễm bẩn vào thùng chứa chất thải chống rò rỉ, chống thủng.
  8. Sau khi làm sạch xong, báo lại cho cán bộ phụ trách về việc vị trí bị nhiễm đã được khử trùng và làm sạch xong.


(Nguồn tin: Theo tài liệu tập huấn an toàn sinh học – Bộ khoa học và công nghệ)