Những rủi ro tiềm ẩn trên công trường xây dựng

Thứ Sáu, 04/10/2024, 04:46(GMT +7)

Công trường xây dựng là một môi trường năng động, đầy rẫy các hoạt động, thiết bị và các nguy cơ tiềm ẩn. Trong khi các mối nguy từ việc vận hành máy móc hạng nặng, công việc về điện và nguy cơ ngã cao dễ được nhận biết thì vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, gây ra mối đe dọa đáng kể đến an toàn và sức khỏe của người lao động.

Bài viết này đi sâu vào một số rủi ro tiềm ẩn thường gặp tại các công trường xây dựng, thảo luận về các biện pháp an toàn quan trọng và các thiết bị an toàn phù hợp để giảm thiểu chúng. Bằng cách hiểu và giải quyết những mối nguy thường bị bỏ qua này, các công ty xây dựng có thể tạo ra môi trường làm việc an toàn hơn và ngăn ngừa các sự cố tiềm ẩn.

1. Mối nguy về hô hấp

Với sự nhộn nhịp liên tục của các hoạt động, các công trường xây dựng phát sinh bụi, chất gây ô nhiễm không khí và các mối nguy về hô hấp đáng kể. Chúng có thể gồm:

  • Bụi silic: Việc cắt, mài và khoan bê tông, vật liệu xây dựng và đá có thể gây ra tình trạng hít phải bụi silic, từ đó gây ra một loạt các bệnh về hô hấp.
  • Amiang: thường được tìm thấy trong các vật liệu cách nhiệt ở các tòa nhà cũ, việc hít phải các sợi amiang có thể gây ra các bệnh hô hấp nghiêm trọng như u trung biểu mô và ung thư phổi.
  • Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOLs): được phát thải từ sơn, chất dính và các vật liệu xây dựng thông thường khác, VOCs có thể gây kích ứng mắt, mũi và họng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vấn đề về sức khỏe lâu dài.

Các biện pháp an toàn:

  • Đánh giá rủi ro: Thực hiện việc đánh giá rủi ro tại công trường để nhận biết các nguy cơ tiềm ẩn trong không khí trước khi bắt đầu công việc.
  • Các biện pháp kiểm soát bụi: Phun nước, hệ thống thu bụi và hệ thống thông gió giúp giảm thiểu các chất gây ô nhiễm không khí.
  • Thiết bị bảo vệ: Sử dụng mặt nạ phòng độc với bộ lọc phù hợp để ngăn ngừa các tác nhân độc hại trong không khí.

Thiết bị an toàn được khuyến nghị:

  • Mặt nạ phòng độc: Gồm mặt nạ N95 dành cho tiếp xúc bụi chung và mặt nạ P100 dùng khi tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm có rủi ro cao như bụi amiang và silic.
  • Quần áo bảo hộ dùng 1 lần: Sử dụng quần áo bảo hộ bằng vải không dệt để bảo vệ các hạt và bụi.
  • Bao bọc giầy: Bao bọc giày dùng 1 lần để ngăn ngừa sự phát tán các chất gây ô nhiễm trong khu vực không xây dựng.

2. Mất thính lực do tiếng ồn

Tiếng gầm liên tục của máy móc hạng nặng, búa và khoan trên công trường xây dựng có thể có tác động bất lợi cho thính lực của người lao động. Tiếp xúc lâu dài với mức tiếng ồn lớn vượt quá 85dB có thể dẫn đến mất thích lực do tiếng ồn, một tình trạng bệnh lý lâu dài có hiểu hiện là khó nghe và ù tai.

Biện pháp an toàn

  • Giám sát tiếng ồn: Điều này giúp xác định các khu vực có tiếng ồn vượt quá giới hạn tiếp xúc an toàn. Giảm tiếng ồn bất cứ khi nào có thể bằng cách sử dụng thiết bị ít ồn hơn hoặc lắp đặt rào chắn âm thanh.
  • Kiểm soát hành chính: Hạn chế thời gian tiếp xúc của công nhân với mức tiếng ồn cao thông qua việc luân phiên công việc hoặc nghỉ giải lao theo lịch trình trong các khu vực yên tĩnh hơn.

Thiết bị an toàn được khuyến nghị:

  • Nút tai: Sử dụng nút tai dùng một lần hoặc nút tai tái sử dụng có thể giảm mức tiếng ồn từ 25dB trở lên để bảo vệ tối đa.
  • Bịt tai: Bịt tai chất lượng thường kết hợp nhiều lớp vật liệu có đặc tính âm thanh khác nhau. Các lớp này hấp thụ, phản xạ và chặn các tần số âm thanh khác nhau, mang lại sự bảo vệ toàn diện hơn khỏi tiếng ồn xây dựng.

3. Chấn thương liên quan đến rung

Chấn thương do rung có thể xảy ra do tiếp xúc lâu dài với rung cơ học. Công nhân xây dựng đặc biệt dễ bị chấn thương liên quan đến rung do sử dụng các công cụ và thiết bị điện như búa khoan, cưa xích và máy đầm.

Biện pháp an toàn:

  • Sắp xếp lịch làm việc và luân chuyển công việc: Luân chuyển công nhân làm các công việc khác nhau để giảm việc tiếp xúc liên tục với các công cụ gây rung. Ngoài ra, cho phép nghỉ giải lao thường xuyên để cơ thể có thời gian phục hồi sau khi tiếp xúc với rung.
  • Các biện pháp kiểm soát kỹ thuật: Trang bị các công cụ cầm tay chống rung hoặc các hệ thống giảm xóc để giảm thiểu tác động đến tay và cánh tay.

Các thiết bị được khuyến nghị:

  • Găng tay chống rung: Sử dụng găng tay được thiết kế đặc biệt để giảm sự lan truyền rung đến tay và cánh tay.
  • Đế giày giảm chấn: Cân nhắc sử dụng đế giày có đặc tính giảm chấn để giảm tác động lên phần thân dưới.

Đừng bỏ qua tác dụng của việc bảo trì thường xuyên đối với các chấn thương do rung. Đảm bảo các công cụ được bảo trì tốt sẽ ngăn ngừa tình trạng rung của thiết bị tăng lên do hao mòn.

4. Các vấn đề về tầm nhìn

 Các vấn đề về tầm nhìn trên công trường xây dựng có thể gây ra rủi ro đáng kể đến sự an toàn của công nhân. Tầm nhìn bị giảm có thể do các yếu tố như thời tiết bất lợi, điều kiện ánh sáng kém và môi trường nhiều bụi. Ví dụ, nhiều tai nạn xảy ra khi làm việc trên những con đường thiếu ánh sáng.

Các biện pháp an toàn:

  • Dấu hiệu và biển cảnh báo: Lắp các dấu hiệu và biển cảnh báo để cảnh báo người lao động về những nguy cơ tiềm ẩn và những thay đổi về điều kiện môi trường. Sử dụng các thiết bị cảnh báo sớm, cờ hiệu hoặc tín hiệu bất cứ khi nào cần thiết để chỉ dẫn giao thông và hướng dẫn di chuyển thiết bị.
  • Các giao thức truyền thông: Thiết lập các giao thức truyền thông rõ ràng để đảm bảo công nhân có thể truyền đạt thông tin một cách hiệu quả bất chấp những thách thức về tầm nhìn. Sử dụng bộ đàm, tín hiệu cầm tay hoặc các công cụ truyền thông khác để duy trì liên lạc giữa các thành viên trong nhóm.

Thiết bị an toàn được khuyến nghị:

  • Giải pháp chiếu sáng: Đảm bảo chiếu sáng đầy đủ trên toàn bộ công trường xây dựng, đặc biệt trong các khu vực và không gian hạn chế có ánh sáng tự nhiên kém. Cung cấp cho công nhân các thiết bị chiếu sáng cá nhân như đèn đội đầu hoặc đèn pin để làm việc trong các khu vực thiếu ánh sáng.
  • Quần áo có độ phản quang cao: Để cải thiện tầm nhìn của người lao động, hãy mặc quần áo và các thiết bị khác có độ phản quang cao. Bạn cũng có thể thêm các dải phản quang cho máy móc và thiết bị hạng nặng để đảm bảo có thể nhìn thấy ngay cả trong điều kiện thay đổi.

Tầm nhìn tối ưu là rất quan trọng tại các công trường xây dựng, vì tầm nhìn thấp có thể khiến môi trường vốn có nhiều rủi ro lại càng nguy hiểm hơn đối với sự an toàn của công nhân.

5. Bức xạ tia cực tím (UV)

Công nhân xây dựng phải tiếp xúc với lượng bức xạ tia cực tím (UV) đáng kể. Trong khi mặt trời có vẻ như là mối đe dọa rõ ràng trong những tháng mùa hè, thì những ảnh hưởng của nó dễ bị bỏ qua trong những tháng lạnh hơn, khiến nó trở nên nguy hiểm hơn. Việc tiếp xúc liên tục có thể dẫn đến cháy nắng, lão hóa da sớm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.

Các biện pháp an toàn:

  • Sắp xếp lịch làm việc và luân chuyển công việc: Lập kế hoạch làm việc ngoài trời để giảm thiểu việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều và luân chuyển công nhân làm các công việc trong nhà hoặc ở những nơi râm mát trong thời gian cường độ tia UV cao.
  • Cấu trúc che nắng: Cung cấp các khu vực râm mát trên công trường xây dựng nơi công nhân có thể nghỉ ngơi tránh ánh nắng trực tiếp. Có thể xây dựng các cấu trúc che nắng tạm thời cho các công việc phải làm ngoài trời trong thời gian dài.

Các thiết bị an toàn được khuyến nghị:

  • Chống nắng: Để tăng cường khả năng chống nắng, hãy mặc quần áo chuyên dụng có khả năng chống tia UV. Tùy thuộc vào môi trường làm việc, có thể sử dụng kem chống nắng, kính râm và mũ rộng vành. PPE với đặc tính làm mát cũng có thể mang lại sự dễ chịu và tạo ra sự khác biệt lớn trong những ngày làm việc nóng bức.

Bằng cách ưu tiên an toàn trong suốt các giai đoạn của dự án xây dựng, các công ty có thể tạo ra một môi trường làm việc nơi mọi người có thể tự tin thực hiện nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. Sự cảnh giác và đầu tư vào các thiết bị và đồ bảo hộ an toàn chất lượng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đảm bảo an toàn xây dựng.

Biên dịch: Xuân Đài

Nguồn: ishn.com