Những vấn đề an toàn tại các cơ sở gia công cơ khí địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang – Thái Nguyên

Thứ Tư, 03/07/2024, 11:41(GMT +7)

Dự án “Công nghệ khí hóa sinh khối – Giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải ở nông thôn Việt Nam” do Liên Minh Châu Âu tài trợ, được Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững nghiên cứu và chuyển giao công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG) cho chuỗi các doanh nghiệp và hộ nông dân trong các tỉnh thuộc phạm vi triển khai của dự án,. Trong chuỗi các cơ sở được hỗ trợ tại tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, các cơ sở gia công cơ khí được chuyển giao công nghệ gia công và sửa chữa VCBG. Tuy nhiên, môi trường lao động tại các cơ sở gia công cơ khí không an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động. Bài báo này tập trung vào những nguy cơ gây tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở gia công cơ khí thuộc hai tỉnh nói trên và đề xuất biện pháp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn lao động.  

Môi trường lao động chật hẹp, thiếu ánh sáng. Ảnh: TH

Nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở gia công cơ khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang

Các cơ sở sản xuất cơ khí trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang chuyên làm khung sắt, lợp mái tôn hay gia công và sửa chữa các thiết bị sản xuất nông sản trong khu vực như bếp đun, lồng vò chè, máy sao chè, máy hút chân không… Hầu hết các xưởng sản xuất cơ khí, nhất là các hộ gia đình gia công sản xuất nhỏ vẫn chưa coi trọng công tác an toàn vệ sinh lao động. Công nghệ sản xuất của các cơ sở sản xuất cơ khí địa phương còn tương đối thô sơ, chủ yếu làm thủ công hoặc kết hợp một phần sử dụng máy móc. Trong đó, các loại nguyên vật liệu sử dụng chủ yếu cho sản xuất cơ khí là tôn, thép, inox… Diện tích khu vực gia công sản xuất nhỏ, gắn liền với nhà ở. Chính vì vậy, môi trường lao động tại những cơ sở này tồn tại nhiều mối nguy hiểm, có hại đối với người lao động. Cụ thể:

– Mặt bằng sản xuất: Mặt bằng sản xuất lộn xộn, không có lối đi và lối vận chuyển riêng, không được phân chia khu vực gia công, khu vực nguyên vật liệu và khu vực phế liệu, các thiết bị và dụng cụ gia công để trên sàn, lẫn với nguyên vật liệu và phế liệu. Khi di chuyển các nguyên vật liệu, người lao động phải di chuyển các thiết bị và dụng cụ xung quanh hoặc phải nâng nhấc nguyên vật liệu để di chuyển. Công việc này gây lãng phí thời gian, sức lao động và có nguy cơ gây tổn thương lưng do tư thế làm việc không thoải mái, không có đủ không gia đứng. Bên cạnh đó, dây điện được trải ngay trên mặt sàn, có nguy cơ bị bắn xỉ hàn do công việc hàn cắt gần đó, có thể gây chập điện và cháy nổ. Ngoài ra, do không có khu vực riêng để phế liệu nên người lao động có nguy cơ dẫm/va đập vào vật sắc nhọn trong quá trình làm việc, gây tai nạn lao động.

Mặt bằng sản xuất không đảm bảo an toàn lao động. Ảnh: TH

– Môi trường lao động: thiếu ánh sáng, không có quạt thông gió, không đảm bảo quy định phòng cháy, chữa cháy. Có những doanh nghiệp khu bếp nấu chung với khu vực gia công, thức ăn đồ uống để gần khu vực gia công.

–  Tổ chức lao động: Nhiều cơ sở sản xuất thiếu quy trình hướng dẫn sử dụng thiết bị có tải trọng lớn, không có biển cảnh báo về mối nguy hiểm. Người sử dụng lao động tuy có ý thức về an toàn nhưng chưa biết cách áp dụng phù hợp. Người lao động không được phổ biến về quy trình làm việc an toàn, chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm. Người lao động được trang bị thiết bị bảo vệ cá nhân nhưng không đầy đủ và không sử dụng một cách đầy đủ.

Nội dung nhắc nhở về an toàn điện đặt không đúng vị trí. Ảnh: TH

– Mối nguy về công thái học: Để dễ dàng vận hành máy sấn,  người lao động phải ngồi trên hai cái ghế chồng lên nhau, chân đặt trên các tấm kim loại xếp ngổn ngang dẫn đến nguy cơ ngã và chân va vào cạnh sắc nhọn của tấm kim loại.

Tư thế làm việc không đảm bảo an toàn. Ảnh: TH

Biện pháp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

Để đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho cơ sở gia công cơ khí địa phương, nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về công tác an toàn vệ sinh lao động, các ngành chức năng tại địa phương cần thực hiện một số giải pháp sau:

1. Triển khai các mô hình cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động như phương pháp 5S. 5S là một chương trình nâng cao năng suất chất lượng phổ biến ở Nhật Bản. Ngày nay, 5S dần trở nên phổ biến ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Mục tiêu của 5S là đảm bảo sức khỏe của người lao động; dễ dàng, thuận lợi và tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc; tạo tinh thần và không khí cởi mở trong quá trình làm việc; nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao năng xuất.

Việc thực hiện 5S gồm 5 bước:

– Bước 1: Sàng lọc. Phân loại, di dời và bỏ đi những thứ không cần thiết.

– Bước 2: Sắp xếp. Tổ chức các vật dụng theo tiêu chí dễ tìm, dễ thấy và dễ trả lại.

– Bước 3: Sạch sẽ. Giữ gìn nơi làm việc, thiết bị, dụng cụ luôn sạch sẽ.

– Bước 4: Săn sóc. Duy trì 3S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ) mọi lúc, mọi nơi.

– Bước 5: Sẵn sàng. Rèn luyên, tạo thói quen nề nếp, tác phong trong thực hiện 5S.

2. Tuyên truyền, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho tất cả cơ sở gia công cơ khí nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về những mối nguy hiểm, nguy hại tại doanh nghiệp mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nghề nghiệp trong tương lai; nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, cải thiệu điều kiện làm việc, giảm thiểu các yếu tố nguy hại, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

3. Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động của các cơ sở sản xuất cơ khí, qua đó nhắc nhở các trường hợp sai phạm, vận động các cơ sở sản xuất khắc phục.

Nguyễn Thị Thúy Hằng

Tạp chí KH An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động, số 2/2024