Tập huấn cho 90 cán bộ công đoàn về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tập huấn cán bộ công đoàn về chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Ý nghĩa thiết thực
Hội nghị được tổ chức trong các ngày 22-23/8 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tham dự có gần 90 đại biểu là cán bộ công đoàn cấp tỉnh và cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc khu vực phía Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/1/2022 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”. Đây là một nội dung cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – phát biểu tại hội nghị
“Tập huấn lần này nhằm bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn về chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Đó là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Nhất là khi Công đoàn đang tập trung phát triển đoàn viên ở ngoài khu vực nhà nước, và người lao động tự do”, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân khẳng định.
Theo đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, các cấp công đoàn và mỗi cán bộ công đoàn cần xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn thực phẩm là cơ sở để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động. Đó cũng là động lực quan trọng giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nâng cao đời sống người lao động.
Công đoàn đẩy mạnh đối thoại, thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể nội dung về bữa ăn ca. Mục tiêu đặt ra là nâng cao giá trị bữa ăn ca của người lao động, thấp nhất là từ 20 – 25 ngàn đồng/suất ở địa bàn thuộc vùng I, vùng II; và từ 18 – 22 ngàn đồng/suất ở địa bàn thuộc vùng III, vùng IV.
Để đạt được mục tiêu này, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn được xem là khâu đột phá, nhất là kiến thức về dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Bởi cán bộ công đoàn đóng vai trò quan trọng trong tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người lao động và doanh nghiệp. Là người trực tiếp đề xuất, kiến nghị người sử dụng lao động đảm bảo an toàn, chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động…
“Họ cũng là người đại diện tổ chức Công đoàn ngay ở cơ sở. Luôn theo sát, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức bữa ăn ca cho người lao động ở mỗi doanh nghiệp…”, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Gần 90 đại biểu tham gia Tập huấn về chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Từ nhận thức đến hành động
Tại hội nghị tập huấn lần này, cán bộ công đoàn được các báo cáo viên của Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cục Quản lý môi trường Y tế thuộc Bộ Y tế trao đổi nhiều thông tin, kiến thức quan trọng; hướng dẫn những kỹ năng cần thiết trong phát hiện, xử lý các mối nguy cơ, tình huống gây mất an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Đồng thời thảo luận về hoạt động giám sát sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; đảm bảo dinh dưỡng bữa ăn ca vì sức khỏe người lao động; an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng bữa ăn ca…
Đồng chí Lê Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Đây là những kiến thức, kỹ năng thiết thực giúp cán bộ công đoàn chăm lo tốt hơn cho người lao động. Cán bộ công đoàn cần phải có hiểu biết đầy đủ về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động”.
Cùng quan điểm này, đồng chí Bùi Công Hoan – Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương khẳng định, với doanh nghiệp, người lao động là tài sản quý giá. Còn với người lao động, sức khỏe là vốn quý nhất của họ.
Theo đồng chí Bùi Công Hoan, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm, về dinh dưỡng, và hiểu biết pháp luật về an toàn vệ sinh lao động là cơ sở để cán bộ công đoàn thương lượng được với người sử dụng lao động.
“Đó là điều kiện, giải pháp hiệu quả nhất để công đoàn tham gia cùng doanh nghiệp chăm sóc và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động”, đồng chí Đồng chí Bùi Công Hoan nhấn mạnh.
Cán bộ công đoàn thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay từ cơ sở.
Còn Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Liên đoàn Lao động tỉnh Long An – đồng chí Đặng Thị Thu Vân thì chia sẻ, tham dự tập huấn lần này lĩnh hội được nhiều nội dung, kiến thức từ báo cáo viên, kinh nghiệm, cách làm hay của các đơn vị, địa phương khác.
Đơn cử như việc đánh giá thực trạng, xác định giá trị dinh dưỡng bữa ăn ca hiện tại của người lao động. Nắm được nhu cầu năng lượng khuyến nghị của bữa ăn ca cho người lao động theo từng loại hình lao động khác nhau, theo nhóm độ tuổi và theo giới tính…
Hay vấn đề về quản lý sức khỏe người lao động. Các yếu tố trong môi trường làm việc, tác động đến sức khỏe người lao động. Hiểu về bệnh nghề nghiệp, nhận diện các mối nguy cơ người lao động mắc bệnh nghề nghiệp và cách phòng chống. Công tác an toàn, vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động…
“Chúng tôi sẽ truyền đạt cho cán bộ công đoàn cơ sở. Hướng dẫn, đồng hành cùng công đoàn ở cơ sở vận dụng tốt những kiến thức, kỹ năng này để chăm tốt hơn cho người lao động”, đồng chí Đặng Thị Thu Vân bày tỏ.
ĐOÀN LÂM