Tuyên Quang: Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

Thứ Ba, 23/07/2024, 08:53(GMT +7)

Công tác An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) từ trước đến nay luôn là vấn đề quan trọng giúp các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển. Vậy nên để tránh những nguy cơ hoặc xảy ra những vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra thì công tác ATVSLĐ luôn phải được quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc.

Những vụ tai nạn lao động đáng tiếc

Liên tiếp những vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết xảy ra trong cả nước thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh trong lao động, sản xuất.

Công nhân làm việc trong lĩnh vực khai thác mỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn lao động.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã từng xảy ra những vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người và bị thương. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 87 vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương nặng 44 người, 43 người bị thương. Các nguyên nhân được xác định là do không có thiết bị an toàn khi làm việc; vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn; không có phương tiện bảo vệ cá nhân…

Tháng 3 năm 2021, tại Nhà máy Giấy Na Hang đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến ông Phạm Văn Học, Tổ trưởng tổ cơ khí của Nhà máy bị thương nặng phải đi cấp cứu. Tháng 3 – 2022, vụ tai nạn tại Công ty cổ phần Xi măng Tân Quang (TP Tuyên Quang) đã khiến 1 công nhân vận hành thiết bị sản xuất xi măng tử vong. Tháng 3- 2023 vụ lật máy xúc xảy ra tại công trình thi công cầu Ô Rô thôn Hưng Long, xã Thành Long (Hàm Yên) khiến 1 công nhân lái máy xúc tử vong. Vụ tai nạn lao động xảy ra tại xưởng đùn sợi của Công ty TNHH Hitarp Việt Nam tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) khiến 1 công nhân tử vong…

Từ những vụ tai nạn lao động xảy ra cho thấy trong nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất vẫn còn sự chủ quan trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, chưa chấp hành nghiêm các quy định. Đó thực sự là điều hết sức nguy hiểm bởi khi tai nạn lao động xảy ra sẽ để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.

Nâng cao nhận thức về ATVSLĐ

Nhằm tăng cường công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động và giảm thiểu tai nạn lao động cũng như nâng cao ý thức chấp hành Luật ATVSLĐ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên phối hợp, có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của ATVSLĐ đến người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, tổ chức tập huấn về ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ đối với từng máy móc, thiết bị, vật tư… có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động theo đúng quy định. Từ đó nhằm phòng tránh những nguy cơ gây mất ATVSLĐ tại mỗi cơ quan, đơn vị, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tuyên truyền công tác ATVSLĐ cho công nhân Công ty TNHH Future of Sound Vina ở Cụm Công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương).

Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 được triển khai với chủ đề: Tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng. Chủ đề này nhằm thúc đẩy, tạo sự chuyển biến rõ rệt về ý thức, nhận thức, cũng như các hành động cụ thể về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc, tiếp cận trách nhiệm xã hội đối với người sử dụng lao động và người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động. Việc tổ chức Tháng hành động nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nâng cao năng suất lao động tại nơi làm việc.

Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng Tháng hành động và yêu cầu cán bộ, người lao động thực hiện nghiêm các quy định. Một số doanh nghiệp còn đặt biển thống kê số ngày an toàn ngay tại cổng ra vào để nhắc nhở cán bộ, công nhân cố gắng duy trì, không để giây phút nào lơ là.

Ông Đàm Văn Cao, cán bộ phụ trách công tác an toàn của Công ty cổ phần Prime Hào Phú (Sơn Dương) nói, hiện nay công ty có trên 100 cán bộ, công nhân và người lao động đang làm việc. Để nêu cao ý thức chấp hành, thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ, hằng tuần, hằng tháng việc đánh giá ý thức chấp hành quy định về an toàn của người lao động là một tiêu chí quan trọng để công ty xếp loại hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, mọi người đều có ý thức chấp hành tốt, nhờ đó hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra thuận lợi.

Chị Hoàng Thị Thủy, công nhân Công ty TNHH Seshin VN2 cho biết, khi tham gia lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ cũng như những buổi tuyên truyền, tập huấn về ATVSLĐ do công ty tổ chức đã giúp chị và các công nhân nâng cao nhận thức, hiểu biết về công tác an toàn lao động, từ đó luôn coi an toàn là bạn, tai nạn là thù. Khi làm việc chấp hành nghiêm các quy định để an toàn trở về bên gia đình sau những ngày làm việc.

Có thể khẳng định, công tác ATVSLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp luôn là một điều kiện bắt buộc nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra ổn định, phát triển. Việc để xảy ra những vụ tai nạn lao động sẽ dẫn đến những bất ổn, gây thiệt hại về lâu dài cho cả doanh nghiệp, người lao động và gia đình, kéo giảm sự phát triển của xã hội.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/