Lịch sử hình thành

Thứ Hai, 04/12/2023, 04:47(GMT +7)
Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (được đổi tên từ Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động theo Quyết định 17/2017/QĐ-TTg).

Được sự quan tâm của Đảng và nhà nước đối với công tác an toàn và vệ sinh lao động, trước đòi hỏi của thực tế sản xuất, sự cần thiết của khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người lao động, ngày 1/5/1971 Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra quyết định số 82/CP thành lập Viện nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động và giao cho Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) quản lý. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN số A-1071 ngày 07/8/2017 của Bộ Khoa học công nghệ (đăng ký lần đầu số 031 ngày 25/3/1993).

 Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tên viết tắt tiếng Anh – VNNIOSH)- Đơn vị trọng điểm đầu ngành quốc gia trong hệ thống các cơ quan khoa học và công nghệ của Nhà nước  (Quyết định số 17/2017/QĐ-TTg ngày 29/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 141/1998/QĐ -TTg ngày 1/8/1998 của Thủ tướng Chính phủ), nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn – vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường (BVMT) lớn nhất nước ta.

Ngày đầu thành lập với 19 cán bộ, cùng với sự giúp đỡ của Hội đồng Trung ương các Công đoàn Liên Xô, bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; thực hiện các hoạt động thiết thực giúp đỡ các cơ sở sản xuất trong công tác an toàn vệ sinh lao động, Viện tập trung xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên môn, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế.

Cùng với sự phát triển của đất nước, Viện đã không ngừng phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động. Ngày 1/5/1977 Phân viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động tại TP Hồ Chí Minh và sau đó, ngày 1/5/1979 Phân Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ lao động tại TP. Đà Nẵng được thành lập để đáp ứng kịp thời yêu cầu về công tác bảo hộ lao động tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đánh giá cao đóng góp của Viện đối với sự phát triển chung của đất nước, xét năng lực thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 141/1998/QĐ-TTg công nhận Viện Nghiên cứu KHKT BHLĐ là một trong những Viện trọng điểm đầu ngành trong hệ thống các cơ quan khoa học công nghệ của Nhà nước. Cũng tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Viện nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển KH và CN về bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

Hòa nhập với xu hướng phát triển toàn cầu, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước, 13/12/2006 Đoàn Chủ tịch TLĐLĐVN ra Quyết định số 2082/QĐ-TLĐ phê duyệt đề án chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Viện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ về việc quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập. Thực hiện đề án này, Viện đã từng bước sắp xếp tổ chức các đơn vị thuộc Viện theo hướng vừa nghiên cứu cơ bản song song với việc phát triển công tác triển khai ứng dụng KHCN an toàn vệ sinh lao động và và bảo vệ môi trường.

Theo Quyết định số 17/2017/QĐ-TTg ngày 29/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phục vụ quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn và sức khoẻ người lao động, bảo vệ môi trường lao động. Cụ thể, nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường bảo đảm an toàn và sức khoẻ người lao động; nghiên cứu xây dựng phương pháp, quy trình đánh giá hợp chuẩn, hợp quy các phương tiện bảo vệ cá nhân, trang thiết bị an toàn; nghiên cứu, phát hiện và kiến nghị bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam…

Trải qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, đến nay Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động đã có đội ngũ CBVC trên 180 người, trong đó có 58 người là Tiến sỹ khoa học, Tiến sỹ, Thạc sỹ; 114 người có trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp. Viện có 7 đơn vị trong đó 6 đơn vị hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Viện đã xây dựng được 22 phòng thí nghiệm chuyên dụng, trong đó có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn VILAS. Viện vẫn tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐVN giao. Xây dựng và phát triển tiềm lực KH&CN của Viện ngang tầm khu vực, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an toàn và sức khỏe cho người lao động, xứng với quy mô của viện nghiên cứu KH&CN duy nhất về an toàn và vệ sinh lao động.

QUAN HỆ QUỐC TẾ

Viện đã thiết lập quan hệ hợp tác trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học với nhiều tổ chức, viện nghiên cứu AT-VSLĐ của nhiều nước trên thế giới.

– Là thành viên chính thức của Tổ chức AT-VSLĐ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương (APOSHO);

– Là thành viên của Mạng thông tin AT-VSLĐ khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

– Hợp tác với các tổ chức quốc tế: KOSHA (Hàn Quốc), KISA (Hàn Quốc), JISHA (Nhật) …

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG KH&CN

lịch sử hình thành