An toàn cho người lao động

Thứ Ba, 26/12/2023, 09:23(GMT +7)

Tháng 5-2017, lần đầu tiên Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các cấp, các ngành triển khai thành Tháng hành động ATVSLÐ theo Quyết định 87 ngày 12-1-2016 của Thủ tướng Chính phủ, với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLÐ và phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Ðây cũng là một trong những chương trình hành động thiết thực, nhằm chăm lo người lao động mà Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam đề ra, để thực hiện tốt năm “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”.

Góc bảo hộ lao động ở Công ty đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng).

Tai nạn lao động (TNLÐ) luôn “rình rập” và trở thành thảm họa đối với bất kỳ người lao động (NLÐ) nào, nếu một giây mất cảnh giác. Dù hằng năm, các cấp, các ngành đều tổ chức Tuần lễ ATVSLÐ, với nhiều chương trình hành động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp quản lý, chủ doanh nghiệp (DN) và NLÐ. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, TNLÐ vẫn tiếp diễn khó lường, với số vụ, số người bị tai nạn ngày càng tăng. Lao động trong ngành nghề khai thác than và đóng tàu là một trong những công việc có tỷ lệ rủi ro cao dù các cơ quan, đơn vị luôn coi trọng công tác ATVSLÐ, hoạt động bài bản, quy củ, nền nếp.

Chúng tôi gặp công nhân Hà Huy Tình, phân xưởng khai thác 1 Hà Ráng, Công ty Than Hạ Long (Quảng Ninh), khi anh đang điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Tình bị tai nạn ngày 12-11-2015 lúc đang xử lý sự cố tụt lò. Là thợ lò giỏi của công ty, với 10 năm kinh nghiệm, trong đó có thời gian dài anh Tình làm công tác cứu hộ, cứu nạn, từng cứu nhiều đồng nghiệp khi gặp sự cố hầm lò. Thế nhưng, đến một ngày, chính Tình lại là nạn nhân. Bác sĩ điều trị cho biết, do vết thương của Tình khá phức tạp, cần chăm chỉ tập luyện mới có thể lắp chân giả để trở lại làm việc.

Với mức thu nhập trước tai nạn là hơn 10 triệu đồng/tháng, kể từ khi bị tai nạn, anh Tình chỉ nhận được mức lương còn một nửa. Trong khi đó, vợ anh phải bỏ công việc buôn bán để chăm sóc chồng. Mọi chi tiêu sinh hoạt, tiền học hành cho con, thuốc thang… trông chờ vào năm triệu đồng lương của Tình. Thế nhưng, khi trò chuyện với chúng tôi, anh Tình vẫn lạc quan, tâm sự: Khi hầm sập, đá rơi xuống chiếc máy cào, kẹp đứt chân, tôi vẫn tỉnh táo để nhận thấy, mình may mắn vẫn còn sống. Song cũng phải mất gần 5 tháng điều trị, tôi mới dứt ra khỏi tâm trạng tự ti, mặc cảm, tàn phế và ăn bám vợ con, gia đình. Tuy chưa đến giai đoạn giám định thương tật, nhưng qua tìm hiểu, tôi biết tỷ lệ thương tật của mình từ 61 đến 65%. Nhờ sự lo toan, tần tảo của vợ cũng như sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của lãnh đạo công ty, công đoàn đã giúp tôi vượt qua tháng ngày hụt hẫng. Lãnh đạo công ty hứa sẽ bố trí công việc phù hợp sau khi tôi được bệnh viện lắp chân giả do công ty trao tặng.

TNLÐ không chừa một ai, nó ập đến từ muôn vàn lý do khác nhau. Theo số liệu từ Cục An toàn lao động, các nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLÐ chết người do người sử dụng lao động chiếm 42,1%, do NLÐ chiếm 17,3%, 40,6% là do các nguyên nhân khác. Câu chuyện của công nhân Lê Văn Lĩnh, Công ty đóng tàu Phà Rừng (Hải Phòng) là một thí dụ. Anh Lĩnh gặp tai nạn khi đang hàn trong két. Trong khi anh Lĩnh dùng dây khí nén đưa vào người để làm mát, thì ở bên trên két, một đồng nghiệp thay bảng trung chuyển đã tháo dây ra cắm lại, nhưng lại cắm nhầm dây ô-xy. Do ô-xy duy trì sự cháy nên ngọn lửa ngay lập tức bùng lên, lan từ vùng bụng lên cổ anh. Anh Lĩnh cho biết: Làm việc trong két rất nguy hiểm, nguy cơ TNLÐ là rất cao. Mặc dù đã lường hết mọi chuyện, được trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy chuẩn, được đào tạo bài bản, thường xuyên nhưng trong quá trình lao động sản xuất không tránh khỏi rủi ro. Khi ngọn lửa bùng lên, tôi vẫn đủ bình tĩnh để rút dây khí ra khỏi người, xé rách chiếc áo bảo hộ, trước khi được đồng nghiệp cứu hộ, đưa ra ngoài. Sau tai nạn ba tháng, anh được công ty đưa đi giám định với kết quả mất 35% sức lao động.

Theo phân tích tình hình TNLÐ xảy ra thời gian qua từ Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tại một số địa phương, đơn vị, TNLÐ xảy ra đối với NLÐ làm việc không theo hợp đồng cao hơn khu vực có quan hệ lao động. Trong trường hợp này, chủ sử dụng lao động dễ dàng “phủi” trách nhiệm, tránh tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị TNLÐ… Quy định của pháp luật về ATVSLÐ hiện nay tương đối đầy đủ, cụ thể song nhiều DN đã phớt lờ việc xây dựng nội quy vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị. Việc huấn luyện định kỳ về ATVSLÐ sơ sài, mang tính đối phó… NLÐ do thiếu hiểu biết hoặc vì mưu sinh đành “nhắm mắt” bất chấp nguy hiểm. Các chuyên gia về ATVSLÐ cho rằng, những số vụ TNLÐ, số người chết, bị thương do TNLÐ chưa phản ánh chính xác thực tế. Con số thống kê TNLÐ của ngành lao động và ngành y tế có sự chênh lệch gần gấp hai lần. Trong khi ngành y tế báo cáo có khoảng 1.500 TNLÐ thông qua việc người nhà nạn nhân khai báo khi nhập viện, thì ngành lao động báo cáo gần 800 TNLÐ. Khi xảy ra TNLÐ, nhiều DN tìm cách “ém” thông tin do sợ ảnh hưởng uy tín, hoạt động sản xuất bị gián đoạn, họ tìm cách thỏa thuận với gia đình của nạn nhân như đưa ra mức đền bù 100 – 200 triệu đồng nhằm tránh việc gia đình công khai với pháp luật. Ðã có nhiều vụ TNLÐ được khởi tố, song vẫn chưa đủ sức răn đe các DN. Hành vi này của DN cần được xem là thiếu trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng NLÐ.

Kết quả thanh kiểm tra của Tổng LÐLÐ Việt Nam cho thấy, việc thực hiện luật pháp và công tác quản lý bảo hộ lao động ở các DN còn nhiều bất cập, hạn chế. Tình trạng làm thêm giờ khá phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe NLÐ. Trong khi đó, điều kiện làm việc ở nhiều DN, nhất là DN nhỏ, doanh nghiệp tư nhân, rất khắc nghiệt, nguy hiểm. Tại các DN này, TNLÐ xảy ra do người sử dụng lao động không thực hiện đúng các quy định, quy trình về ATLÐ và cả những yếu tố “bất khả kháng”. Nhiều DN tư nhân sử dụng nhà xưởng, công nghệ, thiết bị lạc hậu, không an toàn, không quan tâm công tác bảo hộ. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về ATVSLÐ hiện nay chủ yếu dựa vào đội ngũ thanh tra viên làm nhiệm vụ thanh tra nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên lực lượng này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thanh tra, kiểm soát DN, chưa kể nguồn ngân sách cho hoạt động khá eo hẹp.

Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tháng hành động ATVSLÐ Mai Ðức Chính cho biết: Qua điều tra hàng loạt vụ TNLÐ cho thấy, những trường hợp NLÐ bị tai nạn thường rơi vào những công nhân mới được tuyển dụng, chưa qua lớp đào tạo huấn luyện, do đó, chưa có ý thức chấp hành quy trình quy phạm tiêu chuẩn trong quá trình làm việc. Chủ đề của Tháng hành động nhằm hướng về người sử dụng lao động tăng cường công tác huấn luyện ATVSLÐ, vừa nâng cao nhận thức, vừa đưa NLÐ vào quá trình lao động với tác phong công nghiệp, tuân thủ, chấp hành, nâng cao ý thức lao động, phòng ngừa cho chính bản thân mình. Tại Lễ phát động cấp quốc gia, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng LÐLÐ Việt Nam sẽ tổ chức trao thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2016. Bên cạnh đó, Tổng LÐLÐ Việt Nam chỉ đạo LÐLÐ thành phố Hà Nội tổ chức cuộc thi An toàn vệ sinh viên giỏi; chủ trì hai hội thảo về nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, NLÐ về ATVSLÐ và quán triệt Nghị quyết của Tổng LÐLÐ về đẩy mạnh công tác ATVSLÐ trong tình hình mới, cũng như lấy ý kiến đóng góp vào chương trình chấm điểm phong trào “Xanh – sạch – đẹp bảo đảm VSATLД.

Là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của NLÐ, hằng năm, vào Tháng Công nhân, Tổng LÐLÐ Việt Nam đều có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn quan tâm, thăm hỏi, động viên NLÐ và thân nhân NLÐ không may bị thương hoặc chết do TNLÐ. Năm nay, Tổng LÐLÐ Việt Nam đã chỉ đạo LÐLÐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành… đẩy mạnh công tác tập huấn, huấn luyện, đào tạo đội ngũ an toàn vệ sinh viên, mở các lớp tập huấn về phòng tránh cháy nổ, TNLÐ cho cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn và NLÐ. Ngoài ra, Tổng LÐLÐ chỉ đạo công đoàn các cấp tăng cường phối hợp lực lượng thanh tra, kiểm soát tốt việc chấp hành ATVSLÐ và phòng, chống cháy nổ tại các DN.

Trong khi còn những vướng mắc, bất cập về công tác phòng, tránh TNLÐ thì hằng ngày, hằng giờ, trên các công trường, xí nghiệp, TNLÐ vẫn diễn ra, hủy hoại sức khỏe, tương lai của NLÐ, ảnh hưởng kinh tế cho DN, lâu dài còn trở thành gánh nặng của xã hội. Dù nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thì NLÐ vẫn là chủ thể chịu thiệt thòi nhất. Do vậy, trước hết NLÐ phải tự trang bị ý thức phòng tránh, không tự đẩy mình vào thế phải đối diện những rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của bản thân. Bản thân NLÐ phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo hộ lao động, kiên quyết từ chối làm việc nếu thấy điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp, chế tài đủ mạnh, nâng mức xử phạt hành chính trong vi phạm ATVSLÐ, xử lý nghiêm chủ lao động chạy theo lợi nhuận, cố tình coi nhẹ tính mạng, sức khỏe của NLÐ. Việc thanh tra, kiểm soát ATVSLÐ trong các DN cần được tăng cường, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt về việc DN cố tình không khai báo, thống kê về TNLÐ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Tới đây, các cơ quan chức năng cần đề xuất sửa đổi Nghị định số 95 của Chính phủ về xử phạt hành chính, nâng mức độ xử phạt đối với những hành vi “ém” thông tin.

Các chuyên gia về an toàn lao động cho rằng, chúng ta không nên “cờ giong, trống mở” lôi kéo mọi người nâng cao ý thức phòng tránh TNLÐ trong mỗi dịp phát động tuần lễ, tháng hành động ATVSLÐ, mà cần thực hiện nghiêm chỉnh, chặt chẽ suốt 365 ngày trong năm. Chỉ khi ý thức của toàn dân, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, công đoàn, NLÐ được nâng cao, khi ấy mới có thể hạn chế mức thấp nhất TNLÐ.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư năm 2016, toàn quốc xảy ra 7.981 vụ tai nạn lao động, làm 8.251 người bị nạn. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động xảy ra 7.588 vụ, làm 7.806 người bị nạn. Tại khu vực không có quan hệ lao động, thống kê tại 44/63 tỉnh, thành phố, có 393 vụ TNLÐ làm 445 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị tai nạn.

(Theo số liệu của Cục ATVSLÐ)

Bài và ảnh: ĐẶNG THANH HÀ


(Nguồn tin: Báo Nhân Dân)