Bảo đảm an toàn tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động

Thứ Tư, 24/04/2024, 09:21(GMT +7)

Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khoảng 800.000 công nhân, viên chức lao động. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 900 vụ tai nạn lao động, đầu năm 2024 đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động. Do đó, tỉnh Đồng Nai đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Ngày 7.4 tại công trường thi công 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành một công nhân tử vong nghi tai nạn lao động. Ảnh: Hà Anh Chiến

Lỗi do người sử dụng lao động 42%, người lao động 58%

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 42.139 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn khoảng 25.510 tỉ đồng. Số lượng công nhân viên chức lao động trên toàn tỉnh khoảng 800.000 người.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến ngày 28.2, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 6 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 3 vụ, 3 người chết. Các vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trình xây dựng nhà ở, trong lúc bảo trì đường ống nước tại doanh nghiệp sản xuất, trong lúc kiểm tra sửa chữa mái nhà xưởng…

Trước đó, trong năm 2023 tại Đồng Nai đã xảy ra 910 vụ tai nạn lao động làm 930 người bị nạn, trong đó có 28 người chết, 211 người bị thương nặng. Trong đó, lỗi do người sử dụng lao động chiếm 42% do vi phạm thiết bị không đảm bảo an toàn, không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn. Lỗi do người lao động chiếm 58%, do vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh đã phối hợp điều tra 27 vụ tai nạn lao động chết người, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 đơn vị với số tiền là 393 triệu đồng, đã yêu cầu các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa tai nạn lao động tái diễn.

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn lao động

Từ thực trạng trên, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền đã yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các đơn vị thi công xây dựng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại những nơi có nguy cơ dễ xảy ra tai nạn lao động như: Tại các nhà xưởng, phân xưởng sản xuất; công trình xây dựng; khu vui chơi công cộng; các khu khai thác mỏ và sản xuất vật liệu xây dựng… phải phân công người trực để đảm bảo xử lý kịp thời khi có tai nạn hoặc sự cố gây mất an toàn lao động xảy ra; Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, tổ chức ngay các lớp huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định…

Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Như Ý – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai – cũng cho biết, sẽ tổ chức chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất”. Các cấp công đoàn phối hợp chính quyền, chuyên môn, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn với lễ phát động, hưởng ứng Tháng Công nhân – Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 và kỷ niệm 138 năm Ngày Quốc tế Lao động 1.5.

Vận động đoàn viên, NLĐ tham gia Hội thao công nhân viên chức lao động tỉnh Đồng Nai năm 2024 do LĐLĐ tỉnh tổ chức;…

Nguồn: laodong.vn