Bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp, nguyên nhân và cách phòng ngừa
Bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp là bệnh xơ hóa phổi tiến triển do hít phải bụi chứa Silic tự do trong quá trình lao động. Yếu tố gây bệnh là bụi chứa Silic tự do (SiO2) trong không khí môi trường lao động (Thông tư số 15/2016/TT-BYT)
Với khả năng gây ra tình trạng khuyết tật thể chất tiến triển và vĩnh viễn, bệnh bụi phổi silic tiếp tục là một trong những bệnh sức khỏe nghề nghiệp quan trọng nhất hiện nay. |
Có ba loại bệnh bụi phổi silic chính, mỗi loại có các triệu chứng riêng:
Bệnh bụi phổi silic cấp tính xảy ra sau vài tháng hoặc lâu nhất là 2 năm sau khi tiếp xúc với nồng độ bụi silic cực cao. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bụi phổi silic cấp tính bao gồm khó thở, suy nhược, sốt, ho và sụt cân.
Bệnh bụi phổi silic mãn tính là bệnh phổ biến nhất và xảy ra sau 15–20 năm tiếp xúc ở mức độ trung bình đến thấp. Các triệu chứng có thể rõ ràng hoặc không. Những người nghi ngờ mắc bệnh bụi phổi silic mãn tính có thể cần chụp X-quang ngực để xác định xem có tổn thương phổi hay không. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể cảm thấy khó thở khi tập thể dục và có các dấu hiệu lâm sàng về tình trạng trao đổi oxy/cacbon dioxide kém. Ở giai đoạn sau, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, khó thở, đau ngực hoặc suy hô hấp.
Bệnh bụi phổi silic tăng tốc khởi phát nhanh hơn bệnh bụi phổi silic mãn tính và có thể được phát hiện sau 1–10 năm tiếp xúc nhiều. Các triệu chứng bao gồm khó thở nghiêm trọng, suy nhược và sụt cân.
Nằm trong nhóm các loại bệnh phổi do nhiễm bụi, bệnh bụi phổi silic vô cùng nguy hiểm khi những hạt bụi silic tích tụ sâu trong phổi lâu ngày gây tổn thương hệ hô hấp. Vì thế, những ai làm việc trong môi trường chứa bụi silic cần hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa để tránh bị mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.
Cơ chế gây ra bệnh bụi phổi Silic
Cơ chế gây bệnh bụi phổi Silic là do sự kích thích của bụi Silic trong phổi, gây ra một cuộc phản ứng viêm và sẹo hóa trong các mô phổi. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như khó thở, ho, viêm phổi và suy giảm chức năng phổi.
Nguyên nhân gây bệnh bụi phổi Silic
Nguyên nhân gây ra bệnh bụi phổi Silic là do tiếp xúc với bụi Silic trong môi trường làm việc của các nghề, công việc có chứa Silic tự do như khoan, đập, khai thác quặng đá; Tán, nghiền, sàng và thao tác khô các quặng hoặc đá; luyện kim, đúc có tiếp xúc với bụi cát (khuôn mẫu, làm sạch vật đúc…); Đẽo và mài đá, rũa, đánh bóng; Sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng; Chế biến chất carborundum, chế tạo thủy tinh, đồ sành sứ các đồ gốm khác, gạch chịu lửa; Các công việc làm sạch hoặc làm nhẵn bằng tia cát và các sản phẩm khác… Nồng độ bụi Silic trong môi trường lao động vượt quá giới hạn tiếp xúc ca làm việc hoặc giới hạn tiếp xúc ngắn cho phép theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Các cơ sở có NLĐ tiếp xúc với bụi silic phải định kỳ quan trắc MTLĐ tối thiểu 1 lần/năm. Nếu phát hiện nồng độ bụi silic cao hơn tiêu chuẩn cho phép, cần có các biện pháp cải thiện, giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
Triệu chứng của bệnh bụi phổi Silic
Khi NLĐ làm các nghề, công việc có chứa Silic tự do vượt tiêu chuẩn cho phép có thể xuất hiện các triệu chứng thường gặp của bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp bao gồm:
Khó thở: Đây là triệu chứng chính của bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở hoặc khó khăn khi thở.
Ho: Ho là một triệu chứng khác của bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp. Người bệnh có thể bị ho nhiều và có thể có đờm ho.
Sưng phù ở chân: Sưng phù ở chân có thể xảy ra khi bệnh tiến triển và gây ra các vấn đề về lưu thông máu.
Đau ngực: Người bệnh có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu ở vùng ngực.
Mệt mỏi: Bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp có thể gây ra mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
NLĐ tiếp xúc với Silic tự do là yếu tố có hại, có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp nên cần được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định hàng năm. NLĐ nếu có các triệu chứng như ở trên thì cần khám bác sĩ ngay để được khám và chẩn đoán bệnh kịp thời mà không chờ đến lịch khám của công ty.
Tác hại của bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp
NLĐ làm việc trong môi trường lao động có chứa Silic tự do cao hơn tiêu chuẩn cho phép, không được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp kịp thời có thể dẫn đến bị bệnh bụi phổi Silic, gây ra tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Khi tích tụ bụi Silic trong phổi, sẽ xảy ra phản ứng viêm, tạo thành các sẹo mô phổi và làm cho phổi bị cứng và không thể dãn nở như bình thường. Điều này dẫn đến khó thở và khó khăn trong việc hít thở, làm cho người bệnh dễ bị mệt mỏi, suy dinh dưỡng và các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh bụi phổi Silic có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: Nhiễm trùng phổi; Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; Ung thư phổi; Viêm màng phổi; Suy tim.
Một số nghiên cứu thực trạng mắc bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp
Đã có nhiều nghiên cứu về thực trạng mắc bệnh bụi phổi Silic ở NLĐ trong các ngành nghề khác nhau như sản xuất đá granit, gạch men, luyện thép, luyện gang… cũng như phát hiện khi khám bệnh nghề nghiệp.
Theo nghiên cứu của Lê Thị Thanh Xuân cùng cộng sự năm 2020, tỷ lệ hiện mắc bệnh bụi phổi Silic của NLĐ tiếp xúc trực tiếp với bụi Silic trong một số ngành nghề tại Phú Yên năm 2020 là 1,8%. NLĐ mắc bệnh bụi phổi Silic tập trung ở loại hình sản xuất đá granit (100%). Nghiên cứu của Tạ Thị Kim Nhung cùng cộng sự năm 2020 tại 2 công ty gạch men ở Đồng Nai, cho thấy tỷ lệ NLĐ mắc bệnh bụi phổi Silic ở hai công ty là 8,6%. Kết quả khảo sát ở 2 nhà máy gang thép tại Thái Nguyên cho thấy tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi Silic của NLĐ ở nhà máy luyện thép là 12,3%, ở nhà máy luyện gang là 11,5%… Gần đây nhất tại công ty TNHH Châu Tiến có phát hiện 57/81 trường mắc bệnh bụi phổi Silic. [Điều này cho thấy đây là một vấn đề rất được người sử dụng lao động cũng như các cấp quản lý quan tâm để bảo vệ sức khỏe cho NLĐ].
Các biện pháp phòng ngừa bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp
Để bảo vệ NLĐ nói chung hạn chế, dự phòng bệnh bụi phổi Silic nói riêng thì NLĐ, người sử dụng lao động cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện tốt các vấn đề sau:
Người lao động:
– Nắm chắc nguyên tắn an toàn lao động;
– Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân đúng quy định;
– Tham gia khám sức khỏe đầy đủ theo đúng quy định của đơn vị sản xuất.
Người sử dụng lao động
– Thay các nguyên liệu ít hoặc không có chứa Silic;
– Sản xuất trong chu trình khép kín tránh làm bụi phát tán rộng;
– Cơ giới hóa, tự động hóa quá trình sản xuất, thông gió, hút bụi, che chắn máy phát sinh bụi, bố trí kế hoạch làm việc sao cho NLĐ phải tiếp xúc với bụi Silic ít nhất (nổ mìn vào cuối ca làm việc và trong môi trường được làm ẩm)…;
– Cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ đầy đủ đúng quy định theo từng ngành nghề;
– Thường xuyên kiểm tra môi trường lao động đầy đủ, đúng quy định (đảm bảo về chỉ tiêu kiểm tra và thời gian kiểm tra), tổ chức khám tuyển, khám sức khỏe định kỳ hằng năm và khám định kỳ 6 tháng một lần cho những nơi có phát sinh bụi Silic tự do. Khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, chụp phim 30×40 cm những trường hợp nghi ngờ.
Các cấp quản lý
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động của các cơ sở sản xuất đảm bảo phát hiện kịp thời các thiếu sót, sai phạm để bảo vệ NLĐ.
Bệnh bụi phổi Silic nghề nghiệp vẫn đang xuất hiện và có những ảnh hưởng đáng tiếc thời gian gần đây. Người sử dụng lao động và NLĐ cần nâng cao nhận thức về An toàn Vệ sinh lao động nói chung và Bệnh nghề nghiệp liên quan đến bụi Silic tự do nói riêng để bảo vệ sức khỏe NLĐ cũng như đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. |
Mai Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hiền, Bùi Thị Ngọc Minh, Nguyễn Hương Trà My
Trung tâm Sức khoẻ nghề nghiệp, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động