“Bức tranh” an toàn lao động ở Việt Nam

Thứ Tư, 15/05/2024, 09:40(GMT +7)
(PLVN) – Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện trong những năm qua, nhưng vấn đề an toàn lao động ở nước ta vẫn còn rất nhiều thách thức. Việc cải thiện môi trường lao động, nâng cao ý thức cả doanh nghiệp lẫn người lao động… hướng đến một môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu rủi ro cho người lao động là một hành trình cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

Môi trường làm việc hiện nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiếu an toàn cho người lao động. (Ảnh minh họa – Nguồn: viendaotao.vn)

Vẫn còn nhiều rủi ro cho người lao động

Thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong năm 2023, trên toàn quốc xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, khiến 7.553 người bị nạn, trong đó 1.720 người bị thương nặng; 699 người chết trong tổng 662 vụ gây chết người. Tổng thiệt hại tài sản và chi phí cho những trường hợp này gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công.

Chỉ tính riêng trong quý I năm 2024 đã diễn ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Có thể kể đến vụ việc hơn 62 công nhân mắc bụi phổi ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Châu Tiến tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An hay vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong quá trình sửa chữa dây chuyền nghiền đá ở Nhà máy xi măng thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người tử vong và 3 người bị thương.

Còn có sự cố do cháy khí mê-tan tại Công ty Than Thống Nhất, Quảng Ninh khiến 4 công nhân tử vong, 7 người khác bị thương; Vụ 2 người lao động tử vong, 2 người bị thương nhập viện do sự cố mái kính rơi trong khi đang sửa chữa tại một tòa nhà cao 8 tầng ở quận Hoàn Kiếm…

Nghiêm trọng nhất là sự việc mới diễn ra gần đây là vụ nổ lò hơi kinh hoàng tại xưởng gỗ Bình Minh ở Đồng Nai khiến 6 người chết, 7 người bị thương, đều là công nhân của xưởng.

Đó là những vụ việc lớn, nghiêm trọng, khiến dư luận quan tâm, còn trên cả nước, hàng ngàn công trình, không biết bao nhiêu sự cố lớn nhỏ dẫn đến tai nạn lao động đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã cung cấp thông tin về nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động sau khi khảo sát thực tế. Theo đó, có ba nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn lao động, gồm: nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân đến từ môi trường làm việc.

Nguyên nhân khách quan do yếu tố bên ngoài mà con người không quyết định được, có thể không nhìn thấy, không lường trước được. Nguyên nhân này thường chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 3%. Thường là do các yếu tố thiết bị đã sử dụng lâu ngày không được bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến hư hỏng hoặc quá hạn sử dụng. Để khắc phục điều này, ban quản lý, chủ sử dụng lao động cần yêu cầu bộ phận cơ sở vật chất kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị.

Nguyên nhân chủ quan chiếm phần lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, lên tới 73%. Những nguyên nhân này bắt nguồn từ sự coi nhẹ, làm việc qua loa, sơ sài như người lao động không đeo khẩu trang, không mặc đồ bảo hộ lao động; sử dụng bật lửa, thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc không được hoàn chỉnh, thiết bị có sự hư hỏng trong quá trình hoạt động lâu dài mà không được sửa chữa kịp thời, mất đi sự an toàn lao động do làm việc quá tính năng. Không có các thiết bị cảnh báo, thiếu ánh sáng; không thiết kế rào chắn bao chung quanh nơi làm việc. Bên cạnh đó, các yếu tố về môi trường làm việc cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn lao động như môi trường khói bụi, độc hại, nguy hiểm…

Nỗ lực để đổi thay

Khi xảy ra tai nạn, người lao động phổ thông không kí hợp đồng sẽ đối mặt với nhiều thiệt thòi. (Ảnh minh họa – Nguồn: Picasa)

Những năm qua, Chính phủ, các ban, ngành, cơ quan quản lý đã có những nỗ lực không nhỏ nhằm thúc đẩy công tác an toàn lao động trong nước, tạo môi trường lao động lành mạnh cho người lao động.

Thực tế, trong 10 năm qua, từ khi Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư “Về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” ban hành ngày 18/9/2013 và Luật An toàn, vệ sinh lao động ra đời năm 2015, đã có nhiều thay đổi trong công tác an toàn lao động tại Việt Nam. Qua từng năm, số liệu về an toàn lao động đã có những bước khởi sắc, tỉ lệ tai nạn lao động năm sau thấp hơn năm trước, ý thức doanh nghiệp, người lao động về an toàn lao động cũng dần dà có sự thay đổi rõ rệt.

Các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất kinh doanh đã thấy rõ tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong bối cảnh quốc tế rất coi trọng vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và an toàn xã hội, an sinh xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến số lượng lao động phi chính thức cao, tốc độ già hóa dân số, về nhân sự đảm trách lĩnh vực an toàn lao động, công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp cận sâu và rộng hoạt động trang bị an toàn lao động tại doanh nghiệp lớn và nhỏ…

Một thực tế cần nhìn nhận, đó là môi trường lao động tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người lao động. Theo một số liệu thống kê cho thấy, có tới 55% những hộ kinh doanh cá thể vẫn phải sử dụng nhà ở của mình để làm địa điểm kinh doanh. Việc đầu tư cho công tác bảo hộ lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không được chú trọng, thậm chí nhiều đơn vị hoàn toàn “phớt lờ” vấn đề an toàn lao động. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, quy mô, thì không ít doanh nghiệp chỉ đảm bảo trang bị an toàn cho người lao động ở mức độ tối thiểu theo quy định pháp luật.

Thực trạng “mất bò mới lo làm chuồng” rất phổ biến, khi mà hầu hết các doanh nghiệp không có sự phòng ngừa, bảo vệ cao mà chỉ khi xảy ra các rủi ro, tai nạn lao động thì mới tìm cách xử lý, giải quyết.

Về phía người lao động, hầu hết chưa thực sự quan tâm hoặc thiếu hiểu biết về công tác an toàn, vệ sinh lao động dẫn đến việc chưa có sự đòi hỏi quyền lợi được lao động an toàn, không lường trước được các mối nguy hại tiềm ẩn như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường…

Rất nhiều nạn nhân của các vụ tai nạn là lao động phổ thông, ký hợp đồng lao động thời hạn dưới một tháng, không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thế nên, khi xảy ra tai nạn, mọi thiệt thòi, gánh nặng đổ lên vai người lao động và gia đình của họ. Nhiều trường hợp, lao động chính trong gia đình gặp tai nạn, cả gia đình rơi vào bi kịch, tương lai của con cái họ cũng bị đổi thay.

Nhìn vào hậu quả của những vụ tai nạn lao động để thấy rằng, những nỗ lực của toàn xã hội trong những năm qua dẫu có lớn vẫn là chưa đủ. Chỉ đến khi nào chúng ta tạo dựng được một môi trường lao động thật tốt đẹp, an toàn cho người lao động, chỉ đến khi nào tỉ lệ tai nạn lao động thấp đến mức tối thiểu và sau mọi rủi ro xảy đến, người lao động và gia đình họ vẫn có thể được chăm lo đời sống một cách tốt nhất, thì khi đó, công tác bảo đảm an toàn lao động mới được gọi là khởi sắc, thành công.

Phát biểu trên truyền thông, TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động cho biết, để giảm đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra cũng như hạn chế sự thương tổn đối với sức khỏe con người, các đơn vị sử dụng lao động, các nhà thầu, chủ đầu tư cần kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên các loại máy móc, trang thiết bị tại cơ sở. Kịp thời sửa chữa những máy móc bị hư hỏng bảo đảm an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc. Ðào tạo chuyên môn, cung cấp đầy đủ các kỹ năng vận hành máy móc cho người lao động trước khi sử dụng, tránh trường hợp người lao động chưa biết sử dụng mà vẫn cố khởi động dẫn đến những tai nạn bất ngờ.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức các buổi huấn luyện, tập luyện nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cũng như xử lý nhanh các tình huống nhằm giảm bớt các hậu quả nghiêm trọng xảy ra. Sử dụng lưới bảo hộ, hàng rào che chắn ở những địa điểm diễn ra việc thi công công trình; đồng thời có các biển cảnh báo, biển phát quang để người dân dễ dàng nhận biết. Ngoài ra, hằng năm người sử dụng lao động cần lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Nguồn: https://baophapluat.vn/