Chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
BPO – Chủ động chỉ đạo quan trắc môi trường lao động, khám, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao và tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động là một trong những nội dung UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, củng cố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế theo đúng quy định để đáp ứng nhu cầu quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tuyên truyền cho các cơ sở lao động thực hiện đầy đủ công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30-6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động, Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30-6-2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.
Người lao động luôn được đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động – Ảnh: Quốc Phong
Tăng cường giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động và đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm. Chủ động chỉ đạo quan trắc môi trường lao động, khám, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao và tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Xây dựng kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động và các tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trên địa bàn.
Tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp. Tổ chức triển khai các quy định tại Thông tư số 28/2023/TT-BYT ngày 29-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của chương trình đào tạo nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng sử dụng người lao động vi phạm các quy định, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động. Tăng cường đảm bảo chất lượng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động và các quy định hiện hành. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.
Ban Quản lý khu kinh tế phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp và xử lý tình trạng vi phạm các quy định, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
Các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 7-10-2020 của UBND tỉnh về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh.