Chủ động đánh giá nguy cơ mất an toàn lao động

Thứ Tư, 15/05/2024, 09:18(GMT +7)

Tháng An toàn, vệ sinh lao động và Công nhân năm 2024 diễn ra từ ngày 1 – 31/5/2024 với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tháng, tại ba địa phương, ba tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng 17 người, thật sự đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn lao động.

Còn phổ biến tình trạng lao động làm việc thiếu thiết bị bảo hộ. Ảnh: HẢI NAM
Còn phổ biến tình trạng lao động làm việc thiếu thiết bị bảo hộ. Ảnh: HẢI NAM

Thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm vừa qua, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công. Theo đánh giá, tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn còn một số bất cập tồn tại. Những con số thống kê nêu trên mới chỉ tính riêng tại khu vực có quan hệ lao động. Số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại, đặc biệt ở khu vực phi chính thức.

Trong chưa đầy một tháng, tại ba địa phương, ba TNLĐ cướp đi sinh mạng 17 người. Sáng 1/5, một vụ nổ lò hơi xảy ra tại Công ty sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh ở Đồng Nai làm 6 người tử vong, 5 người bị thương. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, chế biến đồ gỗ gia đình với khoảng 200 lao động. Thời điểm xảy ra vụ nổ có 42 công nhân đang làm việc. Đáng chú ý, dù đã phát hiện có trục trặc về kỹ thuật và công ty đã báo với đơn vị cung cấp thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa vào ngày 30/4 nhưng ngay ngày hôm sau, sự việc tang thương đã xảy ra.

Còn 9 ngày trước đó, hôm 22/4, tại Công ty cổ phần xi-măng và khoáng sản Yên Bái (tỉnh Yên Bái) một nhóm công nhân bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ máy nghiền thì bất ngờ xảy ra sự cố. 7 người tử vong tại chỗ. Ngay hôm sau, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về an toàn lao động (ATLĐ) và bắt tạm giam một công nhân của công ty để điều tra. Đây được coi là vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng, lặp lại những nguyên nhân đã xảy ra từ hàng chục năm trước đây. Cũng trong tháng 4, bốn công nhân của Công ty than Thống Nhất (Cẩm Phả, Quảng Ninh) ra đi mãi mãi sau sự cố hầm lò.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ được chỉ ra, phần lớn thuộc trường hợp người sử dụng lao động thiếu quan tâm, chưa chú ý thực hiện pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc. Ngoài ra, có người lao động (NLĐ) chưa được huấn luyện ATLĐ cũng như thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp vẫn còn rất hạn chế, tâm lý chủ quan.

Dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì công nhân, người làm việc trực tiếp phải gánh chịu nhiều nhất. TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động-LĐLĐ Việt Nam) nhận định: “TNLĐ vẫn đang tồn tại và là một vấn đề rất lớn của xã hội ta hiện nay. Vấn đề lớn nhất của chúng ta là chúng ta phải dự báo được các nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn, có thể xảy ra bệnh nghề nghiệp có những tác động tới sức khỏe NLĐ thế nào trong thời kỳ hiện nay”.

Ông Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học-An toàn lao động đánh giá: “Những vụ TNLĐ vừa xảy ra chúng ta thấy lỗ hổng là các doanh nghiệp chưa có đầy đủ hệ thống quản lý và vệ sinh lao động. Vì không có nó nên doanh nghiệp chưa ban hành đầy đủ quy định, quy trình một cách nghiêm khắc về việc bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”.

Trong bối cảnh sản xuất phát triển thì cũng kèm theo nhiều nguy cơ mất ATLĐ cũng tăng thêm. ATLĐ luôn được coi là một tiêu chí bắt buộc trong quy trình sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Vấn đề này đã được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động (ban hành năm 2015, có hiệu lực thi hành từ giữa năm 2016). Hằng năm, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn triển khai thực thi Luật đồng thời cũng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế, TNLĐ vẫn xảy ra và có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng ATLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) lý giải rằng: “Mặc dù công nghệ hóa nhưng người lao động vẫn phải làm trực tiếp nhiều công việc. Do đó vẫn phải yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và kiểm soát tự động nhiều hơn. Về công tác đào tạo công nhân phải tốt hơn, huấn luyện về công tác ATLĐ phải tốt hơn”.

Chủ động đánh giá nguy cơ mất an toàn lao động ảnh 1

Biển cảnh báo tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: SONG ANH

Xây dựng văn hóa an toàn lao động

Hiến pháp năm 2013 đã quy định tại Khoản 2, Điều 35: “Người làm công ăn lương có quyền được đảm bảo điều kiện an toàn”. Như vậy, đây là quyền cơ bản của con người, là điều kiện kiên quyết, bắt buộc, chỉ khi nào an toàn NLĐ mới được làm việc. Để phòng ngừa TNLĐ, tại khoản 2, Điều 7 và Điều 17 Luật An toàn, vệ sinh lao động hiện hành đã có những quy định rõ ràng và cụ thể trách nhiệm của cả NLĐ và người sử dụng lao động.

TS Nguyễn Anh Thơ cho rằng, rõ ràng đã có cả hành lang pháp lý để điều chỉnh quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với NLĐ, giữa các cấp quản lý với NLĐ và các cấp quản lý với nhau trong vấn đề bảo đảm ATLĐ. Nhưng thực tế quan hệ lao động trước tiên vẫn xuất phát từ quan hệ giữa con người với con người. “Chúng ta phải đối xử với nhau không chỉ bằng luật pháp mà hãy đặt con người ở vị trí trung tâm của xã hội, của doanh nghiệp. Nếu không có con người, không có sự phát triển của doanh nghiệp, không có sản phẩm cho doanh nghiệp và xã hội. Do đó, người sử dụng lao động phải biết ơn NLĐ biết bảo vệ quyền lợi của họ. Đó chính là coi trọng yếu tố văn hóa an toàn lao động”, ông Thơ nói.

Khái niệm văn hóa an toàn lao động đã được sử dụng ở nhiều quốc gia. Đây được hiểu là văn hóa phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong đó quyền của NLĐ được tạo điều kiện về môi trường làm việc an toàn và vệ sinh. Văn hóa an toàn tại nơi làm việc, là một bộ phận không thể tách rời tại nơi làm việc và được coi là nền tảng để NLĐ yên tâm làm việc, cống hiến, bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, môi trường làm việc không chỉ cần an toàn mà NLĐ còn cần được bảo đảm thu nhập, bảo đảm nơi ăn chốn ở, đào tạo nghề và bảo đảm sức khỏe cả vật chất lẫn tinh thần.

Mới đây, Ban Bí thư đã có Chỉ thị 31 về tiếp tục sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Theo đó, cần phải phát động phong trào văn hóa ATLĐ tại nơi làm việc. Kèm theo đó là vấn đề an ninh con người. Phải chăm sóc sức khỏe NLĐ bằng những phương pháp chăm sóc sức khỏe toàn diện, tiên tiến đồng thời kết hợp cả nền y học cổ truyền để làm sao chi phí y tế phù hợp với thu nhập của NLĐ.

Trở lại các vụ TNLĐ gần đây, các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp mạnh, biện pháp tổng thể, kiểm tra chéo. Chủ doanh nghiệp phải chú trọng công tác bảo đảm ATLĐ thường xuyên, có bộ phận giám sát chuyên môn theo hệ thống những kế hoạch vĩ mô, mục tiêu kinh tế, sản xuất hay gia công, cải cách đột phá phải được thực hiện một cách nghiêm chỉnh trên cơ sở bảo đảm ATLĐ. Cấp địa phương gần với doanh nghiệp nhất, nơi có các KCN-KCX và Sở LĐ-TB&XH nên tăng cường hướng dẫn chuyên môn, tập huấn về ATLĐ, tổ chức hội nghị đối thoại. Bên cạnh đó, bản thân DN phải luôn chú trọng chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập tồn tại, nhận diện rủi ro để phòng tránh ngay từ đầu. Hãy xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm quản lý mà vi phạm quy định dẫn đến tai nạn đặc biệt nghiêm trọng để răn đe các trường hợp lơ là, thiếu biện pháp ATLĐ. TNLĐ không bao giờ được phép vin vào lý do ngẫu nhiên nữa.

TS Nguyễn Anh Thơ cho biết, xác định rõ vấn đề quan trọng hiện nay là phải dự báo được các nguy cơ có thể xảy ra mất ATLĐ cũng như bệnh nghề nghiệp, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang đẩy mạnh nghiên cứu và đánh giá về những ngành nghề mới đã thâm nhập vào, chuẩn bị thâm nhập vào Việt Nam để xem mức độ nguy cơ của nó như thế nào đối với NLĐ. Bên cạnh đó là xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về sức khỏe của NLĐ.
Nguồn: https://nhandan.vn/